Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng đã điểm lại các kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm.
Đây là các đánh giá được đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2019 tốt hơn so với dự báo. Một số kết quả nổi bật là:
(1) Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98% (mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây), là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36% (cùng kỳ 2018 là 8,89%), dịch vụ tăng 6,85%.
(2) Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước (do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, giá thịt lợn tăng, giá một số mặt hàng tăng tại các địa phương có mưa lũ kéo dài), CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
(3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá (tăng 10,3%), nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%.
(4) Thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%, thu từ dầu thô đạt 91,5%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 84,4%; chi ngân sách nhà nước tiếp tục đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP.
(5) Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%; kim ngạch nhập khẩu tăng 8,9%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,4%. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD.
(6) Ngành công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. IIP 9 tháng ngành công nghiệp tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
(7) Mặc dù nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành.
Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%. Xuất khẩu gỗ đạt con số trên 9 tỷ USD và cả năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt trên 11 tỷ USD.
(8) Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6% (loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%).
Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xoá đói, giảm nghèo |
(9) Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký).
Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5%. Kết quả điều tra kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 87,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
(10) Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống nhân dân được cải thiện, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện (trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng).
Các lĩnh vực y tế, giáo dục đều có chuyển biến tích cực (trong tháng 9, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, đã chỉ đạo tổ chức thành công khai giảng năm học mới 2019-2020 với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và với nhiều hình thức phù hợp với các lứa tuổi học sinh).
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự kiến năm 2019, chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tựu đạt được rất ấn tượng và tự hào trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nhiều mặt, không thuận của tình hình thế giới, khu vực, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Đời sống nhân dân cải thiện rõ nét. Theo nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta.