1. Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC)
Sở hữu hơn 37 triệu cổ phiếu của một trong những mã có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Phạm Thu Hương, vợ của Chủ tịch VIC Phạm Nhật Vượng là nữ doanh nhân có tài sản lớn nhất trên sàn với giá trị tương đương 2.963 tỷ đồng. Bà Hương cũng là một trong 10 thành viên hội đồng quản trị của Vingroup, cùng với em gái là bà Phạm Thúy Hằng.
2. Nguyễn Hoàng Yến - Thành viên HĐQT công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN)
Bà Yến hiện là Thành viên HĐQT Masan Group, Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của Masan Consumer. Nắm giữ gần 22 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 2.156 tỷ đồng.
3. Phạm Thúy Hằng - Phó chủ tịch công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC)
Bà Hằng là em vợ của ông Phạm Nhật Vượng, là Phó chủ tịch VIC từ tháng 11/2011. Giá trị cổ phiếu bà Hằng đang sở hữu tương đương 1.979 tỷ đồng. Sinh năm 1974, bà Hằng là nữ doanh nhân trẻ nhất trong top 10 phụ nữ giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012.
4. Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)
Bà Khanh nắm giữ hơn 23,37 triệu cổ phiếu VHC, tương đương 49,6% cổ phần của Vĩnh Hoàn, có giá khoảng 638 tỷ đồng. Như vậy, trong lĩnh vực thủy sản, bà là người giàu thứ hai, sau ông Dương Ngọc Minh (Hùng Vương).
Khi Vĩnh Hoàn mới lên sàn, bà Lệ Khanh nắm giữ 60% cổ phần của công ty. Sau đó, Vĩnh Hoàn phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu của bà Lệ Khanh giảm xuống 49,6% như hiện tại. Trong giai đoạn 2006-2008, Vĩnh Hoàn đứng thứ ba về xuất khẩu cá tra, cá basa. Năm 2009 vươn lên vị trí thứ hai và dẫn đầu kể từ năm 2010 đến nay.
5. Bà Đặng Ngọc Lan - Phó ban Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Á Châu (ACB)
Là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng Á Châu với số cổ phần nắm giữ là 38,5 triệu đơn vị, tương đương 616 tỷ đồng, bà Đặng Ngọc Lan hiện là nữ sếp công ty niêm yết giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012. Bà Lan còn được biết đến là vợ của ông Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên, nguyên thành viên Hội đồng sáng lập ACB. Ngoài chức vụ Phó ban Kiểm toán nội bộ ACB, bà Lan còn là thành viên HĐQT Ngân hàng cổ phần Việt Nam Thương tín (VIETBANK).
6. Chu thị Bình - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Minh Phú (MPC)
Bà Bình cùng chồng hiện sở hữu hơn 47% cổ phần tại Minh Phú. Số cổ phiếu của bà Bình có giá trị tương đương 547 tỷ đồng, là doanh nhân ngành thủy sản giàu thứ ba trên sàn chứng khoán Việt.
7. Đặng Thị Hoàng Phượng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC)
Là một trong những thành viên của gia đình quyền lực họ Đặng, bà Hoàng Phượng không chỉ là sếp tại SQC mà còn giữ chức thành viên HĐQT tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) - công ty do anh trai của bà là ông Đặng Thành Tâm là chủ tịch. Giá trị cổ phần bà Phượng sở hữu tại 2 công ty trên là 515 tỷ đồng.
8. Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiên Tổng giám đốc công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Khởi nghiệp từ ngành chế biến gỗ, kinh doanh phân bón rồi rẽ sang kinh doanh bất động sản một cách tình cờ, bà Loan đã có hơn 10 năm lăn lộn trong ngành địa ốc. Hiện sở hữu 60 triệu cổ phiếu QCG, giá trị gần 406 tỷ đồng, bà Loan vẫn lọt top nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, dù công ty của bà đã 3 quý chưa có lợi nhuận.
Mặc dù bổ nhiệm con trai là ông Nguyễn Quốc Cường vào chức vụ Phó tổng giám đốc, phụ trách công bố thông tin cho công ty nhưng người ta vẫn thấy bà Loan xuất hiện trên các phương tiện truyền thông mỗi khi có thông tin liên quan đến Quốc Cường Gia Lai.
9. Đỗ Thị Minh Anh - Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP)
Là vợ của chủ tịch ALP Nguyễn Tuấn Hải, bà Đỗ thị Mai Anh có 5 năm làm việc cho công ty trên cương vị phó tổng giám đốc, đồng thời là Thành viên HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam. Tổng tải sản tính theo số lượng cổ phiếu đang nắm giữ của bà Anh là 284 tỷ đồng.
10. Cao thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ)
Được biết đến như là "nữ tướng vàng nữ trang", bà Cao Thị Ngọc Dung từng được đánh giá góp một phần lớn đưa vàng nữ trang Việt Nam từ con số 0 phát triển như ngày nay. Bà Dung đã lãnh đạo PNJ liên tục từ năm 1998 đến nay, khi đó mới chỉ là Cửa hàng Kinh doanh vàng bạc Phú Nhuận. Hiện bà sở hữu 10,15% vốn của PNJ, tương ứng 248,4 tỷ đồng.
Gia đình bà Dung có tới 10 người sở hữu cổ phiếu của PNJ, từ mẹ bà cho tới anh em, con gái. Ngoài ra, chồng bà Dung là ông Trần Phương Bình, hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á. PNJ là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với tỷ lệ nắm giữ 7,7%.
Bà Dung từng được bầu chọn vào top 5 doanh nhân xuất sắc nhất được vinh danh trong giải thưởng “Ernst & Young – bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2011”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Zing