Được thực hiện trực tuyến trong suốt tháng 10/2014 đến tháng 1/2015 trên tổng số 15.578 người đang đi làm trên tổng số 24 ngành nghề trên khắp toàn quốc, bảng danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam năm 2014 do mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen bình chọn đã không làm quá nhiều người bất ngờ.
Unilever Việt Nam tiếp tục là được người lao động tại Việt Nam bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2014. Cùng lúc, Unilever còn đoạt danh hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ở 2 hạng mục cơ hội phát triển và danh tiếng công ty. Vinamilk được bình chọn là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ở 2 hạng mục lương, thưởng, phúc lợi và chất lượng công việc và cuộc sống.
Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ở hạng mục văn hóa và giá trị, đội ngũ lãnh đạo lần lượt thuộc về Intel và Microsoft Việt Nam.
Nhà tổ chức cuộc bình chọn vinh danh 24 nơi làm việc tốt nhất của 24 ngành nghề (ảnh: T.Q) |
Tại buổi lễ, đơn vị tổ chức cũng đã vinh danh 24 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ở 24 ngành nghề, trong đó có hầu hết các tên tuổi lớn ở nhiều ngành khác nhau như: HSBC (ngân hàng), Nike (may mặc, giày dép), Holcim (sản xuất), Prudential (bảo hiểm)…
Đặc biệt, năm nay số doanh nghiệp, công ty của Việt Nam lọt vào top 100 nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam đã tăng rõ rệt so với năm ngoái, từ 14 doanh nghiệp tăng lên 20. Trong đó, có thể ghi nhận nhiều tên tuổi, doanh nghiệp lớn trên tất cả các lĩnh vực đều có mặt trong bảng xếp hạng này, có thể kể đến là: Vingroup (bất động sản), Vietjet (du lịch, khách sạn, nhà hàng), Viettel, Mobifone (viễn thông), Techcombank, PNJ, Thế giới di động…
Cùng với xu hướng người đi làm ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe, các công ty dược, sữa và chăm sóc sức khỏe cũng đứng ở bảng xếp hạng này giữ nhiều vị trí cao như: Vinamilk (tăng từ hạng 3 lên hạng 2 trong bảng xếp hạng), Abbott (hạng 6 lên hạng 4), Nutifood (lần đầu lọt vào top 100 và đứng thứ hạng 32), Sanofi (từ hạng 73 lên hạng 59)…
Theo kết quả của cuộc khảo sát này, xu hướng và động cơ nghề nghiệp của người lao động đã có một sự khác biệt trong mục tiêu nghề nghiệp giữa nam và nữ., giữa nhân viên và cấp quản lý. Mục tiêu của người đi làm và việc hài lòng, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp vẫn còn một khoảng cách nhất định.
Hai mục tiêu khác của người đi làm là tiền và cuộc sống thoải mái, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp lại ít được người đi làm hài lòng nhất. Người đi làm ngày nay cũng đặt ra nhiều mục tiêu trong nghề nghiệp , đa dạng khác nhau, nên họ cũng cầu toàn hơn trong việc chọn nơi làm việc.
Trong nhiều kỳ vọng của người lao động thì lương, thưởng, phúc lợi xã hội vẫn là những yếu tố có tầm quan trọng nhất. Điều này phản ánh trong xu thế kinh tế khó khăn, người lao động mong muốn bù đắp lại được cho khối lượng công việc ngày càng tăng cao. Thế nhưng, so với năm ngoái thì năm nay, người lao động đòi hỏi nhiều hơn cả là về phúc lợi.
Đội ngũ lãnh đạo và danh tiếng Công ty cũng là hai yếu tố rất quan trọng để lèo lái doanh nghiệp vượt qua nền kinh tế khó khăn, đảm bảo cho người lao động có sự ổn định về công việc.