1. Tìm hiểu thông tin
Lợi ích lớn nhất của “thời đại thông tin” hiện nay chính là mạng lưới thông tin kiến thức rộng khắp. Bạn nên biết tận dụng lợi thế này để tìm hiểu về căn bệnh của mình. Internet luôn là kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Mỗi một loại bệnh, cách điều trị hay biện pháp phẫu thuật đều có thể tìm được thông qua một số trang cung cấp công cụ tìm kiếm rất hiệu quả như Google, Yahoo…
Bên cạnh đó, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ phẫu thuật về mọi vấn đề mà bạn đang thắc mắc ở mọi thời điểm: trước, trong hoặc sau quá trình điều trị tại bệnh viện. Việc nắm bắt và hiểu rõ về căn bệnh cũng như cuộc phẫu thuật sẽ giúp bạn yên tâm hơn trong việc điều trị.
2. Tìm kiếm tư vấn
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về biện pháp điều trị mà mình đang được áp dụng, bạn cần tìm kiếm sự tư vấn từ một bác sĩ phẫu thuật có uy tín khác.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về biện pháp điều trị mà mình đang được áp dụng, bạn cần tìm kiếm sự tư vấn từ một bác sĩ phẫu thuật có uy tín khác. Ảnh minh họa. |
Thậm chí, bạn có thể tìm gặp và nói chuyện với những người đã từng phải phẫu thuật giống mình. Chắc chắn bạn sẽ thu được nhiều thông tin hữu ích.
3. Cung cấp thông tin cho bác sĩ
Hãy nói với bác sĩ điều trị về những căn bệnh hoặc những rắc rối về sức khỏe mà bạn đang gặp phải như tiểu đường, cao huyết áp, viêm khớp, bệnh răng miệng, bệnh phổi và những bệnh gây dị ứng.
Ngoài ra, cần cho bác sĩ biết về các loại thuốc (kể cả thuốc được kê đơn và thuốc tự mua) và các loại thuốc bổ (như sâm, dầu cá, vitamin…) mà bạn đã uống trước đó. Những thông tin này rất quan trọng, giúp bác sĩ có kế hoạch phòng ngừa những ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật.
4. Lập kế hoạch
Cần sắp xếp và lên kế hoạch cho tất cả các cuộc kiểm tra sơ bộ theo yêu cầu của bác sĩ. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ phẫu thuật sẽ yêu cầu phải lấy máu của bạn trước (ít nhất là bốn tuần trước khi phẫu thuật) để họ có thể truyền lại máu này cho chính bạn trong quá trình phẫu thuật.
5. Chuẩn bị thể lực
Một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc là những yêu cầu cần thiết để đảm bảo có được sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào cuộc phẫu thuật và sẽ phục hồi nhanh hơn sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc. Thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ bị biến chứng, vì vậy, nên cố gắng giảm cân khi có thể.
Tuy nhiên, không nên ăn kiêng trước cuộc phẫu thuật tối thiểu một tháng. Nếu bạn mắc chứng ngưng thở trong lúc ngủ (thường có liên quan đến chuyện béo phì) thì cần trao đổi vấn đề này với chuyên gia gây mê để họ có kế hoạch gây mê đặc biệt, giúp bạn thở tốt hơn trong quá trình phẫu thuật.
6. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá làm gia tăng nguy cơ bị những biến chứng nguy hiểm đối với mọi cuộc phẫu thuật. Đây là thủ phạm làm tăng huyết áp, khiến tim đập nhanh hơn, gây hẹp động mạch và làm co mạch máu, tạo ra nhiều nước nhầy trong phổi.
Ảnh minh họa |
Bỏ thuốc lá luôn luôn là lời khuyên giá trị nhất để bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Tốt nhất, nên bỏ thuốc ít nhất là hai tuần trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra.
7. Hạn chế bia rượu
Nên cho bác sĩ biết lượng đồ uống có chất cồn bạn thường tiêu thụ. Chất cồn có thể khiến máu chảy nhiều hơn, làm gan bị tổn hại và gây ra những ảnh hưởng không thể dự đoán trước đối với việc gây mê. Do đó, cần ngừng hoặc hạn chế uống những chất có cồn nhằm tránh những biến chứng trong cuộc phẫu thuật.
8. Kiểm tra bảo hiểm y tế
Bạn cần biết công ty bảo hiểm có những yêu cầu gì để giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho mình. Trước khi được phẫu thuật, hãy chuẩn bị trước những giấy tờ cần thiết theo yều cầu của họ. Ngoài ra, cần kiểm tra thời hạn của thẻ bảo hiểm để kịp thời mua bổ sung nếu thẻ hết hạn.
9. Chuẩn bị vật dụng cần thiết
Nếu phải nằm viện sau khi phẫu thuật, bạn cần chuẩn bị những vật dụng cá nhân cần thiết như: thẻ bảo hiểm và các giấy tờ liên quan, quần áo, khăn, xà bông, kem đánh răng, dép và những thứ phục vụ cho nhu cầu cá nhân… Cho tất cả vào chiếc túi xách để đến ngày đi phẫu thuật, bạn không phải rối tinh lên với mọi thứ. Không nên mang theo nữ trang hoặc những vật dụng đắt tiền.
10. Lên kế hoạch cho sự phục hồi
Đừng nghĩ gian đoạn bình phục là khoảng thời gian lãng phí mà ngược lại, đó là thời điểm để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Nên lập kế hoạch về những gì bạn muốn làm trong khoảng thời gian này.
11. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Cố gắng thu xếp và yêu cầu những người thân ở cùng với bạn, chăm sóc bạn trong lúc nằm viện và đưa bạn trở về nhà, đặc biệt là vào tuần đầu tiên sau khi được xuất viện.
12. Ăn uống trước phẫu thuật
Bạn nên ngừng ăn những loại thức ăn đặc khoảng nữa ngày trước khi được phẫu thuật, có thể uống nước lọc nhưng tốt nhất là nên ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ và nên ngừng ăn, uống hẳn trước khi ca mổ diễn ra.
Theo Phụ nữ Online/Lifemojo.com