Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Hà Mạnh Cường (phụ huynh Trường tiểu học Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên) nói: “Cháu Nhi con gái tôi đến ngày hôm nay 21/3, tức là sau 4 hôm đi cấp cứu ở viện về, vẫn thấy cháu nói là còn đau bụng. Cháu ăn rất ít vì ăn no là lại đau. Tôi rất là lo không biết liệu có di chứng gì không, vì ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm, may mà cấp cứu kịp thời không thì hậu quả thật khó lường”.
Sau khi uống sữa Fami Kid, nhiều học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng phải đi cấp cứu. Hiện cơ quan chức năng đang xét nghiệm làm rõ nguyên nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Bình cung cấp. |
Cũng theo anh Cường: “Hôm đó vào tầm tan học buổi trưa, em trai tôi đi đón cháu. Khi đến trường, thấy cháu Nhi và rất nhiều cháu khác đang khóc, ôm bụng kêu đau, tay cháu Nhi vẫn cầm một hộp sữa Fami Kid và nói là cháu uống sữa này. Em tôi cầm hộp sữa rồi đưa cháu Nhi lên Bệnh viện Đa Khoa Phú Bình cấp cứu.
Vừa lúc tôi gặp hai chú cháu ở cổng viện nên tôi đã đưa thẳng cháu vào khoa cấp cứu. Cháu vào viện sớm nhất, gần 30 phút sau mới thấy có thêm các cháu khác vào. Lúc vào viện mặt cháu Nhi rất tái, khóc, kêu đau bụng, chóng mặt và có nôn mấy lần, các cháu vào sau cũng triệu chứng giống con nhà tôi”.
Không chỉ có cháu Nhi nói là sữa có vị chua, cháu Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Khi uống cháu thấy sữa rất chua, nhưng cháu vẫn cố uống hết cả hộp vì nghĩ sữa có vị như vậy. Một lúc sau cháu và các bạn trong lớp đang ngồi chơi thì thấy đau bụng, mấy bạn trong lớp cũng kêu đau bụng rồi khóc rất to. Mẹ một bạn trong lớp biết tin nên đã đến và đưa cả cháu và bạn đó đi bệnh viện”.
Cháu Nguyễn Thị Hải Yến nói: “Cháu uống thấy sữa rất chua nên cháu chỉ uống một ngụm rồi vứt đi, nhưng một lúc sau là cháu thấy đau bụng và được các cô giáo đưa đến bệnh viện. Hôm trước, cháu cũng uống một hộp không bị chua nhưng đến tối về nhà vẫn bị đau bụng”.
Sau cấp cứu 5 ngày nhưng cháu Nhi (con anh Cường) vẫn bị đau bụng. Anh Cường nghi ngờ bị ngộ độc sữa Fami Kid. Ảnh: Tùng Dương. |
Anh Cường nói thẳng: “Tôi thấy rất bức xúc và yêu cầu phải truy trách nhiệm đến cùng đối với nhà sản xuất loại sữa Fami này.
Còn nếu như nhà trường muốn cho các cháu uống thử sữa thì cũng phải có thông báo hoặc họp phụ huynh để cho các gia đình biết được, không phải cứ khuyến mãi, miễn phí là cho các cháu uống vô tội vạ.
Sao nhà trường lại đem các cháu ra để thử sữa? Không lẽ cứ có thực phẩm gì mới lại đem con chúng tôi ra để thử hay sao? Hậu quả xảy ra, may là nhẹ chứ không thì chẳng biết thế nào, mà đến tận hôm nay cũng không thấy người của hãng sữa đến hỏi han gì các cháu.
Tôi khẳng định là con tôi bị ngộ độc sữa, vì sáng ra tôi cho cháu ăn một chút cháo nấu ở nhà. Tôi không bao giờ cho cháu tiền và cháu mới học lớp một, ở trong trường giờ đó chỉ uống sữa không ăn gì khác và đã bị đau bụng".
Phiếu xét nghiệm được bác sĩ chuẩn đoán ngộ độc sữa tại Bệnh viện Đa Khoa Phú Bình. Theo phiếu kết quả xét nghiệm phân của các cháu bị ngộ độc ngày 15/3/2019 tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình cho thấy nguyên nhân là do ngộ độc sữa? |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngay tại khoa cấp cứu, bác sĩ Tạ Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Bản thân tôi cùng các bác sĩ trong viện trực tiếp tiếp nhận các cháu khi vào khoa cấp cứu, thấy tình trạng ban đầu các cháu đều có triệu chứng khóc, nôn, đau bụng, đau đầu, qua công tác khám, xét nghiệm và chuẩn đoán thì cho thấy đây là hiện tượng bị ngộ độc, và tất cả các cháu đều được cấp cứu theo phác đồ của ngộ độc thực phẩm.
Theo mẫu sữa mà các cô cầm theo vào thì tôi thấy đây là sữa hộp Fami Kid Sô-cô-la, chúng tôi có khai thác thêm thông tin từ các cô giáo của trường đưa các cháu vào cấp cứu, để tiện việc điều trị, cô giáo nói cả trường có hơn 700 cháu uống loại sữa đó, đây là sữa mà nhà trường cho các cháu uống theo chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy”, uống đến hôm nay là ngày thứ 2”.
Bác sĩ Thành nói: “Theo chúng tôi phán đoán, có thể sữa mà 29 cháu đang cấp cứu được uống ở Trường tiểu học Nhã Lộng là có vấn đề thì mới dẫn đến việc ngộ độc”, bác sĩ Thành nói.
Cũng theo bác sĩ Thành thì những mẫu sữa mà các cô giáo cầm vào viện đã được phòng y tế, trung tâm y tế huyện Phú Bình mang đi xét nghiệm và chưa có kết quả”.
Những thùng sữa Fami Kid đang được niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng. Ảnh: Tùng Dương. |
Vấn đề được dư luận đang đặt câu hỏi về việc mang mẫu sữa mà cơ quan chức năng mang đi xét nghiệm có đúng là mẫu lấy từ Bệnh viện Đa khoa Phú Bình không? Mẫu sữa đó được niêm phong thế nào? Ai niêm phong và quy trình bàn giao mẫu ra sao?
Ai là người mang mẫu đi, ai giám sát việc đó? Mang mẫu đó đi đâu và giao cho ai ở đơn vị nào, có biên bản niêm phong và bàn giao đúng quy trình không? Việc đó có những ai chứng kiến?
Cán bộ nào ở cơ quan nào nhận mẫu đó, cán bộ nào trực tiếp xét nghiệm, xét nghiệm lúc nào?
Việc xét nghiệm liệu có phải từ chính những hộp sữa đang uống dở được nghi ngờ đã làm cho các cháu bị ngộ độc hôm 15/3/2019 hay không, hay là lấy mẫu sữa khác để làm xét nghiệm?
Theo quyết định số 5327/2003/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 13/10/2003 về việc ban hành “Quy định về lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm”.
Việc lấy và xét nghiệm mẫu sữa Fami Kid do các phụ huynh cung cấp khi đưa con vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình có làm đúng quy định hay không? Ảnh: moh.gov.vn. |
Trong quyết định này có nêu rõ: Lấy mẫu kiểm tra theo yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn, không nhầm lẫn, không gây ô nhiễm thêm, ô nhiễm chéo các chất độc hại, vi sinh vật trong quá trình lấy mẫu, ghi biên bản lấy mẫu theo quy định. Chuyển mẫu cần phân tích đến phòng kiểm nghiệm trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Dụng cụ đựng mẫu có dung tích chứa được ít nhất 250ml hoặc 250g thực phẩm, có nắp đậy kín, tránh rò rỉ mẫu ra ngoài.
Ai chịu trách nhiệm vụ việc 29 trẻ nhỏ cấp cứu sau uống sữa Fami Kid? |
Mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm phải được giữ lạnh hoặc trong dung dịch bảo quản phù hợp với từng loại thực phẩm, bệnh phẩm.
Tránh làm hư hỏng, biến đổi thực phẩm, bệnh phẩm hay ô nhiễm thêm vi sinh vật, các chất độc hại trong quá trình vận chuyển.
Ở phòng kiểm nghiệm, mẫu thực phẩm, bệnh phẩm phải được tiếp tục bảo quản ngay ở điều kiện nhiệt độ thích hợp đối với từng loại mẫu.
Tất cả các mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm phải được kiểm nghiệm ngay trong vòng 24 giờ. Nếu quá năng lực kiểm nghiệm thì phòng kiểm nghiệm phải gửi ngay mẫu đến phòng kiểm nghiệm tuyến trên.
Vậy việc lấy và xét nghiệm mẫu sữa Fami Kid có thể gây ra ngộ độc cho 29 học sinh tại Trường Tiểu học Nhã Lộng có làm đúng quy định hay không? Đây là vấn đề đang được các phụ huynh ở Phú Bình cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.