Liên quan tới sự việc nhiều cháu học sinh tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bị ngộ độc sau khi uống sữa Fami Vinasoy, ngày 19/3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Phùng Văn Xuyên - Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình.
Ông Xuyên xác nhận: “Khoảng 9h 30 phút, ngày 15/3/2019, Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình tổ chức cho học sinh toàn trường uống sữa theo Kế hoạch số 233/KH-SGDĐT ngày 19/2/2019 của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai chương trình (sữa đậu nành học đường Vinasoy), năm học 2018 - 2019. Sau khi uống sữa khoảng 15 phút, một số học sinh có biểu hiện như đau đầu, buồn nôn…”.
29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) phải cấp cứu nghi bị ngộ độc sữa Fami Kid. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Bình. |
Ông Ngô Tiến Sinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Bình chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Trường Tiểu học Nhã Lộng tổ chức cho hơn 700 em học sinh của trường uống sữa Fami Vinasoy vào lúc 9h30 ngày 15/3/2019.
Sau khoảng 50 phút nhà trường thấy một số em có biểu hiện khó chịu, đau bụng, buồn nôn, đến khoảng 10h40 có 23 em học sinh ở lớp 4C và 4D có biểu hiện nặng hơn nên nhà trường đã đưa các em đến trạm y tế xã, sau đó đưa các em đến Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình cấp cứu.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày tiếp tục có thêm 6 em vào nhập viện với các triệu chứng tương tự. Tổng cộng 29 cháu phải vào Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình cấp cứu vì nghi là bị ngộ độc sữa.
Sau khi sự việc xảy ra, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Bình lập tức đã có chỉ đạo dừng ngay tất cả việc cho các cháu học sinh trong huyện Phú Bình sử dụng loại sữa này”.
Số sữa đang dùng dở được niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng đợi xét nghiệm. Ảnh: Tùng Dương. |
Được biết các trường cho trẻ uống loại sữa này dựa trên chương trình: Sữa đậu nành học đường Vinasoy do Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai. Đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).
Theo kế hoạch 233/KH-SGDĐT ngày 19/2/2019 của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên thì 45 nghìn học sinh tiểu học thuộc 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên mỗi ngày đi học được uống 1 hộp sữa đậu nành Fami Kid 125 ml, uống miễn phí liên tục trong 10 ngày và thời gian uống bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 22/3/2019.
Kế hoạch 233/KH-SGDĐT còn nêu rõ: Cấp phát sữa trợ giá từ Vinasoy và nguồn thu của phụ huynh dự kiến triển khai từ ngày 1/4/2019, sữa được bán trợ giá 2.166 đồng 1 hộp sữa đậu nành Fami Kid 125 ml cho đối tượng là học sinh của 3 huyện.
Theo ghi nhận thì các trường Tiểu học thuộc 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên đã phát bản thông báo để phụ huynh đăng kí mua sữa.
Vậy có thể hiểu sự việc ở đây là sau khi chương trình uống miễn phí 10 ngày kết thúc, sẽ tiếp đến giai đoạn 2 bán sữa cho các em học sinh.
Kế hoạch sữa đậu nành học đường Vinasoy của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai, đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên với khoảng 45 nghìn học sinh. Ảnh: Tùng Dương. |
Theo nguyên tắc quản lí nhà nước thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phải đồng ý chủ chương, và giao cho Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì để phối hợp triển khai chương trình này trên địa bàn tỉnh.
Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho đưa sữa Fami Kid vào nhiều trường để học sinh uống dựa trên tiêu chí nào?
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiếp xúc với nhiều phụ huynh và được biết nhà trường có gửi thông báo uống sữa Fami Vinasoy, nhưng họ chưa đồng ý.
Mặc dù vậy sữa vẫn được đưa vào trường cho trẻ uống và sau đó 29 cháu phải nhập viện cấp cứu.
Tháng 11/2018, Bộ Y tế đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai chương trình Sữa học đường và nhấn mạnh, sữa dùng trong chương trình phải là sữa tươi.
Theo đó, công văn số 7162/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về sữa học đường ngày 26/11/2018 nêu rõ: "Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế", công văn nêu rõ.
Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên cần sớm đưa ra câu trả lời, để các bậc phụ huynh có con là học sinh trong tỉnh và dư luận xã hội được biết. Ảnh: thainguyen.gov.vn |
Vậy việc đưa loại sữa có nguồn gốc thực vật vào chương trình sữa học đường có phù hợp với chỉ đạo của Bộ Y tế? Quy trình và cơ chế kiểm soát chất lượng đầu vào thế nào, và có đảm bảo an toàn tuyệt đối khi trẻ uống?
Việc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên đưa một đơn vị vào bán sữa cho các trường học trong tỉnh Thái Nguyên là chỉ định thầu hay có qua đấu thầu công khai?
Nếu đấu thầu dựa trên các tiêu chí nào? Nếu chỉ định thầu thì căn cứ vào quy định nào?
Đây là những thắc mắc chính đáng của nhiều phụ huynh, nên rất cần Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên đưa ra câu trả lời, công khai minh bạch.
Sức khoẻ của con trẻ, thế hệ tương lai của đất nước không thể xem thường.