3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công

25/02/2019 14:13
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Cả Mỹ và Triều Tiên đều có thể tìm thấy bài học từ Việt Nam, đàm phán trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi mới mong có đột phá cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 đang đến rất gần. Có thể nói, khắp nơi trên thế giới đang hồi hộp nghe ngóng, chờ đợi thời khắc quan trọng sẽ diễn ra như thế nào tại Việt Nam, cả về hình thức lẫn nội dung của cuộc hội ngộ lịch sử này. 

Hòa chung với không khí đó, chúng tôi muốn cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ góc nhìn về sự kiện quan trọng này.

Mỹ và Triều Tiên đều có thể tìm thấy ở Việt Nam bài học giá trị

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến bình luân, lý giải về sự lựa chọn này. Chúng tôi cũng đã từng có bài chia sẻ, phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Trong đó, chúng tôi cũng đã từng thẳng thắn nêu rõ quan điểm của mình về nhận định một chiều của nhiều người cho rằng, đến Việt Nam sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên học tập kinh nghiệm của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực về đối nội cũng như đối ngoại, theo quan điểm của phía Hoa Kỳ. 

Điển hình là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề xuất với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un: 

"Việc chúng ta hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy khi một quốc gia quyết định xây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn với Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình.

Tổng thống Donald Trump tin đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam nếu ngài nắm bắt cơ hội này. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài”. 

Theo quan điểm của chúng tôi, căn cứ vào những diễn biến của lịch sử thăng trầm trong quan hệ Việt - Mỹ, bài học được đúc kết có thể áp dụng thiết thực cho quan hệ Mỹ - Triều có lẽ không chỉ dành riêng cho Triều Tiên. 

Nói một cách song phẳng, bài học từ thực tế Việt Nam cũng dành cả cho Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc, đã từng “làm mưa làm gió” kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho đến nay, nhưng lại gặp phải không ít khó khăn trở ngại, thậm chí nhiều khi phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, làm suy giảm uy tín và vị thế của nước Mỹ cả về đối nội cũng như đối ngoại. 

Phải chăng chính vì thế mà trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45, ngài Donald Trump đã phải ghi đậm dòng chữ "Make America Great Again” lên chiếc mũ nổi bật của mình như là một khẩu hiệu tranh cử  xuyên suốt để đánh gục các đối thủ ngang sức ngang tài?

Thiết nghĩ đó mới là lý do đầy đủ để những nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có tiếng nói chung khi đưa ra quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần thứ 2. 

Và nếu trên một tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cuộc gặp lần này mới có thể đạt được những bước tiến tích cực và thiết thực, đáp ứng kỳ vọng của nhân loại nói chung, nhân dân hai nước Mỹ - Triều nói riêng.

Bình đẳng cùng có lợi mới tạo được đột phá trong đàm phán

3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công ảnh 2

Đất lành chim đậu

Nếu đàm phán trên một tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cuộc gặp lần này mới có thể đạt được những bước tiến tích cực và thiết thực, đáp ứng kỳ vọng của nhân loại.

Theo nhiều  nguồn tin khác nhau trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần 2, mặc dù cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều không thể hiện dấu hiệu cho thấy họ muốn quay lại tình trạng đối đầu, nhưng để tránh việc đó xảy ra, các cuộc đàm phán sắp tới cần phải có sự tiến triển. 
Vì vậy, các bên không thể chần chừ mãi được.  

Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến cục diện bán đảo Triều Tiên, chúng tôi cảm thấy còn có khoảng cách khá xa trong quan điểm, lập trường của hai bên trước khi gặp nhau. 

Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân nhưng không gây sức ép về thời gian biểu đối với Bình Nhưỡng trước cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội. 

Ông Donald Trump khẳng định, trong thời gian chờ đợi Triều Tiên tiến hành xong quá trình giải trừ hạt nhân, Mỹ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt, vẫn duy trì quân lính và vũ khí chiến tranh, kể cả vũ khí hạt nhân, tại Hàn Quốc. 

Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại mong muốn cải thiện quan hệ chính trị như được nêu trong Tuyên bố Singapore về mối quan hệ Mỹ-Triều mới. 

Hiện tại, Bình Nhưỡng đang mong muốn Washington ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên kéo dài hàng thập kỷ; đồng thời đề nghị chấm dứt các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho đời sống của người dân Triều Tiên vô tội.

Các lệnh cấm vận này đang  gây tổn thất nặng nề lên nền kinh tế của đất nước Triều Tiên, một quốc gia đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề bởi cuộc chiến tranh từ 6 thập kỷ trước. 

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý tổ chức hội đàm thượng đỉnh, nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong lộ trình cụ thể thực hiện phi hạt nhân hóa, xây dựng lòng tin và xây dựng thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 

Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tháng Sáu 2018, ảnh: AP.
Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tháng Sáu 2018, ảnh: AP.

Chúng tôi cho rằng nếu những rào cản khó có thể vượt qua đó không được gỡ bỏ, thì kết quả của các cuộc gặp thượng đỉnh sẽ rất mong manh; có chăng cũng chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung, vô thưởng, vô phạt, chỉ có lợi cho những toan tính vụ lợi khác. 

Để những cuộc gặp thượng đỉnh có được những bước tiến tích cực, đáp ứng kỳ vọng của toàn thể nhân loại trong bối cảnh quốc tế đầy những biến động bất trắc hiện nay, thiết nghĩ những nhà đàm phán cần nhận diện một cách khách quan những nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng đó để có cách giải quyết vấn đề tận gốc. 

3 khuyến nghị chính sách với đàm phán Mỹ - Triều

Theo chúng tôi, có lẽ có những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Vấn đề khiến dư luận hết sức quan ngại, thậm chí đang trở thành trọng tâm của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã, đang và sẽ diễn ra, đó là vấn đề “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. 

Chúng tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với những quan ngại đó. Tuy nhiên, thiết nghĩ chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu xem lý do của tình trạng “hạt nhân hóa” này?

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, để không bị chèn ép, ức hiếp dưới mọi hình thức, mọi cá thể, dù là cá nhân hay quốc gia, đều tìm mọi cách để tồn tại. Một trong những biện pháp để tự vệ, họ có quyền tự trang bị những loại vũ khí đủ để chống lại bất kỳ sự đe dọa nào. 

3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công ảnh 4

Kim Jong-un lên vũ đài quốc tế, Donald Trump tin Triều Tiên sẽ rất thành công

Những cuộc chạy đua vũ trang đã và đang tồn tại trên trái đất này đã chứng minh tính tất yếu của “quy luật đấu tranh sinh tồn” đó. 

Vì vậy, phải chăng trong hoàn cảnh phải “đấu tranh sinh tồn” trước những đe dọa bằng vũ lực, kể cả kho vũ khí hạt nhân đang tồn trữ ở phần phía Nam bán đảo Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên buộc phải  trang bị cho họ thứ vũ khí tương tự?

Mặc dù để có được nó, người dân Triều Tiên phải “thắt lưng buộc bụng”, phải chịu đựng hy sinh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Để “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên một cách triệt để, có lẽ các quốc gia có liên quan, đặc biệt là các cường quốc hạt nhân, cần chủ động thực hiện những lộ trình thích hợp, có tính đến những mối quan tâm, lo lắng trước hoàn cảnh của các quốc gia nhỏ yếu trong mối tương quan sức mạnh quốc tế hiện nay.

Thứ hai, việc thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên qua 6-7 thập niên đến nay vẫn chưa được xây dựng, theo quan điểm của chúng tôi, không phải xuất phát từ ý chí của nhân dân 2 miền Nam Bắc Triều Tiên, mà xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa khác. 

Chúng tôi đồng tình với nhận định rằng, giải quyết mâu thuẫn Trung-Mỹ và giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có mối liên hệ chặt chẽ.

Tuy nhiên, điều cần nêu rõ là việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và duy trì trật tự hạt nhân Đông Bắc Á không thể tách rời sự phối hợp giữa các nước lớn. 

Theo đó, các siêu cường, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, nên tiếp tục hỗ trợ chiến lược cho Triều Tiên, cố gắng để Triều Tiên đàm phán một cách bình đẳng, nhằm đảm bảo tính bền vững của cuộc đàm phán, cân bằng lợi ích của các bên, đảm bảo các bên đều có thể hưởng lợi. 

Nếu chỉ vì lợi ích chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị đang diễn ra, cả Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác, đều phải gánh chịu trách nhiệm về sự tồn vong của nhân loại đang đứng trước thảm họa hủy diệt bởi cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.

3 khuyến nghị của Tiến sĩ Trần Công Trục để thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công ảnh 5

Muốn có đột phá tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, các bên không nên chần chừ

Thứ ba, Để biến những kỳ vọng nói trên trở thành hiện thực trong tương lai gần không phải là điều dễ dàng trong tình thế quốc tế hiện nay;

Tuy nhiên, nếu biết khai thác được những điểm tương đồng trong quan hệ địa- chính trị, địa- kinh tế giữa các quốc gia trong phạm vi toàn cầu, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào những thành quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội nay mai. 

Đặc biệt,chúng tôi tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại có đủ bản lĩnh và trí tuệ để nhìn nhận, lựa chọn áp dụng đường lối đúng đắn, sao cho đất nước mình có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để phát triển một cách độc lập, tự chủ và bình đẳng, không có sự can thiệp của bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào. 

Điều này mới là sự tương đồng giữa hai dân tộc Việt Nam và Triều Tiên. 

Bởi vì, cả hai dân tộc đều là tuyến đầu của cuộc cạnh tranh địa - chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà kết quả là sự chia cách 2 miền Nam Bắc diễn ra từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước.

Vì vậy, cả hai dân tộc đều phải trải nghiệm qua nhiều thử thách của tình cảnh chia ly, phân cách và những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà tàn dư của nó cho đến nay vẫn còn là những nỗi đau khôn nguôi trong lòng của mỗi một người dân của cả 2 dân tộc Việt – Triều. 

Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tiến sĩ Trần Công Trục