Sự cố đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã bị vỡ tại Km22+600 (trước cổng UBND xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) hồi 14h ngày 1/4/2014 khiến hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Từ Liêm lâm vào tình trạng mất nước sinh hoạt.
Báo Đời sống - Pháp luật dẫn lời ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, đến 1h sáng ngày 2/4 sự cố đã được khắc phục xong.
"Ngay sau đó ống nước đã được xả sạch. Đến 8h30, van cấp nước được mở trở lại, với các hộ dân ở gần sẽ có nước ngay, còn các hộ ở xa đến tầm trưa sẽ có nước", ông Tốn khẳng định.
Nhà máy nước Sông Đà tại Hòa Bình thuộc Tổng công ty Vinaconex. |
Theo ông Nguyễn Văn Tốn, đoạn ống nước bị vỡ nằm tại khu vực trước đây là ao hồ, vì vậy nền đất yếu, thêm vào đó vị trí này lại nằm ngay dưới hầm chui dân sinh, nơi thường xuyên có nhiều xe trọng tải lớn đi qua, chính vì vậy mới xảy ra vụ việc.
Được biết, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 24/4/2004. Đây là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ xã hội.
Theo đó, Công ty VIWASUPCO được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp nước sạch cho Thành phố Hà Nội và các đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn… được ổn định, thường xuyên nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân Hà Nội. Việc thành lập một Công ty TNHH trực thuộc Tổng công ty để đảm nhận những nhiệm vụ trên là một phương án phù hợp với xu thế phát triển tất yếu, đảm bảo quyền tự chủ, sự tập trung linh hoạt trong suốt quá trình quản lý, vận hành dự án.
Ngày 30/7/2008, nước sạch Sông Đà đã bắt đầu hoạt động.
Ngày 25/3/2009 tại hội trường cơ quan Tổng Công ty Vinaconex đã diễn ra lễ ký hợp đồng bàn giao và tiếp nhận hệ thống cấp nước sạch khu vực Tây nam Hà Nội giữa Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nước sạch.
Theo đó, từ ngày 1/4/2009, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch ViWaCo thuộc Tổng Công ty Vinaconex sẽ tiếp nhận để khai thác toàn bộ hệ thống nước sạch và cung cấp nước sạch từ nhà máy nước Sông Đà cho khu vực Tây Nam Hà Nội giới hạn bởi đường 32 – đường Phạm Hùng (vành đai 3) – đường Trần Duy Hưng – đường Láng ở phía Bắc và các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp dọc theo trục đường Láng – Hòa Lạc.
Được biết, công trình này là một trong hai công trình mà Vinaconex được trao tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm vận hành, đường ống dẫn nước này liên tục bị vỡ khiến hàng chục ngàn hộ dân tại Hà Nội và lân cận khốn đốn, đảo lộn sinh hoạt vì mất nước
Trước đó, khoảng 10h sáng 21/11/2013, đường ống nước sông Đà trên Đại lộ Thăng Long, tại km 27, xã Phú Cát, Huyện Quốc Oai, Hà Nội bị vỡ. Khoảng hơn 70.000 hộ dân (tương đương 280.000 người) thuộc các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa,... đã bị mất nước sạch.
Chiều 16/12/2013, đường ống dẫn nước sạch này tiếp tục bị vỡ.
Hai vụ vỡ đường ống trước đó xảy ra vào ngày 4/2/2012 và 23/3/2013, đường ống nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội cũng đã bị vỡ đã khiến hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.
Đây là lần thứ 5 đường nước sông Đà bị vỡ. |
Theo thông tin trên tờ Đại đoàn kết, trước việc đường ống dẫn nước sạch sông Đà liên tiếp bị vỡ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm tra tuyến ống cấp nước của Nhà máy nước sông Đà, tìm các giải pháp bảo đảm an toàn cấp nước cho phía Tây Hà Nội.
Tới đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) báo cáo về thực trạng vận hành tuyến ống truyền tải nước sạch. Đặc biệt, cần xác định các nguyên nhân gây sự cố vỡ ống trong thời gian qua; đề xuất giải pháp khắc phục sự cố vỡ ống nhằm bảo đảm an toàn cấp nước cho người dân phía Tây Hà Nội. Nhưng dù đã có chỉ lệnh của Thủ tướng, dù đã có yêu cầu của Bộ Xây dựng, nhưng mọi việc xem ra đâu vẫn hoàn đấy, đường ống vẫn vỡ.
Trong lần vỡ ống nước mới đây nhất ngày 1/4, theo ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT), nguyên nhân chính dẫn đến việc đường ống vỡ là do đặt trực tiếp trên nền đất yếu, không được xử lý. Bên cạnh đó, đường ống có đường kính lớn tới 1,6m nhưng lại được làm bằng chất liệu composite dày có 1,5cm, không chịu được lực tác động là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy, khi nền đất lún sụt không đồng đều, tuyến ống sẽ bị vỡ.
Ông Trung khẳng định, việc ống dẫn nước sạch sông Đà liên tục bị vỡ là do lỗi từ khâu thiết kế. Chỉ đào đất lên và chôn ống xuống cho nhanh, tiết kiệm chi phí mà không quan tâm đến cấu tạo địa chất của khu vực có công trình đi qua nên chuyện vỡ ống là đương nhiên, không tránh khỏi./.