Chuyển giao quyền lực ở hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh, bất ổn gia tăng trên thị trường tài chính, và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu - 2012 là một năm nhiều sự kiện khiến giới học giả bận rộn với việc ra dự báo xem thế giới sẽ đi về đâu.
Trong số đó, có những dự báo đầy lạc quan và cả những dự báo về trường hợp xấu nhất, từ dự báo giá cổ phiếu tăng vọt cho tới sự xuống dốc của một cường quốc kinh tế. Trang CNBC đã điểm qua 7 dự báo như vậy không trở thành hiện thực về năm 2012.
Sự thổi phồng quá đà về cổ phiếu Facebook
Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 16 tỷ USD của Facebook, lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, đã nhanh chóng khiến giới đầu tư chuyển từ hy vọng sang “vỡ mộng”. Chính các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng quá lớn và tiềm năng kiếm lợi của mạng xã hội lớn nhất hành tinh với 1 tỷ thành viên này.
Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 16 tỷ USD của Facebook, lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. |
Năm 2013: Doanh nghiệp xuất sắc nhất cũng bi quan
5 DN báo lãi "khủng", hứa hẹn lương, thưởng Tết ngất ngưởng năm 2012
Nhận thấy mức độ quan tâm lớn của thị trường, Facebook đã nâng mức giá mục tiêu cho cổ phiếu của mình từ khoảng 28-35 USD/cổ phiếu lên 34-38 USD/cổ phiếu chỉ 3 ngày trước khi được niêm yết. Tuy nhiên, ngay trong ngày chào sàn, giá cổ phiếu của Facebook đã không đáp ứng được kỳ vọng, và giảm tới gần 11% trong ngày giao dịch thứ hai. Đến tháng 9, giá cổ phiếu của Facebook rớt xuống đáy 17,73 USD/cổ phiếu, bằng chưa đầy một nửa mức giá IPO là 38 USD/cổ phiếu.
Sau khoảng nửa năm liên tục mất giá, cổ phiếu Facebook gần đây đã tăng giá trở lại. Từ tháng 11 đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng 30% sau khi giới đầu tư “thở phào” vì thấy rằng, những hạn chế bán ra được gỡ bỏ đã không dẫn tới một làn sóng bán tháo lớn của các nhà đầu tư từ những ngày đầu và nhân viên Facebook. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu của Facebook vẫn ở dưới mức 30 USD/cổ phiếu.
Dự báo cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng
Nhiều tháng giảm tốc liên tục của kinh tế Trung Quốc, cùng với sự đi xuống của thị trường bất động sản nước này, đã làm dấy lên những đồn đoán cho rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ hạ cánh cứng trong năm 2012. Vào cuối năm 2011, nhiều nhà đầu tư có tên tuổi đã chỉ ra khả năng hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc đại lục.
Trong 9 tháng đầu năm, khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc trung bình ở mức 7,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2 con số đạt được trong thập kỷ qua, thị trường đã cảm thấy rất quan ngại. Đặc biệt, vào quý 3, tăng trưởng GDP Trung Quốc thậm chí giảm tốc dưới mức mục tiêu cả năm của Bắc Kinh là 7,5% do ảnh hưởng của nhu cầu suy giảm tại các thị trường nước ngoài và đầu tư sa sút tại thị trường trong nước.
Nhưng kể từ đó, kinh tế Trung Quốc đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực, và cùng với đó là cuộc chuyển giao quyền lực ở nước này diễn ra suôn sẻ trong tháng 11. Thị trường cũng trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế này. Những số liệu mới nhất về sản xuất và thị trường địa ốc cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tránh được rủi ro hạ cánh cứng. Nhiều chuyên gia dự báo mức tăng GDP của nước này có thể phục hồi mạnh trong quý 4, lên mức trên 8%.
Với việc nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình phát tín hiệu về các cải cách kinh tế và thực thi các biện pháp chính sách nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, những cuộc bàn luận về nguy cơ hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc cũng dần “rã đám”.
Dự báo về việc Hy Lạp sẽ rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone
Nếu dự báo này đã trở thành hiện thực, thì thị trường tài chính toàn cầu đã rất khác so với thực tế hiện nay.
Việc phe phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy viện trợ nước ngoài ở Hy Lạp giành được tỷ lệ ủng hộ lớn trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng, thời gian Hy Lạp còn ở lại trong Eurozone sẽ chỉ còn tính bằng ngày. Những dự báo này nổi đến mức, hai nhà phân tích của Citigroup còn tung ra một “thuật ngữ” mới để chỉ việc Hy Lạp mất địa vị thành viên Eurozone là Grexit. Những nhân vật “sừng sỏ” trong giới đầu tư đã tin rằng, việc Hy Lạp ra đi là “tất yếu”, rằng các nhà đầu tư nên bắt đầu chuẩn bị cho tình huống đó.
Với mức nợ công lên tới 190% GDP, Chính phủ Hy Lạp đã gặp thách thức lớn trong việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm giảm gánh nặng nợ nần, đồng thời đảm bảo được giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo từ Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những biện pháp này của Athens đã vấp phải sự phản đối quyết liện của dân chúng.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 6 của Hy Lạp, với thắng lợi lớn của phe ủng hộ thắt chặt chi tiêu, cùng với việc Quốc hội nước này thông qua một bản kế hoạch ngân sách khắc khổ vào tháng 11, đã xoa dịu những lo ngại về khả năng Hy Lạp phải rời khối đồng tiền chung. Mới đây, khối Eurozone đã đạt thỏa thuận giúp Hy Lạp giảm mức nợ công, mở được cho việc giải ngân gói cứu trợ 43,7 tỷ Euro bắt đầu từ tháng 12. Giới phân tích kỳ vọng, số tiền này sẽ đủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách cho Athens cho tới năm 2014.
Sau những diễn biến gần đây, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định rằng, vấn đề nợ nần của Hy Lạp đã trở lại với một “hướng đi bền vững”. Vì thế mà cuộc tranh luận nóng bỏng về “Grexit” cũng đang nguội dần.
Dự báo về cơn sốt vàng mới trong năm 2012
Đầu năm nay, nhiều dự báo cho rằng giá vàng sẽ đạt mức 2.000 USD/oz trong năm. Tuy nhiên, thời điểm chốt năm đang tới gần mà giá vàng mới chỉ ở ngưỡng 1.700 USD/oz.
Theo lập luận của những nhà dự báo tin vào sự tăng giá bùng nổ của vàng, chính sách bơm tiền quy mô lớn của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ tạo đà cho lạm phát, theo đó thúc đẩy các nhà đầu tư ồ ạt mua vàng, tài sản chống lạm phát hàng đầu. Tuy nhiên, dự báo này đã không trở thành hiện thực, trong đó giá vàng đã giảm 2,5% kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố gói nới lỏng định lượng số 3 (QE3) vào ngày 13/9.
Nhu cầu vàng tại hai quốc gia tiêu thụ nhiều nhất kim loại quý này là Trung Quốc và Ấn Độ đã không hỗ trợ được nhiều cho giá vàng trong năm nay. Theo dự báo, nhu cầu vàng của Ấn Độ năm nay giảm khoảng 19% so với năm ngoái do tăng trưởng kinh tế đi xuống và đồng Rupee yếu khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người Ấn Độ. Trong khi đó, tiêu thụ vàng của Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã giảm 8% do nhu cầu nữ trang và đầu tư vàng cùng yếu.
Đến giờ thì các chuyên gia cho rằng, khả năng tăng giá của vàng trong những tháng tới đây là hạn chế, xét tới triển vọng lạm phát yếu. Trên phương diện kỹ thuật, một số nhà phân tích nhận định, nếu không sớm vượt được ngưỡng cản kỹ thuật 1.800 USD/oz, giá vàng có thể rớt mạnh.
Dự báo cho rằng bong bóng trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ nổ
Trong năm nay, giới phân tích đã nhiều lần nói rằng thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ “xì hơi”, và tài sản này chỉ là “rác”.
Cơ sở cho những dự báo như vậy là chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà FED áp dụng thông qua việc mua vào trái phiếu nhằm giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục để trợ lực cho nền kinh tế. Những bất ổn kinh tế toàn cầu, mà đỉnh cao là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua trái phiếu kho bạc Mỹ như một “vịnh tránh bão”. Giá tài sản này tăng liên tục, đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục. Giá trị phát hành trái phiếu kho bạc Mỹ năm nay đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào tháng 10 và đang tiến gần tới mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào năm 2007, thời điểm trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giới đầu tư quan ngại, khi lạm phát tăng trở lại, FED sẽ buộc phải từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng, dẫn tới trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lợi suất tăng vọt, và Chính phủ Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thanh toán nợ.
Vào tháng 3, tỷ phú Wilbur H. Ross phát biểu rằng, thị trường nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trở nên lao dốc, bởi ý tưởng cho rằng lạm phát thấp và mức lãi suất thấp kỷ lục sẽ kéo dài là điều “ngớ ngẩn”. Bất chấp những dự báo u ám như vậy, giới đầu tư vẫn đổ tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ, đẩy lợi suất giảm từ trên 2% xuống còn 1,6% trong 12 tháng qua, thấp hơn rất nhiều mức trung bình 4,4% của 10 năm qua - theo số liệu của Reuters.
Triển vọng lạm phát năm tới ở Mỹ vẫn ở mức yếu, tăng trưởng cũng được dự báo còn chưa thể phục hồi mạnh, cho thấy chính sách tiền tệ của nước này sẽ còn được giữ ở trạng thái lỏng lẻo.
Dự báo kinh tế Mỹ suy thoái kép
Những lo ngại về một cuộc suy thoái nữa ở Mỹ trong năm 2012 đã được báo chí đề cập nhiều vào đầu năm nay, sau khi các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm tốc sâu hơn trong nửa đầu năm.
Lần gần đây nhất kinh tế Mỹ suy thoái là từ tháng 12/2007-6/2009, trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ năm 2010, năm mà GDP của Mỹ tăng được 2,4%, đến nay, sự phục hồi kinh tế đã diễn ra hết sức èo uột. Năm 2011, tăng trưởng GDP của nước này về mức 1,8%, làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ suy thoái kép trong năm 2012.
Vào tháng 10 năm ngoái, chuyên gia kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini, người đã dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nói rằng, nền kinh tế Mỹ, cùng với kinh tế Eurozone và Anh, sẽ rơi vào một cuộc suy thoái thứ hai trong hai quý đầu năm 2012. Những lo ngại này càng gia tăng khi vào tháng 6, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng, nước Mỹ đã trong tình trạng suy thoái rồi.
Nhưng đã gần đến giữa tháng 12 rồi mà kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng. Thống kê mới nhất cho thấy, GDP của Mỹ tăng 2,7% trong quý 3, mức tăng tốt nhất kể từ quý 4/2011. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 của Mỹ cũng đã giảm xuống mức 7,7%, thấp nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Mỹ đang trên đà đạt mức tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay.
Tuy nhiên, năm 2013 có thể mang tới những thách thức mới cho kinh tế Mỹ. Trong đó phải kể đến nguy cơ suy thoái do “vực thẳm ngân sách”, tình trạng với một loạt biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu được áp dụng từ ngày 1/1 năm sau nếu các nhà làm luật Mỹ không đạt được thỏa thuận về cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Dự báo cho rằng đồng Euro sẽ ngang giá với USD
Biến động tỷ giá đồng Euro kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến đồng tiền này trở thành mục tiêu trong những đợt bán tháo. Nhiều chiến lược gia vì thế dự báo rằng, đồng Euro sẽ rớt về mức tỷ giá 1 Euro chỉ đổi được 1 USD trong năm nay.
Kể từ mức đỉnh 1,49 USD/Euro đạt được vào tháng 5/2011, đồng Euro đến nay đã mất giá hơn 12% do những lo ngại liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Tuy nhiên, bất chấp những tin tức xấu phát đi từ châu Âu, đồng Euro vẫn duy trì được mức tỷ giá khoảng 1,3 USD/Euro tính đến thời điểm này của năm 2012.
Vào tháng 3, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cho rằng, đồng Euro cần phải giảm về ngang giá so với USD để giúp các nền kinh tế khủng hoảng của châu Âu tăng sức cạnh tranh và lấy lại tăng trưởng. Tuy nhiên, giới phân tích lập luận rằng, đồng Euro sụt giá mạnh sẽ là tin xấu cho những nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, bởi các công ty xuất khẩu từ các nước này sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ châu Âu.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VnEconomy