(GDVN) – Kết quả khảo sát toàn quốc do Tạp chí Insight China và phòng khảo truyền thông Thanh Hoa (Trung Quốc) tiến hành vào đầu năm 2011, trong bối cảnh chính phủ nước này đang cố gắng khôi phục lòng tin của công chúng sau hàng loạt bê bối về an toàn thực phẩm, cho thấy: 70% dân TQ không tin hàng nội địa. "Sau hàng loạt các khuyến cáo về sự độc hại của đồ chơi TQ, không có lý do gì, người Việt lại tiếp tục sử dụng những sản phẩm rẻ tiền và kém chất lượng như thế!", ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc công ty thiết bị giáo dục và đồ chơi Văn Minh, nói.
>> Hàng Trung Quốc giá rẻ không còn làm khó doanh nghiệp Việt?
>> Thị trường Việt Nam sắp 'vĩnh biệt' xe máy Trung Quốc?
70% đồ chơi TQ chứa phụ gia gây rối loạn nội tiết
Trong một cuộc kiểm tra mới đây, Tổng Cục giám sát chất lượng và kiểm dịch TQ thông báo có đến gần một phần mười số đồ chơi dành cho trẻ không an toàn như có cạnh sắc nhọn, chứa kim loại nặng…
Cơ quan chức năng đã lấy ngẫu nhiên 242 mẫu đồ chơi trên thị trường ở Hà Bắc, Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Chang, Phúc Kiến, Sơn Đông và Hà Bắc. Trong đó 20 mẫu không đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc về chất lượng. Cụ thể, 12 mẫu có cạnh sắc nhọn có thể gây tổn thương cho trẻ, 2 mẫu chứa kim loại nặng như chì và crôm. Số còn lại vẫn có các góc cạnh nhô lên có thể gây nguy hiểm.
|
Đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền đang tràn ngập tại VN. |
Theo Chinadaily, trong đợt thanh tra này, cơ quan chức năng cũng lấy mẫu xe đạp và giày trẻ em được sản xuất trong nước. Kết quả 17,5% số mẫu giày và 20% mẫu xe đạp bị phát hiện không an toàn, như chứa lượng formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn cho phép hay có độ bền kém.
Trước đó, đầu tháng 1/2011, tổ chức Vì môi trường Greenpeace cũng đã lẫy mẫu đồ chơi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hong Kong để kiểm nghiệm. Trong đó có đến 70% sản phẩm bị phát hiện chứa phụ gia phthalates, một hóa chất gây ra rối loạn nội tiết trong cơ thể. Chất này trước đây được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhựa để tăng đồ bền, dẻo. Tuy nhiên, hiện nay một số nước như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng do lo ngại vấn đề sức khỏe.
"Tôi đã từng đi khảo sát tại các doanh nghiệp đồ chơi bên TQ, tôi thấy rằng: Có những đồ phế thải lẽ ra cần phải được thiêu hủy thì họ vẫn sử dụng làm nguyên liệu chế biến thành đồ chơi. Bên cạnh đó là môi trường làm việc rất ô nhiễm, thậm chí các quan chức TQ còn phải “kêu trời” với cách làm ăn vô trách nhiệm, đặt lợi nhuận lên trên hết của các doanh nghiệp này", ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc công ty thiết bị giáo dục và đồ chơi Văn Minh nói. |
Một cơ quan Vì an toàn người tiêu dùng TQ cũng đã đưa ra thông tin gây sốc: “Có đến hơn 20% đồ chơi TQ không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng”.
Tại Việt Nam, một cuộc điều tra toàn quốc đã cho kết quả: các chất thải công nghiệp gồm sợi thảm bẩn, giấy và vỏ gói mì ăn liền được tìm thấy trong đồ chơi do các nhà máy ở tỉnh Hà Bắc sản xuất! Đồ chơi nhồi bông thì chứa vi khuẩn, thậm chí vi rút gây bệnh, làm trẻ bị mẩn ngứa và mang bệnh nếu tiếp xúc lâu dài. Một số đồ chơi dễ bị rách và gây chấn thương.
Cuối năm 2010, Công ty TUV Rheinland Việt Nam, đơn vị quốc tế chuyên kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập tại TP.HCM đã phát hiện ra 100% đồ chơi đĩa bay UFO xuất xứ từ TQ đang bày bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam có chứa chất độc hại phthalates, gây ảnh hưởng tới gan, thận và sự phát triển của thai nhi.
Trong quá khứ đã xảy ra hàng loạt những vụ ngộ độc nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Tháng 12/2007, 22 học sinh tại Quảng Xương, Thanh Hóa đã phải nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, một số ca buồn nôn vì chơi túi hạt nở ngâm nước. Đây thực chất là loại polyme ghép tinh bột. Nếu trong quá trình sản xuất không loại hết phụ gia, chất xúc tác sẽ rất độc hại đối với cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, một số chất màu còn có khả năng gây ung thư.
Mặc dù độc hại như vậy nhưng người tiêu dùng lại không thể nhận biết được. TS Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng phòng phân tích và Môi trường, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Viện hóa học công nghiệp đã từng cảnh báo: Ví dụ, formalin làm xốp vải có thể gây ung thư không thể nhìn bằng mắt thường. Việc kiểm nghiệm cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước vì chi phí khá tốn kém”.
Đừng vì thiếu hiểu biết mà làm hại con trẻ
Cứ mỗi dịp Trung thu hay Tết đến, phố Lương Văn Can, hàng Cân, hàng Bông,… (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tấp nập người mua – người bán. Các ông bố, bà mẹ nhanh tay chọn cho ‘cục cưng” của mình những loại đồ chơi màu mè, bắt mắt. “Những con búp bê bằng giấy, bằng vài, tưởng chừng như vô hại nhưng lại rất độc hại vì khi đứa trẻ vô tình ngậm vào miệng, những nguyên liệu giấy bẩn, hay vải vụn cắt nát, không được giặt giũ, kiểm tra chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe”, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc công ty thiết bị giáo dục và đồ chơi Văn Minh nhắc nhở.
Các gia đình lưu ý để lựa chọn đồ chơi tốt và an toàn cho con. |
Bằng kinh nghiệm thực tế sau nhiều lần đi khảo sát các cơ sở sản xuất đồ chơi tại TQ, ông Minh thấy rằng: Một số doanh nghiệp đồ chơi TQ sản xuất khá liều lĩnh, “họ chỉ nghĩ tới kinh doanh mà quên đi đạo đức, chấp nhận tất cả mọi thứ miễn là vì mục đích kinh doanh có lợi nhuận”.
Các phát hiện mới đây cho thấy, rất nhiều đồ chơi của Trung Quốc sử dụng hóa chất phthalate làm vật liệu nhựa mềm dẻo hơn. Tài liệu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hóa chất phthalate từ lâu đã bị nghi có liên quan đến sự tổn thương hệ sinh sản và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và ung thư. Phthalate có thể gây dị thường ở bộ phận sinh dục của bé trai. Có mẫu thử đồ chơi xuất xứ từTrung Quốc cho thấy hàm lượng Phthalates vượt 5.000 lần mức cho phép và có thể gây ung thư.
|
Đồ chơi Việt hoàn toàn có thể "thắng trên sân nhà" |
Trong khi đó, sản phẩm đồ chơi màu mè, giá rẻ và không ghi nguồn gốc xuất xứ (tương đương với việc không được kiểm nghiệm) là đặc điểm chung của rất nhiều món đồ chơi đang được bầy bán trên thị trường Việt Nam.
Do được tiếp cận thông tin kịp thời, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ ở thành phố đã cảnh giác hơn khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ. Trong khi đó, ở nông thôn nhiều người vẫn thờ ơ, thậm chí có nghe nói nhưng vẫn không ý thức hết sự nguy hiểm của các đồ chơi độc hại.
“Tại sao Chính phủ không hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất các đồ chơi đẹp đẽ, an toàn để phục vụ nhu cầu, sở thích của trẻ em? Tại sao doanh nghiệp đồ chơi Việt không được trợ giá, trợ đất, trợ vốn để toàn tâm, toàn sức xây dựng cơ sở hạ tầng thành một mạng lưới công nghiệp đồ chơi vì sự phát triển của thế hệ trẻ tương lại?", đó là điều mà không chỉ ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc công ty thiết bị giáo dục và đồ chơi Văn Minh mà của tất cả những bậc phụ huynh có con nhỏ trăn trở.Bài, ảnh: Khuê Hạ
> Thị trường Việt Nam sắp 'vĩnh biệt' xe máy Trung Quốc?
>> Hàng Trung Quốc giá rẻ không còn làm khó doanh nghiệp Việt?
>> Hãi hùng “vịt quay Bắc Kinh” chế biến từ vịt chết thối
>> Dầu ăn chế từ chất thải được bày bán trong siêu thị Trung Quốc