8 điều cần nhớ khi dùng thuốc cho trẻ em

30/06/2012 11:06
Theo DS. TRƯƠNG TẤT THỌ/SKĐS
Vì nhiều lý do khác nhau, thuốc có thể gây nên cho trẻ em một số hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, với trẻ dưới 1 tuổi, có đến 70% các ca ngộ độc là do việc sử dụng thuốc thiếu chính xác của cha mẹ.
Vì nhiều lý do khác nhau, thuốc có thể gây nên cho trẻ em một số hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, với trẻ dưới 1 tuổi, có đến 70% các ca ngộ độc là do việc sử dụng thuốc thiếu chính xác của cha mẹ.

Sau đây là một số điều cần biết để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc:

1. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ

Sự khác biệt căn bản giữa trẻ em và người lớn chính là thể trạng sinh lý với các chức năng của cơ thể không làm việc giống nhau, vì cơ thể trẻ thơ không biểu hiện sự trưởng thành mọi mặt như người lớn. Bên cạnh đó, cơ thể người lớn khi bị thuốc tác động thì phản ứng ngược lại để tìm cách thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể, đó chính là sự chuyển hóa của thuốc, thường diễn ra ở gan và thải trừ qua thận. Với trẻ em, cơ chế này đang hình thành nên việc giải độc kém.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ

2. Đúng liều chỉ định là ưu tiên hàng đầu

Cơ thể trẻ em chưa được trang bị các khả năng chuyển hóa đầy đủ để dễ dàng đào thải, phương thức loại trừ độc chất ra khỏi cơ thể cũng không mạnh mẽ như của người lớn. Với việc sử dụng liều lượng thuốc không thích hợp, thuốc sẽ dễ dàng và nhanh chóng tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc. Vì thế, không nên tự động chia liều thuốc người lớn nhỏ ra để cho trẻ nhỏ uống nếu không có chỉ định liều lượng của thầy thuốc.

3. Chú ý đến dạng thuốc

Về mặt cơ thể học, trẻ em có rất nhiều cơ quan khác với người lớn, vì các cơ quan đó đang trong giai đoạn hình thành. Một thí dụ điển hình là làn da trẻ em rất mịn, mỏng, yếu ớt so với da cha mẹ. Từ đó, các loại thuốc bôi da sử dụng tại chỗ như kem, pô-mát… có khả năng thâm nhập vào da sâu hơn và dễ dàng đi vào hệ tuần hoàn máu. Khi đã vào máu, các hoạt chất có thể tác động trực tiếp kéo theo những tác dụng phụ gây hại lên cơ thể trẻ em từ đó dễ dẫn đến ngộ độc thuốc.

4. Chú ý đến hoạt chất trị bệnh

Ở trẻ em, hầu như toàn thể các cơ quan đều đang trên đường phát triển hay trưởng thành. Một số hoạt chất có thể làm rối loạn tiến trình này. Kháng sinh thuộc nhóm cycline đã được biết từ lâu gây ra tình trạng vàng răng không chữa được ở trẻ em và gây chậm phát triển men răng làm cho răng dễ hư hỏng. Vì thế, có nhiều loại thuốc chỉ dùng được cho người lớn mà không được dùng cho trẻ em hoặc cho người mẹ mang thai để khỏi làm rối loạn tiến trình tăng trưởng của trẻ hoặc bào thai. Đây là vấn đề cần được nhấn mạnh để bảo vệ sức khỏe trẻ em vì hiện nay việc tự ý mua thuốc về uống trị bệnh cho con cháu rất phổ biến.

5. Tâm lý thích dùng thuốc mới, thuốc mạnh, thuốc đắt tiền
Nhiều người thích sử dụng kháng sinh “cho mau hết bệnh” do quan niệm xem kháng sinh như là thần dược trị bá bệnh dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh, nhất là các loại kháng sinh thế hệ mới tác dụng mạnh và đắt tiền. Một nhóm thuốc cũng thường bị lạm dụng nữa là các thuốc có chứa nội tiết tố nang thượng thận (gọi chung là thuốc corticoid) chỉ nên dùng khi có chỉ định rõ ràng của bác sĩ điều trị, không nên nghe “thuốc mới”, “thuốc hay”, “thuốc đắt tiền” mà đã vội tự ý mua dùng cho bé để rồi sau này bé mắc phải những bệnh gọi là “bệnh do thuốc gây ra”.

6. Đề phòng việc “dụ dỗ” con uống thuốc

Nhiều bé rất khó uống thuốc và các bậc cha mẹ cưng con mỗi khi đưa thuốc cho trẻ uống, thấy trẻ phản kháng không chịu uống thường “dụ dỗ” con rằng “dùng đi, kẹo đấy”, nhất là những dạng thuốc trẻ em có mùi thơm, ngọt. Điều này rất nguy hiểm vì khi thiếu vắng cha mẹ hoặc người giữ trẻ, bé có thể uống một khối lượng thuốc ở trong tầm tay vì tưởng là kẹo gây ra ngộ độc thuốc. Do vậy, các bậc cha mẹ nên “luôn luôn để thuốc xa tầm tay trẻ em”. Rất nhiều tai nạn xảy ra do bé nghịch thuốc.

7. Tránh nhầm lẫn thuốc

Kinh nghiệm tại các nhà thuốc cho thấy đa số cha mẹ (nhất là giới lao động nghèo) quen mua thuốc lẻ dùng một, hai ngày nên thường nhận được vài viên thuốc rời đựng trong bịch ny lon hay bao giấy, không có hướng dẫn sử dụng thuốc. Vì thế cần hỏi kỹ người bán cách dùng thuốc vì một số thuốc thông thường cùng tên nhưng khác công thức, hoặc cùng hoạt chất nhưng lại khác tên thương mại và sử dụng cho những lứa tuổi khác nhau nên cần hỏi kỹ để tránh nhầm lẫn.

8. Làm gì khi bé bị tai nạn thuốc?

Để phòng tai nạn về thuốc cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần nhớ:

- Tủ thuốc gia đình luôn luôn ở cao khỏi tầm tay trẻ em và đóng lại cẩn thận. Nếu có trẻ hiếu động hay nghịch phá thì tủ thuốc phải khóa lại.

- Thuốc người lớn mang ra uống thì phải uống ngay, tránh để tạm một nơi nào rồi quên, bé sẽ dễ dàng bỏ vào miệng.

- Trường hợp bé nuốt phải thuốc, cần làm cho bé ói càng sớm, càng nhiều càng tốt.

- Tìm xem bé đã uống phải loại thuốc gì, kiểm tra thuốc dùng dở dang, thuốc thiếu còn nằm trong túi, thuốc rơi vãi dưới bàn ghế hay trên mặt đất... và mang theo khi đưa bé nhập viện để tiện biết nguyên nhân ngộ độc và dùng chất đối kháng (antidote) chữa trị.

- Có thể gọi điện thoại đến khoa cấp cứu để được hướng dẫn cấp cứu tạm thời và nhập viện càng sớm càng tốt vì sau 4 giờ thuốc có thể ngấm vào cơ thể.

CÁC TIN BÀI ĐƯỢC BẠN ĐỌC QUAN TÂM

11 loại thảo dược dễ tìm giúp bạn có hơi thở thơm tho

Những loại cá nước ngọt cực tốt cho sức khỏe (P2)

Phát hoảng với những thân hình "khủng" nhất thế giới do ăn nhiều

Những loại hoa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi cắm trong phòng ngủ

Ăn những thực phẩm này, coi chừng bị "tẩy chay" vì... hôi miệng

Chùm ảnh: Những thực phẩm ngăn ngừa bệnh viêm khớp hiệu quả

Quả bơ và 10 tác dụng cực tốt cho sức khỏe có thể bạn chưa biêt?

Những lợi ích không ngờ của cá chép đối với sức khỏe

Điểm danh các loại củ quả ăn nhiều dễ nhiễm độc

Điểm mặt những món ăn cho quý ông ngại... “yêu”

"Delete" chứng hôi chân với thảo dược quanh ta

Mộc nhĩ đen: thực phẩm ngon - vị thuốc quý cho cả gia đình

Theo DS. TRƯƠNG TẤT THỌ/SKĐS