“Để học sinh không ham thích môn Lịch sử, một phần do cách dạy của giáo viên"

15/04/2019 06:54
Tùng Dương
(GDVN) -Nhìn vào sơ đồ tư duy đó là biết học sinh cần được bồi dưỡng ở chỗ nào. Qua sơ đồ là học sinh có thể tự trình bày, tự diễn thuyết theo ý, quan điểm của mình.

Nhiều người nghĩ, Lịch sử là một môn học khô khan, nhiều sự kiện và rất khó học, tuy nhiên, bằng những phương pháp giảng dạy, lòng yêu nghề, nên cô giáo Trần Thị Mai Dung- Chủ nhiệm lớp 8D, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ, đã tạo được cho các em học sinh một nguồn cảm hứng, rất yêu và thích học môn này.

Ngay từ khi ra trường, cô giáo trẻ, dạy môn Lịch sử, Trần Thị Mai Dung, đã luôn tâm niệm, làm sao để giúp các em học sinh, thích học và yêu môn Lịch sử, qua môn học này, học sinh biết được quá khứ, hiểu hiện tại và tiên đoán được tương lai, điều đó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của các em sau này.

Cô giáo dạy môn Lịch Sử - Trần Thị Mai Dung và các em học sinh lớp 8D, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tùng Dương.
Cô giáo dạy môn Lịch Sử - Trần Thị Mai Dung và các em học sinh lớp 8D, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Mai Dung chia sẻ: “ Để học sinh không ham thích môn Lịch sử, thì một phần là do cách truyền đạt của giáo viên, chứ còn nói về độ khó và khô khan, thì còn nhiều môn tự nhiên, khó và khô khan hơn nhiều lần. Cách dạy và cách truyền đạt đối với môn học nào cũng vậy, khi lên lớp dạy các em, hoặc lớp bồi dưỡng đội tuyển học sinh năng khiếu, thì trước tiên tôi sẽ hướng cho các em thích môn học này trước, yêu thích môn của mình dạy.

không chỉ là nói cho học sinh những sự kiện khô khan, mà mình nên đưa phần liên hệ thực tế, từ những bài học lịch sử đó vào đời sống nhiều hơn, để qua những sự kiện đó thì học sinh hiểu và rút ra được gì, áp dụng phần nào bài học đó trong cuộc sống”.

Những ví dụ thực tế.

“Lịch sử 6 trong thời đại An Dương Vương, có một câu chuyện nói về sự việc cảnh giác, nhưng đối với giáo viên khi truyền đạt kiến thức, không phải chỉ xoáy vào cho học sinh phải nhớ ngày tháng năm, phải nhớ sự kiện đó như thế nào, nhưng tôi thì đơn giản hơn, là dạy cho học sinh nắm được, qua sự kiện đó chúng ta phải biết nhìn nhận, và đánh giá con người trong mối quan hệ của con người như thế nào.

Có thể hiểu, khi chúng ta gặp người tốt thì đó là điều rất may mắn, tuy nhiên đối với kẻ thù, thì không phải lúc nào chúng ta cũng mang một bộ mặt hằn học, hay là nuôi hận thù, mà chúng ta phải biến cái hận thù đó thành lòng thương và lòng nhận đạo, có nghĩa là phải cảm hóa được. Đó cũng là cách dạy của tôi”, cô Mai Dung nói.

Khi dạy về một nhân vật lịch sử nào đó, chúng ta không nên theo hướng là phải ca tụng nhân vật đó, mà nên truyền đạt, qua tấm gương của nhân vật đó, ví dụ như Hai Bà Trưng thì chúng ta học được gì từ Bà. Đó là phương pháp dạy nhẹ nhàng, đơn giản nhưng giúp cho học sinh nắm chắc và hiểu bài rất nhanh, từ đó học sinh sẽ yêu thích môn học hơn, không bị quá nặng nề về sự kiện, diễn biến chi tiết.

Các em học sinh và các thầy cô giáo, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ, trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Tùng Dương.
Các em học sinh và các thầy cô giáo, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ, trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Dung chia sẻ thêm: “Cũng có những nhân vật trong lịch sử không hẳn đã là hoàn hảo (không tốt), mà còn cả những mối quan hệ trên thế giới hiện tại, ngay khi nói đến Trung Quốc, thì có nhiều người, các em học sinh, thường hay lên án, rất khó chịu và tỏ thái độ, hay đả kích, rồi một loạt những sự kiện xảy ra gần đây ở Biển Đông, hoặc từ xa xưa trong lịch sử, thì Trung Quốc đã để lại những ấn tượng không tốt.

Nhưng đối với một giáo viên dạy Lịch sử, tôi lại dạy các em khai thác theo một hướng khác, bởi vì sao? Các em nên thử đặt mình vào địa vị, Việt Nam là Trung Quốc, và ngược lại, thì các em sẽ nghĩ như thế nào? Các em nên lật lại vấn đề, một nước yếu hơn mình, nhỏ hơn mình nhưng lại rất giàu tài nguyên, thiên nhiêu ưu đãi, phong cảnh rất đẹp… Thì các em có thích hay không? Các em thích, thì đồng nghĩa với Trung Quốc cũng thích.

Vậy ở đây không phải là chúng ta ghét, mà chúng ta phải biết được những âm ưu, diễn biến đó, có biết rõ thì chúng ta mới tìm cách tháo gỡ. Sau khi tháo gỡ rồi, thì đối với một nước lớn thì chúng ta khó có thể đương đầu, mà đổi lại, chúng ta sẽ cố gắng biến những mối hận thù đó thành những mối quan hệ hòa hảo, những việc tương tự đó trước kia ông cha ta cũng đã làm.

Tôi xoay học sinh theo hướng khác, tức là biết đặt địa vị của mình vào các nước, cũng như các nhân vật lịch sử đó, thì các em sẽ hiểu được bản chất”.

“Để học sinh không ham thích môn Lịch sử, một phần do cách dạy của giáo viên" ảnh 3Ở trường Hùng Vương, chất lượng là danh dự

Cách sắp xếp kiến thức khoa học.

Năm đầu tiên 2016, dưới sự dẫn dắt của cô Mai Dung, đội học sinh của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương đi thi môn Lịch sử cấp Tỉnh, thì chiếm luôn giải nhất và nhì, năm thứ 2 cũng đạt giải nhất, nhì, ba và đến năm thứ 3 cũng như vậy. Năm nào đội tuyển của trường cũng xếp thứ nhất trong Tỉnh.

Cô Mai Dung chia sẻ thêm: “ Với các đội tuyển của trường, năm nào chúng tôi cũng định hướng, bồi dưỡng và chọn từ năm lớp 6, chọn học sinh qua các bài viết, qua cách nói chuyện, diễn đạt trên lớp.

Dạy học sinh chính khóa trên lớp, thì các em chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản nhất, nhưng trong việc bồi dưỡng đội tuyển, thì mỗi một sự kiện lịch sử, các em sẽ tập trung vào phân tích sâu hơn, qua mỗi sự kiện, các em phải nhận định, đánh giá, nhận xét, nắm được bản chất của sự kiện đó.

Nếu nói chỉ cần học thuộc lòng thì hoàn toàn không đúng, cả một quyển sách lịch sử rất nhiều trang như vậy thì đó là điều không thể, có rất nhiều sự kiện xuyên suốt từ lớp 6 cho đến lớp 9.

Tôi hướng dẫn các em bằng cách, lấy những sự kiện của chính bản thân các em, rồi cứ bám vào các ngày, tháng, năm nào mà nó có liên hệ mật thiết với mình, việc đó sẽ giúp cho các em nhớ rất nhanh ngày diễn ra sự kiện lịch sử”.

Tập thể Ban giám hiệu và các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, trong buổi Hội thảo về Cuộc cách mạng 4.0. Với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.Ảnh: Tùng Dương.
Tập thể Ban giám hiệu và các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, trong buổi Hội thảo về Cuộc cách mạng 4.0. Với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.Ảnh: Tùng Dương.

Cô giáo Mai Dung đã định hướng cho học sinh, với mỗi một chuyên đề, các em nên sơ đồ hóa toàn bộ kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy, đây cũng là một phương pháp đơn giản nhưng giúp học sinh hiểu và nắm kiến thức rất chắc. “Có nghĩa, tất cả lượng kiến thức mà thầy cô dạy trên lớp, thì trong chuyên đề này, các em sẽ vẽ, và tự mình thiết kế thành những sơ đồ tư duy khác nhau, hay còn gọi là cây kiến thức.

Mỗi một chuyên đề, các em đều vẽ một cây kiến thức, đó là những kiến thức cơ bản, khi nhìn vào đó, các em có thể triển khai, bổ sung thêm những kiến thức mà mình đã được học, làm cho cây kiến thức đó đầy lên.

Quá trình bồi dưỡng này diễn ra liên tục, nên có vấn đề gì các em hỏi, thì giáo viên sẽ giải đáp, ngược lại, khi giáo viên kiểm tra kiến thức, thì chỉ cần nhìn vào sơ đồ tư duy đó là biết học sinh cần được bồi dưỡng ở chỗ nào. Cứ nhìn vào sơ đồ là học sinh có thể tự trình bày, tự diễn thuyết theo ý kiến và quan điểm của mình.

Mỗi lần tự diễn thuyết như vậy, học sinh rất là nhớ, mỗi bạn sẽ thiết kế một cây kiến thức khác nhau, nên mỗi lần tôi cho học sinh trình chiếu, diễn thuyết, thường là 6 đến 8 học sinh, thì đồng nghĩa sẽ có 8 cây kiến thức, cùng lúc sẽ bổ trợ thêm cho nhau, giúp cho các em học sinh thấy được những điểm mà mình còn thiếu.

Có thể hiểu với một chuyên đề thì học sinh sẽ được khắc sâu kiến thức tới 8 lần như vậy, điều đó giúp các em rất dễ nhớ”, cô Mai Dung nói.

Ngay từ khi ra trường, cô giáo trẻ dạy môn Lịch sử, Trần Thị Mai Dung đã luôn tâm niệm, làm sao để giúp các em học sinh thích học và yêu môn lịch sử. Ảnh: Nhân vật.
 Ngay từ khi ra trường, cô giáo trẻ dạy môn Lịch sử, Trần Thị Mai Dung đã luôn tâm niệm, làm sao để giúp các em học sinh thích học và yêu môn lịch sử. Ảnh: Nhân vật.

Lịch sử không phải là môn học khó.

“Các em học sinh cần thay đổi suy nghĩ về môn học này, các em nên thử yêu thích môn Lịch sử một lần, với tâm trí thoải mái thì chắc chắn các em sẽ thành công.

Học Lịch sử không khó và khô khan như các em nghĩ, các em nên học theo cách sơ đồ hóa, vẽ sơ đồ tư duy, nó sẽ giúp các em dễ hiểu, dễ học. Lịch sử mà càng liên hệ với thực tế thì các em sẽ càng dễ nhớ, mỗi một bài học Lịch sử đều là một bài học cho cuộc sống.

Các em nên xâu chuỗi tất cả các bài học Lịch sử thành bài học thực tế, từ đó các em sẽ thu nhận được nhiều kiến thức, sẽ thấy yêu và muốn học môn Lịch sử này”, cô Mai Dung chia sẻ.

Tùng Dương