Sân bay Long Thành ‘vô đối’ và chuyện đường sắt cao tốc Bắc-Nam

05/06/2015 09:03
Theo Thanh Hoa - Pháp luật Tp.HCM
(GDVN) - Dự án sân bay quốc tế Long Thành - một dự án tốn nhiều giấy mực của báo chí và dành được sự quan tâm của người dân trên cả nước.

Đáng chú ý trong các ý kiến tại nghị trường QH sáng nay là phát biểu rất lạc quan của đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội).

Theo đại biểu này, trên bản đồ hàng không quốc tế thì Long Thành là tâm điểm của các đường bay và có lợi thế nhất so với các sân bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Long Thành sẽ là sân bay không có đối thủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với vị thế trời cho như thế, Long Thành sẽ là sân bay bận rộn nhất khu vực trong tương lai gần. Sân bay Long Thành sẽ biến Việt Nam là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, bảo dưỡng máy bay, du lịch… của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương…”, ĐB Bình nhấn mạnh.

Dự án sân bay Long Thành sẽ được trình trước Quốc hội và chờ Đại biểu Quốc hội biểu quyết "cho chủ trương" (ảnh minh họa - nguồn Chinhphu.vn).
Dự án sân bay Long Thành sẽ được trình trước Quốc hội và chờ Đại biểu Quốc hội biểu quyết "cho chủ trương" (ảnh minh họa - nguồn Chinhphu.vn).

Phát biểu của vị đại biểu này làm người viết nhớ lại không khí nóng bỏng một thời khi QH thảo luận về đại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 5 năm về trước.

Còn nhớ, ngày 8/6/2010, thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhiều đại biểu đã đưa ra lý lẽ để bảo vệ cho việc ủng hộ hay không ủng hộ siêu dự án này. Lý do ủng hộ thì có muôn vàn, trong đó phát biểu của một đại biểu đến từ Hà Nam mà không ai có thể quên được.

Xin trích lại lời phát biểu khó quên của vị đại biểu ấy:

"Thế giới có Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Bỉ đã có đường sắt cao tốc, Brazil, Nga, Indonesia đang triển khai. Tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Gần ta Trung Quốc họ làm nhiều đường sắt cao tốc. Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại hai miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước.

[…]Đường sắt cao tốc có nhiều ưu điểm về kinh tế kỹ thuật, tốc độ nhanh, ô nhiễm môi trường nhẹ, độ thoải mái cao. Điều quan trọng nhất là đi tàu rất an toàn, tôi đã được đi một số tuyến đường tàu cao tốc ở nước ngoài. Một học sinh có thể yên tâm đi tàu đến trường, một bà mẹ có thể đi tàu đến cửa hàng. Đường sắt cao tốc đích thực là phương tiện đi lại tốt nhất trong tương lai".

Một đại biểu khác đến từ tỉnh Đắk Nông cũng ví von với tinh thần lạc quan hiếm có:"Miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức". Vị đại biểu này cũng mạnh mẽ cho rằng nếu “không làm gấp thì đến 2020 có 57 triệu hành khách sẽ thiếu phương tiện đi lại”.

Ngay tại phiên thảo luận này, lý lẽ của hai vị đại biểu trên đã bị đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ngắn gọn phản bác: "Có đại biểu ví von dự án này "đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng". Tôi rất hồi hộp chờ xem câu đầu tiên nàng tiên nói khi mở mắt là gì. Có lẽ nàng sẽ nói "tiền đâu?". Chỉ số IQ của tôi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành".

Cuối cùng, như tất cả chúng ta đã biết, QH đã bỏ phiếu "bác" dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và thực tế cho đến nay đã chứng tỏ đó là quyết định sáng suốt.

Trở lại với dự án sân bay Long Thành, quyết tâm thực hiện dự án này từ các cơ quan chức năng là rất rõ ràng. Tuy nhiên những người theo dõi quá trình hình thành và thảo luận về dự án này vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Những băn khoăn ấy phải được giải đáp thỏa đáng bằng những lý lẽ thuyết phục và những cứ liệu khoa học đáng tin cậy chứ không phải bằng những thông tin mong manh.

Chắc chắn QH, các cơ quan chính phủ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn và sáng suốt nhất về dự án này. Người dân chỉ mong rằng những người có trách nhiệm hãy bàn thảo và quyết định về dự án này giống như đang xài tiền của chính mình, chứ không phải tiền trên trời rơi xuống. Xin đừng quên, mỗi người Việt Nam đang gánh trên người khoảng 20 triệu đồng nợ công rồi đấy!

Có lẽ với tư duy ấy, việc quyết định một dự án lớn như thế sẽ tránh được những cái giá phải trả quá đắt sau này mà không ai khác nhân dân chính là người phải chịu.

Theo Thanh Hoa - Pháp luật Tp.HCM