TS Bùi Kiến Thành: Để Coca Cola lợi dụng, người dùng không đáng trách

17/07/2014 07:27
TS Bùi Kiến Thành
(GDVN) - Trào lưu khắc tên khách hàng trên lon Coca Cola cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam quá dễ bị lợi dụng để PR cho doanh nghiệp. T uy nhiên họ không đáng trách...

Trước hiện tượng người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt giới trẻ xếp hàng chờ đăng ký in tên mình trên lon Coca Cola trong khi doanh nghiệp này vẫn đang đứng đầu bảng trong nghi vấn chuyển giá trốn thuế ở Việt Nam, chia sẻ quan điểm của mình, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Người tiêu dùng Việt Nam quá dễ bị lợi dụng để PR cho doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ suy nghĩ đơn giản, nó mang tính nhất thời, theo thị yếu nhất thời. Tuy nhiên, người tiêu dùng không đáng trách...

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý

Nhìn lại nghi án chuyển giá trốn thuế của Coca Cola, trên góc độ quản lý phải khẳng định trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thế giới, hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế không phải mới xảy ra những năm nay mà diễn ra từ lâu, tại các nước phát triển nhóm, các quy định về điều chỉnh chống chuyển giá đã được đưa ra từ những năm 1980. Trung Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp chống chuyển giá từ những năm 1990.

Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài từ những năm 1990, thời điểm này, các xí nghiệp liên doanh phát triển mạnh mẽ trở thành hình thức đầu tư phổ biến nhất, hoạt động ưu đãi đầu tư (quyền sử dụng đất…), ưu đãi thuế diễn ra khá tràn lan, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động ở vùng sâu, vùng xa. 

Dân mạng chế ảnh yêu cầu Coca Cola hãy đóng thuế.
Dân mạng chế ảnh yêu cầu Coca Cola hãy đóng thuế.

Tranh thủ cơ hội được miễn tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10-15 năm đầu và tiếp tục giảm thuế 50% trong 5-7 năm tiếp theo, Việt Nam đã thu hút hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Việt Nam. Như vậy có thể nói vấn đề chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI không phải mới, mà chúng ta biết từ trước nhưng ít quan tâm.

Chính con số liên tục tăng về nguồn vốn, số lượng doanh nghiệp đến đầu tư đã khiến chúng ta quên đi chiêu bài chuyển giá của doanh nghiệp FDI.

Nói như vậy bởi trong số hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam hàng chục năm nhưng phải sau rất nhiều năm theo dõi về việc nộp thuế thì vừa qua nghi án một số doanh nghiệp FDI chuyển giá trốn thuế mới được đưa ra.

Trong thực tế đến thời điểm điểm này chúng ta chỉ duy nhất thành công trong việc chỉ ra hành vi gian lận chuyển giá, trốn thuế của nhà đầu tư nước ngoài đó là một số doanh nghiệp từ Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu chè. Còn lại tất cả các doanh nghiệp khác mới ở mức độ nghi vấn chung chung chưa đưa ra kết luận cụ thể. 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là việc giám sát và những câu chuyện sau những con số hào nhoáng về nguồn vốn, con số doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Phải khẳng định chủ trương mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ là đúng đắn, ưu tiên doanh nghiệp đến đầu tư là hợp lý. Tuy nhiên ưu tiên như thế nào? Ưu tiên với doanh nghiệp nào? Với ngành nghề kinh doanh nào lại là câu chuyện khác.

Hành vi chuyển giá được thực hiện chủ yếu qua việc nhập khẩu nguyên liệu. Ví dụ như Coca Cola, nghi án chuyển giá được đưa ra qua việc doanh nghiệp này nhập nguyên liệu từ nước ngoài với giá thành khai với cơ quan hải quan Việt Nam rất cao. Nhưng khi sản phẩm bán ra doanh nghiệp lại bán với giá thấp. Đầu vào cao, sản phẩm bán ra thấp doanh nghiệp lỗ, và lỗ nên Coca-Cola không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi thực chất nguyên liệu đầu vào nhập với giá thấp, khi bán sản phẩm thành phẩm Coca Cola xuất qua công ty trung gian của Coca Cola với giá thấp, sau đó doanh nghiệp này xuất sang thị trường tiêu thụ với giá cao. Đây là cách lách luật chủ yếu của doanh nghiệp FDI.

Trở lại vấn đề thu hút đầu tư, chúng ta quan tâm đến doanh nghiệp FDI mới chỉ chú trọng nguồn vốn, tạo việc làm cho lao động mà ít quan tâm đến nguồn nguyên liệu doanh nghiệp sử dụng.

Việt Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý, nhiều đặc sản, hoa quả cây trồng có giá trị, đáng nhẽ khi thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta phải ưu tiên doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn nguyên liệu chiếm tỷ lệ cao sản xuất trong nước. Nếu làm như vậy sẽ hạn chế chiêu chuyến giá do không kiểm soát được giá nguyên liệu đồng thời thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước.

Với ngành nghề phải lựa chọn, ví dụ với Formosa một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép một ngành công nghiệp nặng tiêu tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường… Lại được ưu tiên quá nhiều như hiện nay là không nên, không thể chọn doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh như vậy. 

Vấn đề nữa về lao động, nhìn vào không ít dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI có thể thấy không ít dự án công nhân làm việc chủ yếu là người nước ngoài. Đặc biệt khi nhìn vào dự án đầu tư, dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công, họ chủ yếu đưa lao động của họ sang Việt Nam làm việc. Đây là điều cần phải thận trọng, cần yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng lao động trong nước trừ trường hợp kỹ sư trình độ cao, hoặc ngành nghề đặc thù nhưng phải kiểm soát được.

Đừng vội trách người tiêu dùng

Trở lại vấn đề trào lưu in tên trên lon Coca Cola nở rộ gần đây, qua theo dõi báo chí không ít ý kiến cho rằng người tiêu dùng Việt Nam quá dễ bị lợi dụng để PR cho doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn đúng, xuất phát từ suy nghĩ đơn giản của người tiêu dùng Việt, nó mang tính nhất thời, theo thị yếu nhất thời.

Nhưng nhìn lại vấn đề phải thấy, người tiêu dùng Việt Nam chưa từng được học, được khuyến nghị hay ít ra lời khuyên từ cơ quan quản lý về cách hành xử với sản phẩm của doanh nghiệp đang có nghi án chuyển giá trốn thuế như trường hợp của Coca Cola. Trong khi Coca Cola là tập đoàn đa quốc gia, có hàng trăm công ty tại các nước và vùng lãnh thổ vì thế những chiêu trò PR như in khắc tên khách hàng là chuyện không khó.

Tuy nhiên do không hiểu bản chất vấn đề nên người tiêu dùng mới chạy theo thị yếu.

Trách nhiệm lần nữa thuộc về cơ quan quản lý, khi đến thời điểm này người tiêu dùng chỉ biết hai luồng ý kiến qua phương tiện truyền thông. Thứ nhất là những ý kiến cho rằng Coca Cola chuyển giá, trốn thuế nhưng cùng lúc này Coca Cola lại liên tục đưa ra thông điệp đóng thuế đầy đủ? Trong khi cơ quan quản lý nhà nước cụ thể Tổng Cục Thuế từng nói sẽ thanh kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất cứ kết luận chính thức nào rằng Coca Cola có chuyển giá hay không? Hành vi chuyển giá đó như thế nào...?

Chính vì mọi thứ chưa rõ ràng với nghi vấn nên không thể đổ lỗi tất cả cho người tiêu dùng, nhất là với những chiêu PR khôn khéo của Coca Cola. Nếu có một kết luận chính thức với nội dung Coca Cola chuyển giá, trốn thuế với số thuế là con số cụ thể có lẽ người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cách cư xử khác, một quan điểm khác.

Vì thế trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, còn người tiêu dùng chỉ có lỗi hay chạy theo thị yếu trước mắt, theo phong trào mà chưa hiểu hết bản chất sự việc.

TS Bùi Kiến Thành