Sẽ có ngày Thein Sein trở lại

30/01/2016 07:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Chuyển giao quyền lực và những lợi ích đằng sau quyền lực cho người khác là điều không dễ dàng. Phải là những người có bản lĩnh,...

The Straits Times ngày 30/1 đưa tin, Quốc hội Myanmar khóa cũ đã họp phiên cuối cùng ngày 29/1. Những cái bắt tay, những tiếng cười, những lới thăm hỏi giữa các nghị sĩ khóa cũ và khóa mới mà không có bất kỳ biểu hiện bất mãn, thù hằn nào báo hiệu một thời khắc lịch sử, đất nước Myanmar đang chời đợi chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi.

Khi Quốc hội cùng hát karaoke

Các nhà lập pháp Myanmar mới và cũ đã đánh dấu phiên họp cuối cùng bằng một buổi liên hoan chia tay. Những câu chuyện cười được chính các nghị sĩ thể hiện trên sân khấu, những màn múa hát trong trang phục các dân tộc Myanmar, nhưng bài hát karaoke và lời chúc mừng đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đó là tất cả những gì diễn ra sau kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ.

Tổng thống Myanmar Thein Sein sau khi mãn nhiệm sẽ quay lại vực dậy USDP, ảnh: AP/South China Morning Post.
Tổng thống Myanmar Thein Sein sau khi mãn nhiệm sẽ quay lại vực dậy USDP, ảnh: AP/South China Morning Post.

Đây là một ngày lịch sử đối với dân tộc Myanmar sau mấy chục năm dưới chế độ quân phiệt. Quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ đã diễn ra đầy ngỡ ngàng, bất chấp quyền lực và ảnh hưởng của quân đội đến chính trường. Quốc hội khóa mới sẽ có phiên họp đầu tiên vào Thứ Hai tới, đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình sau tổng tuyển cử.

Tâm trạng của các nhà lập pháp sắp sửa rời Quốc hội nói chung là vui vẻ, tình cảm trong tòa nhà Quốc hội rực rỡ sắc màu và sang trọng ở Naypyitaw, được xây dựng dưới thời Thống tướng Than Shwe. Các nghị sĩ cũ chào đón các nghị sĩ mới một cách chân tình, nồng nhiệt.

Thượng nghị sĩ Khin Aung Myint đã tạo ra những tiếng cười vui vẻ khi ông mở đầu màn văn nghệ: "Tôi muốn nói lời tạm biệt với mỗi nghị sĩ bằng một câu chuyện vui về mỗi chúng ta, nhưng tiếc rằng thời gian có hạn." 

Hàng trăm nghị sĩ mới của NLD có mặt. Sau các hoạt động lễ nghi chính thức, bữa tiệc trưa chia tay bắt đầu và sau đó Quốc hội khóa cũ tổ chức một buổi liên hoan karaoke để giúp các nghị sĩ mới hòa nhập với nghị sĩ khóa cũ. Một bầu không khí hoàn toàn thân thiện, không có bất cứ dấu hiệu nào của sự tiếc nuối hay đắng cay.

Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann bắt nhịp cho các nghị sĩ cả mới lẫn cũ cùng nhau hát vang bài hát tiếng Anh "Dreams may come true". Một cựu nghị sĩ từ quân đội không được bầu vào Quốc hội khóa mới vẫn vui vẻ bước lên bục sân khấu và hát một bài hát dân ca cổ vũ tinh thần thượng võ để giải trí cho các đồng nghiệp.

Bà Aung San Suu Kyi đã có một chỗ ngồi trang trọng ở hàng ghế đầu và khai mạc bữa tiệc chia tay các đồng nghiệp khóa cũ với một bài phát biểu nồng nhiệt chúc mừng và cảm ơn các nhà lập pháp khóa cũ đã mở đường cho NLD tiếp quản quyền lực. "Tôi tin rằng chúng ta có thể hợp tác vì đất nước và nhân dân chúng ta, cho dù ở bên ngoài hay bên trong Quốc hội", bà Aung San Suu Kyi nói.

Theo cá nhân người viết, quyền lực, vinh hoa, phú quý là những gì khiến con người ta dễ tham mà khó bỏ. Việc chuyển giao quyền lực và những lợi ích đằng sau quyền lực cho người khác là điều không dễ dàng. Phải là những người có bản lĩnh, dũng cảm thực sự mới làm được điều này.

Trong khi ở nhiều quốc gia "tự do dân chủ" khác, nghị sĩ vác ghế phang nhau giữa cuộc họp, từ tranh cãi đỏ mặt tía tai đến thượng cẳng chân hạ cẳng tay với đồng nghiệp và biến nghị trường thành một cái chợ vỡ, ứng xử của các nghị sĩ Myanmar thực sự khiến người ta phải khâm phục.

Tiết mục văn nghệ do các nghị sĩ Myanmar khóa cũ tổ chức chào đón các đồng nghiệp mới, còn mình sẽ rời khỏi Quốc hội sau buổi liên hoan này. Ảnh: The Straits Times.
Tiết mục văn nghệ do các nghị sĩ Myanmar khóa cũ tổ chức chào đón các đồng nghiệp mới, còn mình sẽ rời khỏi Quốc hội sau buổi liên hoan này. Ảnh: The Straits Times.

Đất nước Myanmar, người dân Myanmar không chỉ cần những nhà lãnh đạo mới có thể thực hiện khát vọng tự do, dân chủ, phát triển, phồn vinh cho dân tộc như những gì họ đang gửi gắm nơi bà Aung San Suu Kyi và LND, mà họ còn cần cả những nghị sĩ biết vui vẻ chấp nhận chuyển giao quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử tự do, minh bạch và hợp hiến.

Quốc gia này cũng đã từng phải đối mặt với đau thương, chia rẽ bao nhiêu năm triền miên. Nhưng cách hành xử của các nhà lãnh đạo và nghị sĩ sắp mãn nhiệm lại báo hiệu một tương lai đoàn kết, phát triển và thịnh vượng đang đến gần. Chính sự rút lui tự nguyện trong đoàn kết, vui vẻ ấy sẽ tạo tiền đề tốt hơn cho các quan chức, nghị sĩ của đảng cầm quyền để chuẩn bị cho một mùa bầu cử sau.

Thein Sein sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa?

Một ngày trước đó, Tổng thống Thein Sein đã phát biểu: "Chúng tôi có một nền văn hóa chính trị dân chủ. Nền tảng của dân chủ thực hành đã được nuôi dưỡng trong nhân dân và chúng tôi đã xây dựng các tổ chức chính trị mạnh mẽ hơn". Ông cam kết sẽ giúp đỡ chính phủ mới của NLD thực hiện thành công vai trò, sứ mệnh của mình.

Tổng thống Thein Sein sẽ ở lại trong văn phòng đến cuối tháng Ba này, trong khi NLD bắt đầu kiểm soát Quốc hội và bầu ra một Tổng thống mới. Ai sẽ là tân Tổng thống Myanmar đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bà Aung San Suu Kyi về nguyên tắc đã bị loại trừ bởi quy định của Hiến pháp, trừ khi các đảng phái đạt được thỏa thuận sửa Hiến pháp.

Trong tuần này, bà Aung San Suu Kyi sẽ công bố danh sách Nội các được cho là sẽ bao gồm cả các thành viên từ các nhóm dân tộc thiểu số ở Burman, Kachin, Karen, Rakhine, thậm chí cả thành viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) đã thua LDP trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Myanmar Times ngày 30/1 cho biết, sau khi rời nhiệm sở, Tổng thống Thein Sein sẽ quay trở lại lãnh đạo USDP. Ông U Htay Oo, đồng chủ tịch USDP do quân đội hậu thuẫn khẳng định điều này với báo giới trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ hôm qua.

"Ông ấy sẽ trở lại với đảng và thực hiện nhiệm vụ của mình khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc", ông U Htay Oo đồng thời cũng là một trong các nghị sĩ USDP tái trúng cử cho biết. Theo Hiến pháp Myanmar, Tổng thống đương nhiệm bị cấm tham gia lãnh đạo các đảng phái chính trị.

So sánh quá trình chuyển đổi hòa bình ở Myanmar với phòng trào "Mùa xuân Ả Rập", Tổng thống Thein Sein cho biết, các quốc gia Trung Đông đã sụp đổ và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương tha phương cầu thực. Trong cùng khoảng thời gian đó, Myanmar đã tiến lên nền dân chủ một cách hòa bình và ổn định, mặc dù quốc gia này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Bà Aung San Suu Kyi và các tân nghị sĩ NLD tới dự phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ và tiệc chia tay đồng nghiệp. Ảnh: AP.
Bà Aung San Suu Kyi và các tân nghị sĩ NLD tới dự phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ và tiệc chia tay đồng nghiệp. Ảnh: AP.

"Đây là quá trình chuyển giao quyền lực đầu tiên cho một chính phủ mới được bầu, kể từ khi Myanmar giành độc lập từ Anh", ông Thein Sein bình luận. Bản thân Tổng thống Thein Sein cũng sẽ gặp không ít khó khăn sau khi rời nhiệm sở và trở lại lãnh đạo USDP bởi sự chia rẽ trong đảng, kể từ khi phế truất vai trò lãnh đạo USDP của ông Shwe Mann.

Trong khi ông Thein Sein kêu gọi các thành viên USDP hiến kế để cải cách trong đảng, một số đảng viên USDP đang xem xét khả năng thành lập một đảng mới và hy vọng ông Shwe Mann, người đồng thời là Chủ tịch Quốc hội khóa cũ sẽ dẫn dắt nó.

Như vậy có thể thấy, Tổng thống Thein Sein không chỉ đi vào lịch sử Myanmar như một người kiến tạo hòa bình, một "bà đỡ" của nền dân chủ mà còn với vai trò một chính khách "chơi đẹp".

Ông rút lui trong danh dự khi người dân quyết định lựa chọn bà Aung San Suu Kyi và LND, nhưng không vì thế mà "cay cú hơn thua". Ngược lại, chính Tổng thống Thein Sein đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách ở Myanmar và chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho phe đối lập.

Hoàn thành nhiệm vụ của một Tổng thống, Thein Sein quay trở lại để vực dậy USDP. Trong khi cam kết giúp đỡ chính phủ mới của NLD, ông cũng không quên cảnh báo chính phủ mới sẽ vấp phải những chỉ trích và phản đối nếu làm điều gì sai quấy, có hại cho dân, cho nước.

Với những kinh nghiệm điều hành chính phủ trong giai đoạn chuyển đổi cực kỳ khó khăn từ 2011 - 2015, thực hiện được nhiều điều làm nên những thay đổi diệu kỳ cho đất nước Myanmar, Thein Sein có thể sẽ là một đối thủ nặng ký của bà Aung San Suu Kyi trong tương lai, nhưng với sự cạnh tranh hoàn toàn lành mạnh và văn minh. Đất nước Myanmar có được những nhà lãnh đạo như Thein Sein, Aung San Suu Kyi thì lo gì không phát triển, vươn lên mạnh mẽ.

Hồng Thủy