Chủ tịch huyện Cẩm Giàng: Clip trên mạng, người ta cắt ghép kinh khủng quá

10/07/2015 16:59
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều nay (10/7), trên mạng internet bất ngờ xuất hiện clip “Máy xúc cán chết người ở Cẩm Giàng – Hải Dương”.

Trong đoạn clip là một cảnh tượng náo loạn khi có rất nhiều người dân hô hoán “chết người rồi, chết người rồi”. Dưới đất là hình ảnh máy xúc cán lên nửa người của một người dân.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với ông Vũ Hồng Khiêm – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng để xác minh sự việc trên.

Ông Khiêm cho biết, vào khoảng hơn 8h sáng nay, khi máy xúc của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JSC) tiến vào san ủi mặt bằng tại Khu Công nghiệp Cẩm Điền thì có nhiều người dân tập trung phản đối.

Báo cáo ban đầu của Công an huyện Cẩm Giàng cho biết, gầu máy xúc va vào một người dân tên là Châm (SN 1960, là người ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) dẫn tới bị thương.

Sau đó, bà Châm được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Bà Châm được xác định là gãy xương bả vai và xây sát mặt, nhưng không bị nguy hiểm tới tính mạng.

Khi vụ việc xảy ra, một số người dân có mặt tại hiện trường đã đánh người lái máy xúc khiến anh này cũng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, không có nguy hiểm tới tính mạng.

Ông Khiêm thông tin: “10h sáng nay lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương huyện Cẩm Giàng, chủ đầu tư và cả đơn vị thi công phải lên báo cáo vào chiều nay.

Tôi đã xem clip trên mạng, người ta đã cắt ghép kinh khủng quá, không đúng sự thật. Chúng tôi đang trên đường đến Ủy ban tỉnh và sẽ báo cáo cụ thể về việc này”.

Hình ảnh một người dân nằm dưới xe ủi được đưa trên clip, tuy nhiên Chủ tịch huyện UBND Cẩm Giàng nói rằng, đây là hình ảnh cắt ghép.
Hình ảnh một người dân nằm dưới xe ủi được đưa trên clip, tuy nhiên Chủ tịch huyện UBND Cẩm Giàng nói rằng, đây là hình ảnh cắt ghép.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, việc xét duyệt các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng do sự cố xảy ra trên địa bàn huyện nên chính quyền địa phương đang phải tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hiểu chính sách của tỉnh.

Ông Khiêm cũng bày tỏ lo ngại khi biết có đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình để cắt ghép clip, tung lên mạng, gây ra hiểu lầm trong dư luận xã hội.

Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch ban đầu là hơn 208 héc-ta, tuy nhiên sau đó phải giảm xuống còn 150 héc-ta do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Phúc Hưng.

Vào tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH Phúc Hưng đã làm các thủ tục chuyển nhượng dự án lại cho Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng 7 năm qua, dự án này không thể đi vào hoạt động do người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường thu hồi đất. Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi thì hiện còn hơn 100 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có cả những hộ đã nhận tiền đền bù nhưng nay lại đòi phải đền bù ở mức cao hơn. Nhiều người dân còn mang cả chiếu ra khu vực cổng chào của dự án, ăn cơm tại chỗ để đấu tranh đòi quyền lợi. Người dân cho rằng mức đền bù 65 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp là quá thấp và yêu cầu trả 250 triệu đồng/sào ruộng.

Trong những năm gần đây, số vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các vụ khiếu nại của cả nước. Nhiều trường hợp người dân tụ tập thành từng đoàn đông người kéo về các cơ quan Trung ương, vì không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền địa phương.

Ngọc Quang