Ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là rất sai lầm”

19/07/2016 18:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: "Đã là Đại biểu Quốc hội thì phải vì nhân dân làm việc tốt hơn, và ai không xứng đáng thì rồi nhân dân cũng sẽ có ý kiến".

Nhiều câu hỏi tại buổi họp báo tiếp tục xoay quanh việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Rất lấy làm tiếc vì sau phiên họp thứ 8 của Hội đồng bầu cử Quốc gia, chỉ xác nhận tư cách đại biểu của 494 người. Hai người không được xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử tại tỉnh Hậu Giang. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì ông Thanh liên quan tới nhiều sai phạm, không gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, không đảm bảo các tiêu chí để trở thành Đại biểu Quốc hội.

Vì vậy, tại phiên họp thứ 7 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu kín và 100% thành viên dự họp nhất trí không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày hôm qua (18/7), Tổng Bí thư đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhâ, tập thể có liên quan”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ, trước khi ra ứng cử Đại biểu Quốc hội thì những người ứng cử phải thành thật với chính bản thân mình. ảnh: quochoi.vn
Ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ, trước khi ra ứng cử Đại biểu Quốc hội thì những người ứng cử phải thành thật với chính bản thân mình. ảnh: quochoi.vn

Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là một đại biểu thuộc đoàn Hà Nội. Bà Hường là Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.

“Bà Hường đã vi phạm vào Luật Quốc tịch của Việt Nam, do đó tại phiên họp thứ 8, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thống nhất không xác định tư cách Đại biểu Quốc hội với bà Hường.

Đối với trường hợp của bà Hường không có đơn tố cáo mà là do cơ quan chức năng phát hiện ra bà Hường đã đăng ký thêm một quốc tịch nữa”, ông Phúc cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Điều 17 Hiến pháp khẳng định, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quốc tịch Việt Nam.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20 - 29/7, trong đó đáng chú ý là công tác kiện toàn nhân sự.

Quốc hội sẽ bầu các chức danh quan trọng như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và một số chức danh khác.

Điều 4 của Luật Quốc tịch khẳng định, công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Các nước khác quy định công dân có hai quốc tịch hay ba quốc tịch thì tùy vào quy định của từng nước.

“Đối với kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được giữ quốc tịch Việt Nam, nhưng khi đã về Việt Nam thì kê khai theo quốc tịch nào sẽ được đối xử theo công dân của quốc tịch ấy.

Còn đối với những người là công dân Việt Nam không định cư ở nước ngoài mà muốn đăng ký quốc tịch khác thì phải bỏ một quốc tịch. Bà Hường đã đăng ký hai quốc tịch là vi phạm. Vì thế mới có phiên họp thứ 8 để xem xét tư cách Đại biểu của bà Hường”, ông Phúc cho hay.

Vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm, sau những sự việc đáng tiếc nói trên, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã quán triệt, rút kinh nghiệm, tới đây sẽ khi sửa Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ đề xuất điều chỉnh chặt chẽ hơn.

Ông Phúc chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng trước khi ra ứng cử để trở thành đại biểu của dân thì chúng ta phải trung thực với chính bản thân chúng ta. Còn vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là không phải. Cái đó là rất sai lầm.

Vào Quốc hội là phải vì nhân dân làm việc tốt hơn. Còn đã có sai phạm thì phải xử lý sai phạm, và ai không xứng đáng thì rồi nhân dân cũng sẽ có ý kiến”.

Cũng tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng thắn đề cập tới vấn đề sửa đổi Bộ Luật hình sự.

Ông Phúc nói: “Bộ luật hình sự dừng lại để sửa hơn 90 điều là rất đáng tiếc. Quốc hội cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này, chứ không có chuyện từ chối trách nhiệm.

Thường vụ Quốc hội đã nhận trách nhiệm về việc này. Tới đây sẽ xem xét thấu đáo trách nhiệm của các cơ quan chức năng và từng cá nhân; xem xét một cách công minh chứ không có né tránh gì cả.

Quốc hội khóa XIII đã ban hành 107 bộ luật, duy nhất có luật hình sự sai nhiều, còn 106 bộ luật khác có sai xót nhưng rất nhỏ”.

Liên quan tới công tác lập pháp tại Quốc hội, có ý kiến lo ngại 2/3 đại biểu mới, trong đó có rất nhiều đại biểu trẻ thì liệu có ảnh hưởng tới công tác lập pháp không?

Ông Phúc cho rằng: “Quốc hội khóa XIV có 94% đại biểu trình độ đại học và 62% đại biểu trình độ trên đại học.

Chưa có khóa nào tốt như thế cả, nên tôi hy vọng hoạt động của Quốc hội khóa XIV sẽ có kết quả tốt hơn”.

Ngọc Quang