Tỷ lệ 45-55: Con số biết nói
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, vừa qua Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động.
Đến nay Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can, trong đó bắt tạm giam 5 bị can.
Theo cơ quan công an, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014, Lê Ngọc Tiến (trú tại khu Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ tiền mua sắm trang thiết bị và lập ba công ty kinh doanh nội dung số gồm Công ty cổ phần VVas, Công ty cổ phần Vcontent, Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn Bắc Đại Dương, thuê người làm giám đốc cho các công ty này.
Khách hàng đã và đang bị móc túi bởi những tin nhắn rác (ảnh minh họa). |
Tiếp đó, Lê Ngọc Tiến thực hiện việc thuê lại các đầu số và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nội dung với các nhà mạng di động như Viettel, MobiFone... Nhóm công ty của Tiến chủ yếu thực hiện kinh doanh trên các đầu số 7x68 và 7x77.
Lê Ngọc Tiến chỉ đạo các giám đốc, nhân viên dưới quyền thực hiện việc phát tán tin nhắn từ các sim rác. Khi chủ thuê bao thực hiện theo hướng dẫn, gửi tin nhắn lại đầu số theo cú pháp sẽ bị trừ từ 15.000-30.000 đồng/tin nhắn. Nhưng sau khi nhắn tin, chủ thuê bao không bao giờ nhận được phản hồi.
Với chiêu thức này chỉ trong vòng 1 năm, Tiến các đối tượng đã chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an phát hiện Lê Ngọc Tiến còn thành lập thêm hai công ty khác để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo.
Cùng thời điểm khám phá ổ nhóm trên, cơ quan công an đã kiểm tra nhóm công ty của Nguyễn Ngọc Quyết, Trần Ngọc Hùng về hành vi vi phạm pháp luật tương tự. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ từ ngày 1/5 đến 13/6/2014, nhóm công ty này đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Như vậy trong hai vụ việc này, cơ quan công an xác định hàng triệu thuê bao di động đã bị lừa đảo với số tiền khoảng 23 tỉ đồng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu các đối tượng sử dụng toàn bộ số tiền trên cho mục đích cá nhân, tuy nhiên khai nhận cơ quan điều tra nhóm công ty của các nghi can lừa đảo chỉ thu được 45%, còn lại là nhà mạng được hưởng 55%.
Tỉ lệ ăn chia này khiến nhiều người bất ngờ bởi họ dễ liên tưởng đến việc nhà mạng chính là ông chủ điều khiển sân sau nên hưởng hoa hồng cao hơn. Từ đó thuê báo di động có quyền nghi ngờ nhà mạng Viettel, MobiFone… là đạo diễn của màn kịch tin nhắn rác nhằm chuộc lợi.
Nhà mạng bất chấp đạo đức kinh doanh để chuộc lợi?
Theo Nghị định 90/2008 về chống thư rác, các nhà mạng phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung tin nhắn. Đối với các tin nhắn vui chơi có thưởng, tải ứng dụng, phần mềm… đều phải kèm theo thông báo về loại hình dịch vụ và giá cước.
Quy định này cho thấy rõ ràng cách lý giải của các nhà mạng về việc không kiểm soát được nội dung tin nhắn cũng như đổ lỗi cho nhóm các công ty là sai với quy định.
Mặt khác tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các công ty, nhóm đối tượng này với nhà mạng là 45 - 55%, nếu đủ cơ sở kết luận việc được hưởng lợi số tài sản này là trái pháp luật thì các đơn vị nhà mạng cũng sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho người sử dụng điện thoại số tiền mình được hưởng do hành vi vi phạm pháp luật.
Thậm chí đủ bằng chứng nhà mạng phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm.
Chưa nói đến hành vi vi phạm pháp luật, câu hỏi đang được dư luận đặt ra là nhà mạng có biết việc tin nhắn rác hay không? Nếu biết tại sao không ngăn chặn ngay từ đầu. Độc giả Nguyễn Loan (Hà Nội) cho rằng nhà mạng viễn thông cũng có trách nhiệm trong vụ án này.
Độc giả này viết, mặc dù theo hợp đồng thuê đầu số giữa các nghi can và các nhà mạng, các nghi can phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý khi sử dụng các đầu số thuê. Tuy nhiên, chính nhà mạng là người được hưởng nhiều nhất số tiền các nghi can đã chiếm đoạt của người sử dụng mạng viễn thông. Mặt khác, qua việc này chứng tỏ các nhà mạng bỏ qua mọi nguyên tắc đạo đức kinh doanh, coi thường quyền lợi những khách hàng khi đặt lợi nhuận lên trên hết.
“Các nhà mạng là đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số (CP), việc phát hiện tin nhắn rác qua dịch vụ số nằm trong tầm tay của nhà mạng. Vì thế khi phát hiện tin nắn rác nhà mạng sẽ xử lý CP đó. Cụ thể là khóa đầu số hoặc cắt hợp đồng tùy theo mức độ vi phạm của đối tác dựa trên các điều khoản trong hợp đồng. Tóm lại các nhà mạng hoàn toàn có thể làm được trong vài giây chỉ với một số lệnh trên máy tính chứ không thể để kéo dài hàng năm trời mà không phát hiện như trên. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của nhà mạng trong việc quản lý, kiểm soát đối với việc cung cấp dịch vụ này”, độc giả Nguyễn Loan viết.
Đồng quan điểm trên, độc giả Hoàng Nam chia sẻ: “Nếu nhà mạng không tiếp tay cho nhóm công ty trên cũng là lờ đi việc dùng tin nhắn rác nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các thuê bao. Đơn giản vì nhà mạng cũng được hưởng lợi trong đó”.
Độc giả Hoàng Nam phân tích, doanh nghiệp viễn thông như MobiFone, Viettel chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường viễn thông với mỗi năm lãi hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng liên tục tìm cách “móc hầu bao” của khách hàng.
“Từ việc tăng cước 3G, tự ý cài đặt các dịch vụ khiến khách hàng chịu thiệt, giờ là ăn chia số tiền chiếm đoạt của khách hàng... nhà mạng đang bất chấp đạo đức để thu lợi bằng mọi cách là đây", độc giả Hoàng Nam chia sẻ.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh năm 2013, doanh thu của Vietel là 163.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận 26.400 tỷ đồng. Trong khi đó MobiFone đóng góp lớn trong tổng doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) năm 2013 là 119.000 tỷ đồng với lợi nhuận doanh nghiệp gần 9.270 tỷ đồng.
Liên tục lãi lớn, nhân viên hưởng mức thu nhập hàng chục triệu đồng (thu nhập bình quân của nhân viên Viettel 23,7 triệu đồng/tháng trong năm 2013), vậy sao các nhà mạng này vẫn ăn chia cả số tiền chiếm dụng lừa đảo của các đối tượng phạm tội?
Và liệu rằng, trong số lãi khủng kia của các nhà mạng, có bao nhiêu tiền thu được từ những hoạt động ăn chia như trên? Hơn nữa số tiền ăn chia đó dù có được đưa vào quyết toán như một khoản lợi nhuận của nhà mạng Viettel, MobiFone đi chăng nữa thì nó vẫn là tài sản được do lừa đảo mà có được, các nhà mạng có lấy đó làm tự hào về thành tích kinh doanh?