Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tại California, những người ăn quá nhanh có xu hướng mắc bệnh béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa nhiều hơn người khác.
Trước đó vào năm 2008, các nhà nghiên cứu Nhật Bản, dẫn đầu là bác sĩ Takayuki Yamaji của Trường Đại học Hiroshima, đã khảo sát trên 1.000 người trưởng thành có sức khỏe tốt ở Nhật Bản.
Các bác sĩ yêu cầu họ mô tả tốc độ ăn uống của mình và theo dõi sức khỏe của họ trong 5 năm tiếp theo.
Kết quả là có 84 người được chẩn đoán bị hội chứng chuyển hóa (có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường).
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tốc độ ăn có liên quan trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của bệnh.
Tỷ lệ mắc bệnh ở người có tốc độ ăn nhanh là 11,6%, những người có tốc độ ăn bình thường là 6,5% và chỉ 2,3% ở những người ăn chậm.
Người có thói quen ăn nhanh cũng có cân nặng và lượng đường trong máu cao hơn những người khác. Ảnh: Gulfnews. |
Theo Tiến sĩ Nieca Goldberg, phát ngôn viên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn uống nhanh là nguyên nhân của thừa cân và các vấn đề sức khỏe khác.
“Ăn chậm hơn có thể giúp kiểm soát sự thèm ăn và cân nặng của bạn. Việc nhai chậm còn giúp cơ thể đốt cháy calo trong khi ăn nhanh lại mang đến những điều ngược lại", ông Goldberg cho biết.
Theo Goldberg cần phải dành ít nhất 30 phút cho một bữa ăn và không nên ăn uống trong khi làm việc.
Ngoài ra, ăn quá nhanh sẽ khiến dạ dày phải co bóp nhiều và dịch tiêu hóa không tiết ra đủ để tiêu hóa lượng thức ăn nạp vào. Lâu ngày có thể gây ra bệnh đau dạ dày, tá tràng.
Thói quen ăn quá nhanh có thể gây ra rất nhiều tác hại về sức khỏe mà chúng ta không ngờ đến.
Do đó, hãy kiểm soát tốc độ ăn uống của bản thân để có một sức khỏe tốt nhất.