Thầy cô dạy môn nào thần thánh hóa môn ấy đều rất không ổn

06/09/2021 06:58
Tùng Dương
GDVN- Người ta tự quan trọng hóa một vài môn học, và cho đó là môn chính, điều này cũng dễ hiểu bởi họ học theo kiểu đối phó với các kỳ thi, đó là quan niệm chưa đúng.

“Trong giáo dục, chúng ta không nên thần thánh hóa, quan trọng hóa quá mức một môn học nào cả, bởi các môn đều có những vai trò nhất định, đóng góp quan trọng vào sự hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất của học sinh. Trước đây, người ta quan trọng hóa một vài môn học và cho đó là môn chính, điều này cũng dễ hiểu bởi người ta học theo kiểu đối phó với các kỳ thi, thi môn nào thì môn đấy được đầu tư nhiều hơn.

Nhưng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, chuyển từ đánh giá kiến thức kĩ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất, tức là đánh giá học sinh làm được gì, đạt được những phẩm chất nào? Đến lúc này tất cả các môn học đều quan trọng đối với một cá nhân. Tất cả các môn học đều có một vai trò đóng góp nhất định với sự hình thành phát triển của nhân cách, năng lực cũng như các phẩm chất của một cá nhân. Vậy nên, nếu như để đánh giá thì các môn học đều được đánh giá công bằng.

Thời điểm hiện tại, muốn đánh giá tất cả các môn công bằng thì cũng cần có một một thời gian nhất định. Sự chuyển đổi phải được tiến hành dần dần vì vẫn còn “quán tính” của những quan điểm cũ về các môn học chính, phụ trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh, xã hội và bản thân giáo viên.

Theo tôi, việc này cần nhiều thời gian chứ không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều, bởi vì quan niệm về môn học chính, phụ đã ăn sâu vào suy nghĩ của bao nhiêu thế hệ”, thầy Đỗ Bảo - Giáo viên dạy Toán ở một trường Trung học cơ sở tại quận Long Biên, Hà Nội đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Học sinh trong giờ học thực hành. Ảnh minh họa: ĐB.

Học sinh trong giờ học thực hành. Ảnh minh họa: ĐB.

Theo thầy Bảo: “Cần nhìn nhận ở tầm sâu rộng hơn, mục đích của giáo dục chính là hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho trẻ, các kỳ thi chỉ để kiểm định ở một giai đoạn cụ thể nào đó mà thôi. Khi thầy cô, học sinh và phụ huynh tôn trọng, để ý tất cả các môn học thì mới tạo điều kiện phát huy được những tiềm năng của mỗi học sinh vì mỗi em là một cá thể, có những ưu thế thông minh ở các loại hình, lĩnh vực khác nhau.

Thực tế hiện nay, rất nhiều công ty và nhà tuyển dụng đã nói rằng: Thái độ còn quan trọng hơn trình độ. Nếu như có thái độ cầu tiến trong công việc, tôn trọng đồng nghiệp, ham học hỏi, giao tiếp đúng mực, một người nhân viên sẽ được đánh giá cao, những thứ còn lại về chuyên môn, nghề nghiệp sẽ được tạo điều kiện để bồi dưỡng dần sau này.

Nếu không có một thái độ làm việc tốt, một kỹ năng làm việc hợp tác thì không thể làm việc gì hiệu quả trong một tổ, đội, nhóm hay một tổ chức. Hiện nay các công việc đều có sự liên kết chặt chẽ, để thực hiện công việc này thì đều có sự hợp tác của nhiều người hay nhiều tổ chức tham gia.

Một cá nhân chỉ thực hiện ở một mức độ nhất định, hoàn thành được công việc của mình thôi, còn để hoàn thành nhiệm vụ tổng thể thì phải có sự liên kết, có kỹ năng giao tiếp, có thái độ hợp tác tốt. Và thái độ và các kỹ năng đó được hình thành qua nhiều môn học, trong đó có các hoạt động giáo dục kỹ năng sống hay môn Giáo dục công dân…

Trong các kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc thi tuyển vào các trường đại học thì các môn được coi là phụ vẫn đóng góp một cách gián tiếp ít nhiều trong các bài thi. Có những môn học đóng góp trực tiếp về mặt kiến thức, có những môn lại đóng góp về mặt kỹ năng, tư duy lập luận, phản biện, lại có những môn học hình thành những phẩm chất như trách nhiệm, kiên trì, quyết tâm để học sinh vượt qua những kỳ thi đó.

Đối với bậc trung học cơ sở, nếu chỉ chú trọng đến những môn học để thi như Toán, Văn, tiếng Anh, như vậy chúng ta đã bỏ qua những tiềm năng của học sinh về những môn học khác như Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý… Nếu học sinh có niềm đam mê Khoa học tự nhiên, hay Lịch sử, Địa lý, và được quan tâm phát triển đúng mức thì hoàn toàn có thể đi sâu nghiên cứu những môn học đó trong những giai đoạn tiếp theo, dễ thành công đối với những ngành nghề gắn liền với các môn học đó. Nhưng theo tôi việc này phải trải qua một thời gian dài bởi nó thay đổi cả một quan điểm của nhiều thế hệ”.

Học sinh được khuyến khích phát huy tối đa năng lực sẵn có. Ảnh minh họa: Đ.B.
Học sinh được khuyến khích phát huy tối đa năng lực sẵn có. Ảnh minh họa: Đ.B.

Cần coi trọng tiềm năng của các môn học như nhau

Thầy Bảo chia sẻ: “Ở Việt Nam, nếu phân công một giáo viên môn Thể dục làm giáo viên chủ nhiệm thì nhiều phụ huynh cảm thấy không ổn, Thể dục thường được coi là môn phụ và không biết giáo viên đó sẽ hỗ trợ các con như thế nào trong các môn Toán, Văn, tiếng Anh? Còn ở nước ngoài lại khác, tôi thấy các thầy cô liên quan đến giáo dục thể chất và dinh dưỡng mà được phân công làm chủ nhiệm thì phần lớn phụ huynh rất yên tâm bởi các con sẽ được quan tâm hơn về mặt sức khỏe tinh thần và thể chất một cách đầy đủ.

Những giáo viên thể chất và chăm sóc sức khỏe tinh thần như vậy rất “có giá” ở nhà trường, thậm chí được đánh giá cao hơn cả giáo viên Toán, Văn. Nguyên nhân là mọi người không có quan niệm môn chính môn phụ nữa, lúc này, môn giáo dục thể chất còn quan trọng hơn vì liên quan về đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, cần phải khỏe trước đã thì có thể mới có thể học toán, học văn và các môn khác được.

Ở Việt Nam, nhiều trường tư thục đã phân công giáo viên Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Thể dục làm công tác chủ nhiệm và thực sự là các thầy cô hoàn thành công việc rất tốt, hơn cả mong đợi. Nhưng với các trường công thì khó hơn bởi chính những suy nghĩ “cũ” của một số lãnh đạo nhà trường vẫn còn nặng tâm lý môn chính, môn phụ.

Nếu như chúng ta quan trọng hóa quá một môn nào đó thì có nghĩa đã chặn mất những tiềm năng phát triển các môn khác của học sinh. Trong không gian lớp học, chúng ta coi trọng mọi tiềm năng của học sinh ở các môn học như nhau, và phải làm sao để khuyến khích những tiềm năng đó phát triển như nhau. Những học sinh nào đã phát triển và thể hiện tiềm năng rõ rệt thì nên tạo điều kiện cho học sinh đó phát triển hết năng lực. Đó là cách tốt nhất, và đó mới là môi trường giáo dục phù hợp đối với giới trẻ.

Trước đây, chúng ta thần thánh hóa một môn nào đấy, hoặc quan trọng hóa quá một vài môn được coi là môn chính, là bởi chúng ta học phục vụ mục đích để qua các kỳ thi cử, chứ không phải là học với mục đích phát triển nhân cách. Nếu như chúng ta nhìn thấy mục đích lớn của giáo dục là hình thành phát triển nhân cách và các phẩm chất năng lực cho học sinh thì chúng ta sẽ thấy rằng môn học nào cũng có vai trò quan trọng như nhau. Những môn học mà đối với mỗi cá nhân học sinh nó giúp cho tiềm năng hoặc ưu thế của học sinh đó phát triển hơn, thì sẽ là môn quan trọng với học sinh đó.

Ví dụ: Một giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh của mình có khả năng tốt về bóng đá, thì có thể nhờ giáo viên thể chất bồi dưỡng thêm, hoặc có thể gửi em vào các câu lạc bộ để có điều kiện phát huy năng lực. Sau này em đó có thể vừa là rèn luyện sức khỏe, và nếu đó là một đam mê đủ lớn thì em hoàn toàn có thể phát huy theo con đường thể thao.

Bản thân tôi là giáo viên dạy Toán, năm nào cũng được phân công làm công tác chủ nhiệm. Tuy nhiên, tôi không áp đặt học sinh phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho môn học mà tôi giảng dạy, thay vào đó là khuyến khích học sinh của mình theo đuổi những môn học mà các em yêu thích, và tôi luôn tạo điều kiện hết sức cho những học sinh đó.

Mặt khác, tôi chỉ yêu cầu dù các con thích học môn nào thì các môn còn lại con cần phải đầu tư thời gian đủ để đạt mục tiêu học tập của mình. Ví dụ, con muốn đạt học sinh giỏi thì ngoài 6 môn đạt trung bình trên 8,0 thì Toán và các môn khác con cần đạt điểm trung bình trên 6,5. Và trong quá trình học tập, tôi tìm cách tạo điều kiện cho học sinh phát huy tiềm năng của mình như chia sẻ thêm tài liệu, nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, giới thiệu câu lạc bộ yêu thích cho học sinh…”

Thầy Bảo nhấn mạnh: “Bằng việc tôn trọng tất cả các môn học như nhau, chúng ta sẽ tìm cách tạo điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng của học sinh và khuyến khích học sinh theo đuổi những đam mê của mình. Chúng ta sẽ dần dần hạn chế việc học sinh học “nhầm” trường đại học, học sinh chọn “nhầm” nghề, do những áp lực của xã hội, do những lựa chọn của bố mẹ thiên về những môn học hay được coi là “chính”.

Chúng ta sẽ tiến dần đến việc làm cho nhiều học sinh nhìn ra, học đúng đam mê, đi làm đúng đam mê và kiếm tiền, sinh sống bằng chính đam mê và năng lực, tố chất vốn có của mình. Chỉ có như vậy, khi mà người ta sống, làm việc bằng đam mê của mình, và đam mê đó đủ để nuôi sống bản thân, gia đình và mọi người thì người ta mới cảm thấy hạnh phúc. Đó mới chính là mục đích cao cả của giáo dục”.

Tùng Dương