“Nói không có môn chính- môn phụ, theo tôi đó là quan điểm sai lầm”

25/08/2021 06:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Văn rất quan trọng, vậy nên mới có thời khóa biểu 1 tuần từ 3 đến 5 tiết Văn, trong khi các môn khác 1 tuần có 1-2 tiết. Như vậy làm sao mà bằng nhau được.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - cựu giáo viên dạy Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về một số vấn đề được, chưa được trong Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/9 tới, thầy Ngọc cho biết:

“Thông tư 22 tôi thấy có một số thay đổi khá tốt như bỏ tính điểm trung bình các môn; Bỏ xếp loại yếu kém. Ngoài ra có một số thay đổi về quan niệm phân loại học sinh, giúp học sinh hào hứng phấn đấu, điều này mang tính nhân văn".

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Tin học vẫn là 4 môn trọng điểm, phải được coi trọng hàng đầu, chú trọng dạy tăng thời lượng giảng dạy trong nhà trường". Ảnh: T.D.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Tin học vẫn là 4 môn trọng điểm, phải được coi trọng hàng đầu, chú trọng dạy tăng thời lượng giảng dạy trong nhà trường". Ảnh: T.D.

Nhưng theo thầy Ngọc, có một số điểm cần phải xem lại như sau: "Thứ nhất, quan điểm không còn môn chính, môn phụ, tôi cho đây là quan niệm sai, tại sao? Trong nhà trường giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp, và phân luồng giáo dục là phải song hành với nhau, chứ không phải học sinh đến trường được dạy môn nào cũng như nhau.

Ví dụ: Trong thực tế có những người kém Văn, khi trình bày một vấn đề gì đó nhưng họ nói mãi mà người nghe vẫn không hiểu, nói không nên lời, như vậy thì phải tính sao đây. Vậy đây có phải là mục đích của giáo dục?

Việc đầu tiên, đã là người Việt Nam thì phải thông thạo tiếng mẹ đẻ, có thạo thì mới học được các môn khác, như vậy là phải coi trọng môn Văn. Bây giờ học Văn lại “hùm bà lằng” như các môn khác thì sao gọi là dạy Văn được.

Đối với Ngữ văn phải được dạy rất sâu sắc thì mới có trình độ nhất định, mới có khả năng biện luận, khả năng thuyết phục người nghe. Vậy không dạy điều đó thì học sinh tiếp thu ở đâu?

Phải coi trọng môn Văn, vậy nên mới có thời khóa biểu 1 tuần 3 đến 5 tiết Văn, trong khi các môn khác 1 tuần có 1-2 tiết. Như vậy làm sao mà bằng nhau được, không coi trọng thì tại sao lại bố trí nhiều tiết học như vậy?

Đối với môn Toán lại càng quan trọng, bởi bất cứ một con người nào thành đạt đều phải có sự nhanh nhạy, tháo vát, biết tính toán đường đi nước bước, sự tổng quát tình hình giúp xử lý mọi việc một cách có hiệu quả. Những điểm ưu tú đó lấy từ đâu ra? Xin thưa là từ tư duy, kĩ năng Toán học mà ra, không thể nào “thoát” khỏi môn Toán được. Vậy nên, nếu học giỏi Toán sẽ giúp ích giải quyết mọi vấn đề khác trong cuộc sống.

Nói về môn Ngoại ngữ, Tin học nếu không coi trọng thì thử hỏi với thời đại hiện nay nếu không có 2 kĩ năng đó thì làm sao. Học sinh không giỏi 2 môn đó thì làm được gì?

Theo tôi 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Tin học vẫn là 4 môn trọng điểm, phải được coi trọng hàng đầu, chú trọng dạy tăng thời lượng giảng dạy trong nhà trường, tăng mức đánh giá để bắt buộc học sinh phải cố gắng. Còn nếu nói không có môn chính, môn phụ là quan điểm sai lầm nghiêm trọng”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Ảnh minh họa: T.D
Học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Ảnh minh họa: T.D

Nhận xét cũng rất tốt, nhưng không thể thay cho điểm số

Về việc đánh giá và phân loại học sinh, thầy Ngọc nói: “Nói đến đánh giá và phân loại, tôi thấy hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm được “lối thoát” cho giáo dục. Từ bé cho đến nay hơn 80 tuổi, tôi đã trải qua rất nhiều trường lớp trong và ngoài nước, trải qua rất nhiều thang điểm mà thế giới hiện nay họ vẫn dùng thang điểm đó. Thời Tây cho điểm theo thang bậc 20, rồi xuống 10. Thời học theo Liên Xô chúng ta dùng thang điểm 5, và rồi bây giờ lại cho thang điểm 10.

Việc dùng thang điểm là có lí, chứ không phải cho điểm một cách tùy hứng. Vậy tại sao lại không căn cứ vào điểm số để đánh giá học sinh, như vậy là không lượng hóa được khái niệm. Cứ bảo là học sinh tiến bộ, tốt lắm, giỏi lắm…Nhưng việc đánh giá đó là cái gì thì cần phải có thang điểm. Còn người cho điểm đó như thế nào, có đúng hay không lại là chuyện khác. Theo tôi không dùng thang điểm để đánh giá là không được.

Thay chấm điểm bằng lời nhận xét là chưa chuẩn, nếu nói học sinh khá lắm, giỏi lắm, hay như sản xuất tốt lắm…nhưng không hề có số liệu cụ thể minh họa thì chúng ta biết nhìn vào đâu để cho là tốt? Cho nên tất cả các môn đã học đều phải có điểm đánh giá, còn lời nhận xét kèm theo cũng rất tốt, nhưng không thể thay thế cho điểm số lượng hóa của kiến thức. Còn việc cho điểm chính xác đến đâu cũng là vấn đề phải bàn”.

Theo thầy Ngọc: “Vấn đề phân loại, người ta nói rằng quan điểm phân loại nhưng tôi đã đọc và nghiên cứu rất kĩ nhưng không biết người soạn thảo Thông tư này họ muốn truyền đạt ý tưởng gì? Lâu nay, người ta phân loại trên thang điểm 10, nếu học sinh được 7 hay 8 điểm thì sẽ biết ngay học sinh đó ở bậc nào.

Bằng tốt nghiệp phổ thông ở Đức hoặc Pháp người ta ghi rất rõ là học sinh này tốt nghiệp ở mức bao nhiêu trên 20, nhìn vào ta biết ngay học sinh đó trình độ ở mức nào. Bây giờ chúng ta phân loại, trong phần khen có học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, nhưng trong xếp loại lại không thấy có từ xuất sắc? Theo tôi về học lực cũng phải xếp như hạnh kiểm, có loại 1 là xuất sắc, loại giỏi và loại khá.

Hơn nữa, nếu quy định 6/8 môn trên 8 điểm làm chuẩn xếp loại là chưa đúng. Chúng ta khuyến khích học sinh phát triển theo năng khiếu thì tất cả các môn phải tính điểm chứ không phải có 8 môn, trong khi các môn như thể thao, mỹ thuật, âm nhạc … là tố chất năng khiếu bẩm sinh và biết đâu sẽ có thu nhập cao sau này.

Một học sinh giỏi sau này trở thành họa sỹ vẽ tranh rất đẹp, có thu nhập rất tốt thì giỏi thêm ngoại ngữ thôi, sao lại phải giỏi thêm 5 môn kia? Tôi thấy quan điểm đánh giá 6/8 môn là chưa đúng”.

Học sinh tiểu học trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: T.D.
Học sinh tiểu học trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: T.D.

Giấy khen “tiên tiến” là động lực thúc đẩy học sinh

Về vấn đề giấy khen, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Thu - Cựu giáo chức ở Hà Nội nêu quan điểm:

“Theo Thông tư mới, chỉ khen thưởng học sinh xuất sắc và học sinh giỏi, nhưng không thấy nói đến khen thưởng cho học sinh có kết quả học lực khá. Như vậy học sinh khá sẽ có sự phấn đấu để đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng cũng có thể học sinh khá đó sẽ không có động lực để phấn đấu vì nghĩ có cố gắng nữa cũng không thể đạt được.

Về vấn đề bỏ giấy khen học sinh tiến tiến tôi cho chưa sát với thực tế, việc phấn đấu trong mọi lĩnh vực cũng rất cần giấy khen kèm theo, đó cũng là ghi nhận. Truyền thống khen ngợi cũng rất cần, con người ta trong thi đua, trong học tập phải có vươn lên. Từ mức học sinh tiên tiến lên được học sinh giỏi là cả một sự cố gắng, nhưng giờ đây bỏ loại giấy khen này tôi cho là chưa động viên học sinh, chưa ghi nhận cố gắng khuyến khích các em phấn đấu.

Nhìn ở góc độ nào đó thì đây cũng là niềm tự hào của những học sinh có học lực khá, nhưng như vậy càng cần có sự động viên từ phía thầy cô và nhà trường qua tấm giấy khen. Với các bạn học giỏi thì không nói, còn với các em học lực luôn ở mức khá hoặc trung bình khá thì sẽ là điều không nên, tôi thấy như vậy không hợp lý. Cần sửa đổi thì nên chú trọng đến kiến thức, nên giảm tải chương trình, chứ không nên xoá bỏ những cái đang tốt như vậy.

Khen thì dễ còn chê mới khó bởi có rất nhiều chuyện. Giáo dục trong nhà trường còn có dạy học sinh làm người, việc giữa học chữ và học làm người thì các trường “cân đo” thế nào? Hơn nữa dạy người trong vai trò đức dục đòi hỏi chất lượng như thế nào?

Tôi đọc Thông tư chỉ thấy mỗi câu: Loại tốt là đạt tốt tất cả yêu cầu giáo dục của nhà trường, vậy tôi muốn hỏi những yêu cầu đó là gì để học sinh làm theo? Theo tôi chỗ này cực kì khó đối với quan niệm của từng thầy cô và từng chủ thể người học. Vậy nên rất cần cụ thể đến từng trường, từng lớp.

Vấn đề giáo dục trong nhà trường đi đôi với vấn đề dạy chữ là gì… thì trong Thông tư chưa nói được rõ ràng. Nếu không có hướng dẫn cụ thể dễ hiểu sai, việc đánh giá bằng nhận xét dễ sa vào sử dụng hình thức không phù hợp, theo lối mòn khiến việc này trở nên không thực chất”.

Bà Thu nhấn mạnh: “Có một số điểm thiếu nữa mà xã hội đang mong đợi nhưng tôi chưa thấy ở Thông tư, đó là lối thoát phân ngành hướng nghiệp cụ thể, có chất lượng cho học sinh từ tiểu học đến hết cấp III, tôi cho là không dứt khoát, mới chỉ thay đổi vài từ ngữ, thay đổi cách nói, cách đánh giá nhưng hướng đi là gì thì mọi người chưa thấy rõ.

Một vấn đề nữa là nhân cách, về tự do phản biện của học sinh, rồi tương tác giữa thầy cô và học trò, cái gì cho phép và không cho phép, cho phép mức độ thân mật đến đâu tôi đều chưa thấy rõ. Theo tôi Thông tư này chỉ thay đổi một chút về mặt hình thức, còn về bản chất, vấn đề cốt lõi của giáo dục thì chưa thấy”.

Tùng Dương