Nhân cách và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến một số kẻ ở Trung Nam Hải khiếp sợ nên mới tìm cách bôi nhọ? Ảnh: The New York Times. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/6 tiếp tục luận điệu chống phá Việt Nam quyết liệt hòng mưu đồ hỗ trợ âm mưu bành trướng của Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ bôi nhọ Việt Nam mà còn xấc xược xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những tâm hồn biểu tượng thiêng liêng của người Việt khi giật tít hỗn láo: "Năm 1975 Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa, Trung Quốc".
Thực tế là Thời báo Hoàn Cầu xuất bản lại bài bình luận xuyên tạc bôi nhọ Việt Nam có tiêu đề xấc xược không kém: "Việt Nam lật mặt: Năm 1956 Thủ tướng Việt Nam từng thừa nhận các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc" do tờ Nhân Dân nhật báo và chính Thời báo Hoàn Cầu đã xuất bản ngày 18/7/2011.
Bài báo của Tôn Lực Chu, một học giả Trung Quốc cổ súy cho tham vọng bành trướng bá quyền ở Biển Đông đã dùng những lời lẽ rác rưởi thậm tệ để mạt sát Việt Nam, bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đánh tráo các khái niệm pháp ly hòng bôi nhọ Việt Nam
Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc rêu rao rằng: "Trước năm 1974, bất luận là các cuộc họp, tuyên bố của chính phủ Việt Nam hay sách báo, bản đồ do nhà nước Việt Nam xuất bản đều thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng sau đó Việt Nam trở mặt, không chỉ xuất quân xâm chiếm Trường Sa mà còn tìm mọi cách ngụy biện cho sự thay đổi thái độ của mình".
Ngay câu đầu tiên, học giả và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố tình bóp méo các khái niệm pháp lý cơ bản hòng lập lờ đánh lận con đen.
Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: "Lập luận này của phía Trung Quốc hoàn toàn vô giá trị trước ánh sáng công pháp quốc tế vì họ cố tình đánh tráo các khái niệm pháp lý cơ bản.
Thứ nhất, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực. Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo của Việt Nam nằm giữa Biển Đông mà phạm vi của chúng đã được xác định trong các tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Ảnh chụp màn hình bài báo xấc xược của Thời báo Hoàn Cầu xúc phạm danh dự Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bôi nhọ Việt Nam. |
Thứ hai, theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên đặt bút ký, Cộng hòa Pháp trước đó đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã bàn giao hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền cho các chính thể ở niềm Nam Việt Nam: Đầu tiên là Quốc gia Việt Nam và kế đó là Việt Nam Cộng hòa.
Các chính thể này đã tiếp quản và thực hiện nhiệm vụ quản lý phần lãnh thổ phía Nam Việt Nam, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cả trên phương diện pháp lý và thực tế, Việt Nam Cộng hòa đã thực thi đầy đủ chủ quyền hòa bình, hợp pháp, liên tục đối với 2 quần đảo này, kịp thời và liên tục lên tiếng phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính thể có thể khác nhau, nhưng Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã thực thi đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục kể từ khi Cộng hòa Pháp bàn giao năm 1954.
Trong giai đoạn 1954 – 1976, trước khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, thì các chính thể: Quốc gia Việt nam, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa niềm Nam Việt Nam là những chủ thể kế tục nhau, đại diện cho Nhà nước Việt Nam, Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam thực thi sứ mệnh bảo vệ chủ quyền đối với với quần đảo này theo đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý của Công pháp quốc tế hiện hành.
Bởi vậy, mọi tuyên bố hay phát ngôn của cá nhân, tổ chức nào về Hoàng Sa, Trường Sa giai đoạn này không phải do các chính thể nói trên đưa ra đều vô giá trị trước Công pháp quốc tế. Giai đoạn này ngoài các chính thể nói trên ra, không tổ chức, cá nhân nào có quyền phát ngôn về Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước sự tấn công xâm lược của lính Trung Quốc năm 1974, các quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu anh dũng, đổ máu hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, dù không giữ được đảo trước sức mạnh bành trướng xâm lược, nhưng sự thực lịch sử đó không thể thay đổi được!"
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Trung Quốc đã không ngừng tìm mọi cách “đổi trắng thay đen”, với rất nhiều thủ thuật, thủ pháp hết sức tinh vi, xảo quyệt, điển hình là lập luận này trên Thời báo Hoàn Cầu : "Năm 1933, Đan Mạch và Na Uy kiện nhau ra tòa về chủ quyền đối với đảo Greenland, cuối cùng Đan Mạch thắng kiện. Một trong những lý do để tòa án quốc tế đưa ra phán quyến này là vì năm 1919 Ngoại trưởng Na Uy Nils Claus đã nói với Công sứ Đan Mạch rằng, Na Uy không phản đối yêu sách chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland. Vụ kiện này đã trở thành án lệ của nguyên tắc "trước sau như một".
Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam vài chục năm qua cũng tương tự: Trước năm 1974, các tuyên bố, sách báo, bản đồ do Việt Nam phát hành bao gồm cả công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Nhưng sau đó Việt Nam lại lật mặt, không chỉ cất quân đánh chiếm Trường Sa mà còn ngụy biện cho sự thay đổi thái độ của mình?!"
Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định: "Trung Quốc đã cố tình lý giải sai nguyên tắc pháp lý quốc tế, nguyên tắc 'tiền hậu bất nhất'. Bởi vì, vấn đề là cần phải hiểu và xác định chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong thời kỳ này là ai?
Câu trả lời duy nhất đúng là: Dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế, đó là các chính thể: Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, tiếp đến là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của Hiệp định Geneva 1954. Vì vậy, lập luận về nguyên tắc "trước sau như một" của ông Tôn Lực Chu hay Thời báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo là đã bỏ qua yếu tố quan trọng này và vì vậy, nó hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Phải chăng đây là sự thiếu hụt về kiến thức pháp lý hay là chủ tâm trong việc cố tình đánh tráo khái niệm về chủ thể trong quan hệ quốc tế theo Công pháp quốc tế?" Tiến sĩ Trần Công Trục bình luận.
Thời báo Hoàn Cầu xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thới báo Hoàn Cầu đã xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết rằng: "Tháng 1/1974, hải quân Trung Quốc đánh nhau với hải quân Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa), sau đó bức hải quân Nam Việt phải rời khỏi Hoàng Sa. Bắt đầu từ lúc này, lập trường của Bắc Việt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) bắt đầu thay đổi rõ rệt, tranh chấp biển đảo giữa 2 nước bắt đầu từ đây."
Tháng 4/1975 khi chiến tranh thống nhất đất nước Việt Nam sắp bước vào hồi kết, lãnh đạo Bắc Việt (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp nhanh chóng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa. Từ đầu năm 1975 Bộ Tư lệnh Hải quân Bắc Việt đã tiến hành các công tác chuẩn bị đánh chiếm (tiếp quản) các đảo ở Biển Đông và vịnh Thái Lan.
Ngày 4/4/1975 (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp đã gửi quân lệnh đặc biệt cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu nắm chắc thời cơ lên kế hoạch tác chiến, thời cơ đến lập tức chiếm (tiếp quản) Trường Sa. Ngày 13/4 (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp chỉ thị, quân đội Nam Việt rút khỏi đảo nào, Bắc Việt chiếm (tiếp quản) đảo đó lập tức".
Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích: "Không cần phải bình luận nhiều đối với luận điệu xuyên tạc này, chỉ cần nhìn hình ảnh người chiến sỹ quân Giải phóng niềm Nam Việt Nam kéo lá cờ hai màu xanh đỏ rất nổi tiếng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên quần đảo Trường Sa khi được lệnh ra tiếp quản quần đảo này vào đầu năm 1975 thì cũng đã thấy rõ tính chất hợp pháp của sự tiếp quản này.
Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được trang trọng kéo lên tại Trường Sa khi tiếp quản. |
Dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế, vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lực lượng quân giải phóng của Chính phủ này mới có đủ tư cách để tiếp quản quần đảo này.
Ông Trục cho biết: "Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân Giai phóng nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 05 tháng 06 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02 tháng 07 năm 1976, tai kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa."