Hãng truyền hình lớn của Mỹ CNBC đã dành cho Chủ tịch tập đoàn Vinamilk Mai Kiều Liên những danh hiệu vô cùng cao quý như "nữ hoàng ngành sữa" hay "Margaret Thatcher của Việt Nam" vì những ảnh hưởng của bà đối với ngành công nghiệp sữa cũng như sự thay đổi về thói quen ăn uống của người Việt trong một bài viết đăng tải ngày 17/6.
Bà Mai Kiều Liên trong cuộc phỏng vấn với CNBC. |
Theo CNBC, nhà máy của Vinamilk tại Việt Nam sản xuất 400 triệu lít sữa hàng năm, một con số vẫn còn khiêm tốn đối với 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xem xét lịch sử của nó, có thấy Vinamilk đã góp phần làm thay đổi đáng kể thói quen ăn uống của người Việt, đặc biệt là trong 10 năm gần đây.
Theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu Euromonitor (Anh), trung bình lượng sữa tiêu thụ mỗi năm của một người dân Việt Nam trong năm 1990 chỉ có nửa lít sữa. Ngày nay, con số này đã tăng gấp 36 lần, đạt trung bình 18 lít.
Sự thay đổi nhanh chóng như vậy được thúc đẩy phần lớn bởi Vinamilk, công ty lớn thứ hai Việt Nam về vốn hóa thị trường, CNBC đánh giá.
Trong mỗi bước tiến thành công của Vinamilk là sự đóng góp không nhỏ của bà Mai Kiều Liên - Giám đốc điều hành và cũng là Chủ tịch của công ty. Chính sự đóng góp to lớn đó khiến mọi người đặt cho bà danh hiệu "Nữ hoàng ngành sữa" hay "Margaret Thatcher của Việt Nam".
"Tôi không dám so sánh bản thân mình với bà Thatcher", nữ giám đốc 61 tuổi cười khiêm tốn cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC: "Nhưng trong ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, tôi đã thực hiện nhiều quyết định góp phần giúp Vinamilk đạt được thành công trong ngành sữa như hôm nay".
Gia nhập Vinamilk từ 40 trước, bà Liên luôn giám sát chặt chẽ gần như mọi khí cạnh của công ty và từng bước đưa công ty lên những nấc thang mới.
Với lợi nhuận trước thuế trong năm 2014 đạt 359 triệu USD và chiếm hơn 50% thị trường sữa trong nước, hãng chuyên nghiên cứu thị trường Nielsen đã đánh giá Vinamilk là một trong những thương hiệu nổi bật nhất Việt Nam.
Để vượt qua những khó khăn của thời hậu chiến và trở thành thương hiệu quen thuộc của mọi nhà như hiện nay, bà Liên từng phải tiết kiệm từng đồng để có ngoại tệ dùng nhập khẩu nguyên vật liệu cần thiết vận hành nhà máy, dù trong thời gian đó nhà máy chỉ hoạt động có 4% công suất, bà Liên tâm sự với CNBC./.