Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT)- Bộ Công thương cho biết trong thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự bất bình và phàn nàn về dịch vụ ngân hàng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, thời gian gần đây, người tiêu dùng phàn nàn và phản ánh nhiều về việc thu phí sử dụng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) một cách vô lý, không thể rút tiền tại các điểm giao dịch tự động của ngân hàng, bị thu phí mà không hề được thông báo khi sử dụng dịch vụ ngân hàng (NH) điện tử…
Tuy nhiên, theo Cục QLCT, xem xét về mặt hình thức một số hợp đồng mẫu do ngân hàng phát hành có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm chưa phù hợp.
Ảnh minh họa. |
Chẳng hạn như cỡ chữ in trên hợp đồng rất nhỏ so với quy định (cỡ chữ tối thiểu là 12), trình bày chữ dày đặc gây tức mắt, khó đọc. Thêm nữa, nền giấy và màu mực trên hợp đồng có khi không tương phản nhau càng hạn chế sự tập trung để ý câu chữ trong hợp đồng của người đọc.
Ngoài ra, nhiều hợp đồng còn sử dụng hàng loạt các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài mà không giải thích, viết tắt khiến người đọc khó luận giải và trình bày rườm rà, khó hiểu khiến người đọc không hiểu rõ, hiểu đúng và không đủ kiên nhẫn đọc hết hợp đồng. Người tiêu dùng chỉ có một lựa chọn hoặc là đồng ý ký hợp đồng để tham gia sử dụng dịch vụ của ngân hàng hoặc không đồng ý ký thì thôi.
Dưới góc độ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng chính là người tiêu dùng tham gia giao dịch và sử dụng các dịch vụ của NH thông qua việc ký kết hợp đồng như một giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, khi NH giao kết với người tiêu dùng về việc sử dụng các giao dịch và các dịch vụ của NH đều thể hiện dưới dạng hợp đồng mẫu và/hoặc điều kiện giao dịch chung. Xuất phát từ điều này, những cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng cần kiểm soát, tiếp nhận để giải quyết những khiếu nại của người tiêu dùng khi họ luôn luôn bị lép vế trước những yêu sách và cách hành xử của ngân hàng khi tham gia giao kết với người tiêu dùng.
Trước thực tiễn nói trên, Cục QLCT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thống nhất chủ trương cần phải hỗ trợ về mặt pháp lý và tăng cường sự giám sát việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng của các ngân hàng trên toàn quốc.
Cùng với đó cũng là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp tăng cường sự tuân thủ pháp luật và hướng tới sự minh bạch, tiệm cận với các quy định quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.