Mía đường trong nước: Bảo hộ nhưng yếu kém
Tại hội thảo về giải pháp phát triển ngành mía đường diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, mía đường là một trong những ngành được nhà nước bảo hộ cao nhất khi Việt Nam tham gia các đàm phán thương mại tự do với các nước trên thế giới.
Dẫn chứng cụ thể Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2015, hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu chỉ khoảng 81.000 tấn, chỉ chiếm 6% tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.
Thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch là 25% đối với đường thô và 40% đối với đường trắng; trong khi đó, thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan là từ 80-100%. Bên cạnh đó, ngành đường còn được bảo hộ bằng các hàng rào kỹ thuật khác.
Tuy nhiên, theo cam kết mở cửa trong Asean, đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải hoàn toàn xóa bỏ hạn ngạch thuế quan từ Asean và thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 80% xuống còn 5%.
Như vậy sau năm 2018 nếu giá đường nhập khẩu giảm tương ứng với mức giảm thuế nhập khẩu thì mía đường trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Được bảo hộ nhưng những yếu kém trong sản xuất, chế biến và phân phối khiến ngành mía đường Việt Nam đang tụt lùi so với các nước trong khu vực (ảnh minh họa - nguồn Chinhphu.vn) |
Ngành mía đường Việt Nam khó cạnh tranh do năng suất thấp, sản xuất manh mún và giá thành cao.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 42 nhà máy đường đang hoạt động. Niên vụ 2014 – 2015, tổng diện tích mía nguyên liệu cả nước đạt khoảng 305.000ha (giảm 4.000 ha) so với niên vụ trước.
Năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 tấn/ha. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn tương đương niên vụ trước. Sản lượng mía được ép để chế biến đường khoảng 16 triệu tấn mía, sản xuất được 1.590.470 tấn đường trong đó đường luyện là 530.000 tấn.
Trong khi đó theo Cục Chế biến (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay năng xuất ngành mía đường Việt Nam quá thấp chỉ khoảng 65 tấn mía đường/ha. Thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan 78 tấn mía đường/ha, Trung Quốc 75 tấn mía đường/ha.
Năng xuất thấp nhưng giá mía nguyên liệu của Việt Nam cao dẫn đến giá đường thành phẩm cao. Cụ thể, giá mía của Việt Nam các vụ trước khoảng từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, vụ 2014/2015 giảm xuống 850.000-900.000 đồng/tấn. Trong khi giá mua mía của Thái Lan giao động trong khoảng 600.000 đồng – 700.000 đồng/tấn.
Giá cao những chất lượng mía đường của Việt Nam lại mức thấp. Trữ lượng đường (CCS) trong mía Việt Nam thấp chỉ từ 9 -10 CCS, ở Thái Lan trung bình 11 CCS.
Bên cạnh đó bất cập ngành mía đường trong nước là chênh lệch giữa giá bán lẻ đường so với giá bán buôn của các nhà máy. chênh lệch quá lớn, có lúc lên tới hơn 50% nhưng chưa có cơ chế kiểm soát.
Mảng sáng đối lập của Hoàng Anh Gia Lai
Trong bức tranh ảm đạm của ngành mía đường Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp giải được bài toán nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành.
Dù không trồng mía và sản xuất đường tại Việt Nam, cũng không nhận được những chính sách ưu đãi khi tham gia sản xuất mía đường tại Lào như doanh nghiệp mía đường trong nước, tuy nhiên bằng năng động, chủ động... Hoàng Anh Gia Lai đã giải quyết được một loạt vấn đề yếu kém đang tồn tại trong ngành mía đường Việt Nam.
Về năng suất, Hoàng Anh Gia Lai đã đạt nâng xuất mía đường trồng tại Lào lên 120 tấn/ha gần gấp đôi so với năng xuất trung bình của mía đường trong nước. Năng suất cao do doanh nghiệp này đã đầu tư giống mía mới và quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với diện tích lớn.
Trong khi doanh nghiệp mía đường trong nước chủ yếu thu mua nguyên liệu mía từ người dân, chất lượng mía không đồng đều. Giữa doanh nghiệp và người dân trồng mía thiếu sự liên kết dẫn đến trồng mía tự phát giá cao thi nhau trồng mía, giá mía thấp lại chặt bỏ.
Bên cạnh giống, vùng nguyên liệu Hoàng Anh Gia Lai thành công trong ngành mía đường do áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng về chế biến mía đường. Hiện chưa biết trữ lượng đường trong cây mía của Hoàng Anh Gia Lai trồng tại Lào là bao nhiêu. Tuy nhiên điểm sáng trong cạnh tranh giữa đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất so với đường trong nước là giá thành.
Năm 2013, giá đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào chỉ vào khoảng 4,4 triệu đồng/tấn trong khi mức trung bình của Việt Nam là 12 triệu đồng/tấn.
Chính do giá thành thấp vì thế khi Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào (đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào) về Việt Nam, doanh nghiệp mía đường và Hiệp hội mía đường trong nước đã có phản ứng. Tuy nhiên doanh nghiệp mía đường cần phải thấy rõ muốn phát triển ngành mía đường Việt Nam phải cạnh tranh với doanh nghiệp mía đường các nước chứ không phải chỉ có đường Hoàng Anh Gia Lai.
Được biết Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008, trong đó ngành mía đường được doanh nghiệp đầu tư muộn hơn. Tuy nhiên lợi nhuận mang lại từ mía đường cho Tập đoàn này không hề nhỏ.
Riêng năm 2013, mía đường đã trở thành “cứu cánh” cho Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 của HAG đạt 950 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2012. Trong đó, ngành mía đường đóng vai trò cứu cánh khi mang về doanh thu 838 tỷ đồng và khoản lãi gộp 552 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng.
Tới quý 1/2014, mía đường tiếp tục hái trái ngọt cho Hoàng Anh Gia Lai. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Hoàng Anh Gia Lai đạt 924,84 tỷ đồng, tăng 202,54 tỷ đồng, tương ứng 28,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn này. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ mía đường đạt 492,29 tỷ đồng, tăng 161,57 tỷ đồng, tương ứng 48,85% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 50,06% tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai trong Quý 1/2014.