Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho biết doanh nghiệp này vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai xin chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cỏ sang trồng trái cây ăn quả và xây nhà máy ép trái cây.
Cụ thể, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho Công ty Bò sữa Tây Nguyên được chuyển đổi 195,8 ha đất tại huyện Ia Grai do tỉnh cho thuê tại quyết định số 73 năm 2015.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chuyển hướng sang trồng cây ăn quả, xây dựng nhà máy ép nước trái cây - ảnh nguồn Hoàng Anh Gia Lai. |
Công ty Chăn nuôi Gia Lai được chuyển đổi 488,8 ha tại huyện Mang Yang được tỉnh cho thuê tại quyết định số 79 năm 2015.
Theo đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp xin chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trên sang trồng cây ăn quả và xây dựng nhà máy nước ép trái cây.
Trước đề nghị của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngày 25/5/2016 UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn đồng ý chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp.
Hiện đại diện Hoàng Anh Gia Lai chưa tiết lộ kế hoạch kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên có thể thấy từ năm 2014, cùng với đối tác là Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng hệ thống trang trại bò sữa và cho ra mắt sản phẩm sữa tươi Nutifood.
Do đó với việc triển khai thêm dự án trồng cây ăn trái để làm nước ép, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không giấu tham vọng tấn công thị trường nước ép trái cây, nước ép trái cây có chứa sữa.
Đánh giá động thái chuyển hướng kinh doanh trên của Hoàng Anh Gia Lai, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, thị trường nước giải khát nước ép trái cây hay thực phẩm dinh dưỡng như sữa trái cây còn rất lớn. Nếu Hoàng Anh Gia Lai kết hợp với đối tác cho ra những sản phẩm sữa trái cây mang thương hiệu Nutifood tin chắc sẽ thành công.
Dù hiện nay thị trường sữa nói chung và nước ép trái cây có sữa đang dưới sự thống trị của Vinamilk tuy nhiên nếu khẳng định chất lượng và tìm thị trường ngách thích hợp, không khó để doanh nghiệp khác chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông Phú với đặc điểm thời tiết tại Việt Nam nắng nóng, nhu cầu sử dụng sữa trái cây, nước ép trái cây rất lớn. Ngay tại hệ thống các siêu thị Hà Nội, sản phẩm nước giải khát trái cây, sữa trái cây được giới thiệu trên nhiều kệ hàng tuy nhiên không nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông Phú, trong tương lai không riêng gì sản phẩm nước ép trái cây của Hoàng Anh Gia Lai mà bất kỳ sản phẩm nào mới trên thị trường đảm biêu tiêu chí chất lượng, an toàn sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Kế hoạch đầu tư chuyển hướng trồng cây ăn quả và xây dựng nhà máy ép trái cây của Hoàng Anh Gia Lai diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang từng bước phục hồi vượt qua khó khăn.
Sau khi Ngân hàng nhà nước chấp nhận phương án tái cơ cấu nợ do các ngân hàng là chủ nợ của Tập Hoàng Anh Gia Lai kiến nghị, cổ phiếu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) liên tục tăng giá trên thị trường chứng khoán, tạo hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp trên thị trường.
Bên cạnh nguồn thu từ chăn nuôi bò, với việc giá mủ cao su trên thị trường đang có dấu hiệu hồi phục tăng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang chuẩn bị bước vào vụ khai thác mủ cao su bắt đầu từ cuối tháng 5.
Nguồn lợi từ khai thác và chế biến mủ cao su cũng được được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho Hoàng Anh Gia Lai, giúp doanh nghiệp tái cơ cấu và trả nợ.