Ngày 7/1, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại (Ocean Group) có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố thông tin về việc phong tỏa tài khoản của Ocean Group tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).
Trước đó, ngày 31/12 Ocean Bank nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị phong tỏa tài khoản của Tập đoàn Đại Dương. Đến 5/1, ngân hàng đã có văn bản gửi tới tập đoàn để thông báo các tài khoản sẽ bị phong tỏa.
Việc giải tỏa tài sản của Tập đoàn Đại Dương tại Ocean Bank sẽ chỉ diễn ra khi có công văn giải tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Ngay thời điểm có thông tin Tập đoàn Đại Dương bị phong tỏa tài sản, theo báo Người Lao động giá cổ phiếu niêm yết của Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC) đã giảm hết biên độ (-400 đồng/cổ phiếu) xuống kịch sàn 6.700 đồng/cổ phiếu. Dư mua hoàn toàn trống, trong khi lượng dư bán giá sàn lên tới gần 15 triệu cổ phiếu. Theo ghi nhận, chỉ có 100 cổ phiếu của Ocean Group được khớp lệnh trong suốt buổi sáng.
Tập đoàn Đại Dương bị phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng Đại Dương ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư (ảnh nguồn Internet). |
Nói cách khác, nhà đầu tư đang có xu hướng bán rầm rộ cổ phiếu của Tập đoàn Đại Dương do lo ngại giá sẽ tiếp tục giảm trong các phiên giao dịch sau.
Trước biến động của thị trường, nhiều chuyên gia tài chính-kinh tế lo ngại nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tập đoàn Đại Dương.
PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế Trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc phong tỏa tài sản của Tập đoàn Đại Dương là việc làm cần thiết sau khi cơ quan điều tra phát hiện những sai phạm của ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này.
“Tác động sau thông tin Tập đoàn Đại Dương bị phong tỏa đã thể hiện ngay trên thị trường chứng khoán khi mã cổ phiếu niêm yết của tập đoàn này giảm sâu. Giá trị của Ocean Group trên thị trường giảm xuống, việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Phân tích sâu hơn, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết, bị phong tỏa tài sản đồng nghĩa với việc Tập đoàn Đại Dương mất đi nguồn tài chính. Để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, Tập đoàn Đại Dương phải mở tài khoản ngân hàng khác, tuy nhiên việc này không dễ nhất là trong quá trình cơ quan công an đang tiến hành điều tra những sai phạm của người đứng đầu tập đoàn.
Về lo ngại việc bị phong tỏa tài khoản, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến chế độ lương thưởng của cán bộ nhân viên trong tập đoàn này… tuy nhiên ông Bình cho biết, dù một doanh nghiệp có nguy cơ phá sản thì mọi chế độ cho người lao động vẫn phải thực hiện đúng quy định của nhà nước. Trong trường hợp của Tập đoàn Đại Dương, người lao động, cán bộ nhân viên đang làm việc tại Ocean Group sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách Công cho rằng, yêu cầu phong tỏa tài sản của Tập đoàn Đại Dương tại Ngân hàng Đại Dương việc làm tất yếu nhằm giữ lại tài sản phục vụ công tác điều tra.
“Việc phong tỏa tài sản của Tập đoàn Đại Dương tại Ocean Bank còn có ý nghĩa chống sở hữu chéo vốn tồn tại từ lâu”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nói.
Tuy nhiên, nếu việc phong tỏa tài sản kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Thứ nhất với nhà đầu tư ngắn hạn, họ sẽ cố mua và bán thật nhanh để thu lợi, không dám giữ cổ phiếu quá lâu. Thứ hai với nhà đầu tư chính nắm cổ phiếu lớn của Ocean Group sẽ rất khó để thoát khỏi những khó khăn, mọi thứ chỉ được giải quyết khi mọi việc được làm sáng tỏ.
Trong Báo cáo hợp nhất quý III/2014 của tập đoàn Đại Dương cho thấy, tính đến ngày 30/9/2014, Ocean Group có khoản tiền gửi hơn 407 tỷ đồng tại Ocean Bank, trên tổng cộng 550 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Ocean Group cũng vay ngân hàng này gần 655 tỷ đồng, chiếm 22% tổng các khoản vay nợ ngắn và dài hạn. Ocean Group hiện là một trong những cổ đông lớn của OceanBank với tỷ lệ sở hữu 20%.