BIDV dẫn đầu tỷ lệ bán nợ xấu cho VAMC

02/05/2015 10:22
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - BIDV đã bán 6.166 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) năm 2014 và năm nay dự kiến sẽ bán thêm 8.000 tỉ đồng.

Theo đó tại Đại hội cổ đông Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Chủ tịch HĐQT BIDV ông Trần Bắc Hà cho biết, tính riêng năm 2014 BIDV đã bán 6.166 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Năm 2015 BIDV dự kiến sẽ bán thêm 8.000 tỉ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, BIDV là ngân hàng thương mại bán nợ xấu nhiều nhất cho VAMC trong năm 2015. Đồng thời BIDV cũng là ngân hàng đăng ký sẽ bán thêm nợ xấu nhiều nhất trong năm 2015 với 8.000 tỉ đồng. 

Trong khi đó về tỉ lệ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng BIDV cũng là số ít ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu ra tăng thấp với 2,03% ít hơn VietcomBank (2,31%) ABBank (2,75%).

BIDV bán nợ xấu nhiều nhất cho VAMC.
BIDV bán nợ xấu nhiều nhất cho VAMC.

Được biết, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 30/6/2015 các ngân hàng phải bán được tối thiểu là 75% nợ xấu được giao và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%. Các khoản nợ xấu được xử lý bằng thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp... được trừ vào số nợ ấn định bán cho VAMC.

Theo báo cáo của BIDV, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đến 31/12/2014 là 463.567 tỉ đồng và nợ xấu là 2,03% tổng dư nợ, giảm so với một năm trước đó (năm 2013 là 2,37%).

Năm 2015 BIDV phấn đấu nợ xấu ở mức 2,5%.

Trích lập dự phòng đến tháng 12/2014 của BIDV là 8.497 tỉ đồng. Năm 2015 BIDV tiếp tục trích lập dự phòng 8.100 tỉ đồng. Hết quí 1/2015, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của BIDV là 4,3%. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh thích hợp sau khi MHB sáp nhập vào BIDV.

Tỷ lệ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng (nguồn BIZE)
Tỷ lệ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng (nguồn BIZE)

Trong một diễn biến khác về việc BIDV sáp nhập MHB vào BIDV, đại diện BIDV cho biết hai bên chính thức công bố sáp nhập hoàn tất dự kiến vào ngày 25/5 tới. Khi đó BIDV sẽ cộng thêm các chỉ số tài chính của MHB.

So với BIDV, quy mô của MHB khá nhỏ. Tổng tài sản của BIDV là 650.000 tỉ đồng, còn MHB khoảng 40.000 tỉ đồng. MHB ở thời điểm 31-12-2014 có tỷ lệ nợ xấu 2,71% (năm 2013 là 2,65%) tương đương 812 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ dự phòng của MHB tương đối thấp so với bình quân ngành, tại 31-12-2013 tỷ lệ này chỉ là 44%, và 31/12/2014 là 42%.

Nguyên tắc sáp nhập sẽ là “giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1.” Hội đồng quản trị BIDV dự kiến, việc sáp nhập sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh, cũng như những biến động trước, trong và sau khi sáp nhập.

MHB là ngân hàng mạnh trong cho vay nông nghiệp đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long, MHB nằm trong 10 ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vì vậy việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp mở rộng mạng lưới khách hàng mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời nâng cao vị trí của BIDV trong danh sách những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam.


Mai Anh (Tổng hợp)