BIDV tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam - Chung tay kiến tạo Kinh tế Xanh”

10/07/2023 11:02
Hồ Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại Hội thảo, Lãnh đạo BIDV cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững.

Hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 8/7/2023, là diễn đàn để các chuyên gia, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp, thảo luận, chia sẻ thông tin về mục tiêu phát triển nền tài chính xanh, kinh tế xanh bền vững, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu…

Tham dự hội thảo có ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; về phía BIDV có các ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Lê Ngọc Lâm - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc.

Hội thảo còn có sự tham dự của các diễn giả đến từ Deloitte; cùng sự hiện diện của các Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Theo báo cáo tại Hội thảo, thế giới đang bước vào một thời kỳ mới, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng phát triển của nhiều quốc gia.

Trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp.

Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.

Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050; các Bộ, ngành liên quan tại Việt Nam đều đang xây dựng, hoàn thiện chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại hướng tới mục tiêu trên.

Hội thảo cũng đề cập đến Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã ban hành để áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM).

Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu vào các thị trường này sẽ chịu tác động của Cơ chế CBAM nếu không có sự chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải khí nhà kính ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tổ chức tại Pháp cuối tháng 6/2023 vừa qua, các nhà lãnh đạo quốc tế đã đạt nhận thức chung và nhất trí một số nội dung quan trọng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và đổi mới mô hình các ngân hàng phát triển đa phương, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Hội nghị đã đề cập đến những khủng hoảng kép về môi trường, khí hậu toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp bách về việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng xanh và bền vững.

Trước các yêu cầu khắt khe của các thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần nắm bắt cập nhật thông tin, cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để nhanh chóng đáp ứng được xu hướng mới, đạt được lợi thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và sử dụng các nguồn tài chính xanh, bền vững phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú khẳng định, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú khẳng định, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, chia sẻ: “Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia.

Tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV”.

Tại Hội thảo, Lãnh đạo BIDV cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững.

Đồng thời, BIDV sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan; các cơ quan quản lý; tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.

Đại diện các đơn vị, chuyên gia cùng chia sẻ thông tin về xây dựng Kinh tế Xanh cho các doanh nghiệp

Đại diện các đơn vị, chuyên gia cùng chia sẻ thông tin về xây dựng Kinh tế Xanh cho các doanh nghiệp

Tại phiên chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia của Deloitte Singapore và Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin quan trọng về tổng quan về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới; đồng thời, phân tích sâu hơn về bối cảnh thực hành phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, từ đó, chia sẻ về lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 cho các doanh nghiệp.

Nội dung trình bày, thảo luận tại Hội thảo đã góp phần làm rõ tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy xanh, bền vững trong doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển định hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

Từ đó, doanh nghiệp có hướng đi phù hợp nhằm chung tay thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững tại Việt Nam nói riêng, rộng hơn là khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Tính đến cuối năm 2022, BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ lĩnh vực xanh với 1.718 dự án, dư nợ tín dụng/bảo lãnh đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng của BIDV và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế.

BIDV hiện cũng là định chế tài chính trong nước duy nhất ký kết MOU với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó, từ năm 2018, BIDV là ngân hàng trong nước đầu tiên ban hành Khung quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội áp dụng cho các dự án, khách hàng tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đồng thời, khuyến khích các dự án vay vốn từ BIDV thực hiện.

Tháng 2/2023, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố Khung Khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước.

Vào tháng 5/2023, BIDV đã ban hành Quy định Quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 17/2022…

Bằng năng lực, kinh nghiệm sẵn có và luôn được bổ sung, tăng cường; với sự đồng hành của các định chế tài chính phát triển hàng đầu thế giới, BIDV đảm bảo khả năng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế cho các chủ dự án, doanh nghiệp trong hoạt động tài chính bền vững, tài chính xanh.

Hồ Thu