Sự mất cân bằng hệ sinh thái tác động nghiêm trọng tới trái đất
Dựa vào một số nghiên cứu đã thực hiện trên thế giới như ở quần đảo Maldavies, Banglades và một số vùng khác, kết hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam, chúng ta có thể dự báo hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh lên hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, các vùng dọc bờ biển và các hệ sinh thái rừng trong cả nước.
Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Ðịnh.
Biến đổi khí hậu làm nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh minh họa (Internet). |
Khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và hệ thống trồng trọt của nhiều vùng. 36 khu bảo tồn, trong đó có 8 vườn quốc gia, 11 khu dự trữ thiên nhiên sẽ nằm trong khu vực bị ngập.
Hệ sinh thái biển sẽ bị tổn thương. Các rạng san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển quan trọng, là lá chắn chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng, đồng thời mưa nhiều làm cho nước bị ô nhiễm phù sa và có thể cả các hoá chất nông nghiệp từ cửa sông đổ ra.
Các thay đổi diễn ra trong các hệ thống vật lý, hệ sinh học và hệ thống kinh tế xã hội, đe dọa sự phát triển, đe dọa cuộc sống của tất cả các loài, các hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu, với các hệ quả của nó như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy cho sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, trầm trọng hơn, nhất là những hệ sinh thái rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài đang nguy cấp với số lượng cá thể ít, cũng vi thế mà sẽ tăng nguy cơ diệt chủng của động thực vật, làm biến mất các nguồn gen quí hiếm, bệnh dịch mới có thể phát sinh.
Theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) năm 2004 đã trình bày những kết quả nghiên cứu tại sao nhiệt độ trái đất thay đổi đã ảnh hưởng đến khí hậu, các đặc điểm vật lý và diễn thế các đặc điểm đó của trái đất, đến nơi sống của các loài sinh vật và đến sự phát triển kinh tế.
Báo cáo cũng đã đưa ra kết luận là nhiệt độ trái đất trong thế kỷ XX đã tăng lên trung bình 0,6oC làm cho nhiều vùng băng hà, diện tích phủ tuyết, vùng băng vĩnh cửu đã bị tan chảy, dẫn đến mực nước biển dâng lên. Nhiều dấu hiệu đã cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày một sâu, rộng đến các hệ sinh thái.
Vùng phân bố của các loài đó thay đổi: Nhiều loài cây, côn trùng, chim và cá đã chuyển dịch lên phía Bắc và lên các vùng cao hơn; nhiều loài thực vật nở hoa sớm hơn, nhiều loài chim đã bắt đầu mùa di cư sớm hơn, nhiều loài động vật đã vào mùa sinh sản sớm hơn, nhiều loài côn trùng đã xuất hiện sớm hơn ở Bắc bán cầu, san hô bị chết trắng ngày càng nhiều.
Các loài sinh vật muốn phát triển một cách bình thường cần phải có một môi trường sống phù hợp, tương đối ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất đai, thức ăn, nguồn nước... và cộng đồng các loài sinh vật trong nơi sống đó. Chỉ một trong những nhân tố của môi trường sống bị biến đổi, sự phát triển của một loài sinh vật nào đó sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị diệt vong, tùy thuộc vào mức độ biến đổi nhiều hay ít.
Tất cả những hiện tượng đó đều ảnh hưởng đến các loài sinh vật và tài nguyên sinh vật, làm cho nhiều hệ sinh thái bị suy thoái, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế và xã hội, nhất là tại các nước nghèo mà cuộc sống đa số người dân còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Nhiệt độ trái đất tăng/giảm, hay mực nước biển dâng lên có thể ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật, nhưng tác nhân chính của sự Biến đổi khí hậu là sự tích hợp của nhiều nhân tố về môi trường do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu gây ra cùng một lúc, tác động lên sinh vật như: thiếu thức ăn, ô nhiễm nước, bệnh tật và nơi sống không ổn định, bị suy thoái...
Nhiều hướng giải quyết đang được đặt ra
Hậu quả của Biến đổi khí hậu sẽ còn lớn hơn, nặng nề hơn khó có thể lường trước được. Nhưng điều có thể dự báo trước đối với nước ta là mưa sẽ nhiều hơn, lũ lụt, xói mòn, sụt lở đất, lũ quét, cháy rừng, hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn (do rừng bị tàn phá quá nhiều), bão cũng sẽ mạnh hơn.
Gỗ bị khai thác " tận diệt" gây nên mất cân bằng hệ sinh thái. Ảnh minh họa (Internet). |
Ðể phát triển bền vững, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của đất nước và từng vùng, cần phải sớm đặt vấn đề về Biến đổi khí hậu toàn cầu một cách nghiêm túc. Việt Nam đang xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu. Trong xây dựng quy hoạch phát triển, cần chú ý việc làm giảm nhẹ và phòng chống như đã ghi trong Chuơng trình nghị sự 21, nhưng cũng cần quan tâm tới vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu.
Năm 2008 quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành luật đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008. Theo đó, Nhà nước cần sớm tổ chức một cơ quan chuyên trách có đủ năng lực để nghiên cứu về Biến đổi khí hậu toàn cầu và phát triển bền vững, sớm đề xuất những ý kiến xác đáng, khả thi về phát triển kinh tế và xã hội nước ta một cách lâu dài trong bối cảnh Biến đổi khí hậu toàn cầu mới, trong đó cần lưu ý đúng mức đến vấn đề bảo tồn Ða dạng sinh học, vốn tài nguyên quý giá của đất nước, cơ sở của sự phát triển bền vững của đất nước.
Nên rà soát lại những công trình phát triển liên quan đến diện tích rừng hiện có, thúc đẩy mạnh hơn việc bảo vệ rừng và trồng rừng. Vì các loài sinh vật chỉ có thể chống đỡ được với những sự biến đổi về môi trường khi sinh sống trong một hệ sinh thái ổn định. Sử dụng hợp lý đất đai, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, những vấn đề các cấp quản lý chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của nó trong phát triển bền vững, mà còn thiên quá nhiều vào phát triển kinh tế. Cần tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và xóa đói giảm nghèo.
Để góp phần cùng Việt Nam và thế giới đẩy lùi nguy cơ thảm hoạ của biến đổi khí hậu, làm mất cân bằng sinh thái mỗi một cá nhân phải cùng thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm tải tình trạng đó: Không tham gia và không ủng hộ nạn chặt phá rừng. Không săn bắt, không ăn thịt các các loài động vật quý hiếm. Bảo vệ nguồn nước và hãy tiết kiệm nước sinh hoạt. Bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu. Tham gia trồng cây để làm xanh, sạch môi trường sống. Lên án các hành động làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học…