Tại kỳ họp Quốc hội năm nay, vấn đề làm sao để kinh tế tránh sự lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc được các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến thẳng thắn.
Tờ VNE dẫn lời đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới về kinh tế, trong đó, mấu chốt là đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, giá các mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc “rất rẻ mạt”, chỉ bằng một phần mười so với các nước phương Tây nhưng Việt Nam vẫn phải chấp nhận vì hàng rào thuế quan của nhiều nước như Âu Mỹ còn cao. Bởi vậy, nhiệm vụ cần làm là đa dạng hóa đầu ra cho các các nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…. “Đây là việc cần làm, là lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng bỏ trứng vào một giỏ như hiện nay”, ông Lộc kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều biện pháp để không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cũng thẳng thắn cho rằng: "Đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó, cần bộ ngành trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này".
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 25/5, tờ VOV dẫn lời các Đại biểu nêu ý kiến xung quanh nội dung này.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (tỉnh Thái Bình) nhận định: Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc có hai mặt. Việt Nam nhập khẩu một số thiết bị của Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc cũng nhập của chúng ta nguyên liệu. Cho nên, chúng ta phải tổng kết kỹ càng và có chiến lược ngắn hạn, dài hạn, thích ứng tình hình, diễn biến. Ví dụ, hiện nay chúng ta có nhiều vấn đề phải giải quyết trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là khoáng sản, nông sản xuất thô… phải đẩy mạnh chế biến, cải tiến khâu phân phối để gia tăng giá trị, đỡ thiệt cho người dân.
Bên cạnh đó, TS Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại cho rằng: Phải chủ động nguyên liệu vì nếu thiếu sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng xuất khẩu, ảnh hưởng tới uy tín của các DN trong nước. Trong tình hình hiện nay, kịch bản phải hết sức linh hoạt, nhiều tình huống, đặt nền kinh tế trong trạng thái động để có thể chuyển từ tình huống này sang tình huống khác. Nhưng đó là những giải pháp không dễ, do đó, phải lo được ổn định vĩ mô. Mà lo ổn định vĩ mô là phải đảm bảo an ninh lương thực.
"Nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Còn sản xuất trong nước vẫn phát triển bình thường, mình vẫn có thị trường thay thế, tuy nhiên sẽ bị đội giá. Cái tôi lo nhất là nguồn thu ngân sách. Trước tình hình biến động như vậy, tình hình xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, thuế xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp FDI đang bị ngừng hoạt động một số, mình phải lo chi phí hỗ trợ doanh nghiệp FDI, lo chi phí sửa chữa tàu, hỗ trợ cảnh sát biển… Tất cả chi phí đều tăng trong khi nguồn thu rất khó khăn, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa tất cả các khoản chi thì mới đảm bảo được ngân sách", TS Trần Hoàng Ngân nói.
Trong khi đó, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ quan điểm khi cho rằng Quốc hội ra một nghị quyết về tăng cường nội lực để giảm phụ thuộc nước ngoài là rất cần thiết.
"Quan điểm là không có ai giúp mình bằng chính mình, tận dụng sự giúp đỡ từ bên ngoài nhưng quan trọng nhất vẫn là năng lực nội sinh. Biển Đông đang rất nóng nhưng chúng ta đã có những giải pháp vẫn giữ gìn hòa bình mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. Đây là vấn đề khó nhưng ta chắc chắn làm được, mà trước hết và căn bản là phải tăng được nội sinh trên tất cả lĩnh vực. Đó là vấn đề cốt lõi", Đại biểu Bùi Thị An bày tỏ.
Đưa ra quan điểm của mình, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (tỉnh Hải Dương) đề nghị: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm cần có giải pháp chủ động ứng phó với những tình huống xấu, sao cho chúng ta vừa thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tránh lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc, vừa gìn giữ được hòa bình, chủ quyền đất nước. Lúc này cũng là dịp để chúng ta thúc đẩy sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy nội lực để tạo ra sức sản xuất tốt hơn.