Bộ Công thương lên tiếng về giá gas tăng kỷ lục 80.000 đồng/bình

02/12/2013 15:32
Theo TTXVN
(GDVN) - "Cần kiểm soát giá gas trong nước ngay từ khâu phân phối, giảm khâu trung gian, giảm đầu cơ, không để lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng", thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Bắt đầu từ ngày hôm qua 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được các đơn vị cung cấp gas điều chỉnh tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg. Đây là mức tăng rất mạnh khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc.

Theo giải thích của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại buổi họp giao ban trực tuyến tháng 11 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/12, nguyên nhân giá gas trong nước tăng chủ yếu áp lực từ thị trường thế giới.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh gas (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh gas (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh gas (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh gas (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ước tính giá gas trên thị trường thế giới tại thời điểm hiện nay đang chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 274 USD/tấn so với hồi đầu tháng Mười Một. Với mức giá tăng mới này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên 480.000 - 510.000 đồng/bình 12 kg (tùy từng thương hiệu gas), đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.

Trong khi đó, thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,68%, còn lại là nhập khẩu, tính trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 52.160 tấn gas để bù vào nguồn cung thiếu hụt.

Ông Quyền cho hay, mặt hàng khí hóa lỏng (LPG) tuy thuộc danh mục bình ổn, có kê khai giá, đăng ký giá nhưng do thị trường quyết định. Do vậy, khi biến động các thông số đầu vào, doanh nghiệp đầu mối chỉ trình liên bộ Tài chính-Công thương xem xét, nếu đảm bảo đúng quy định thì giá sẽ được điều chỉnh.

"Thuế nhập khẩu mặt hàng này đang ở mức 5% nếu điều chỉnh giảm sẽ hỗ trợ giá tốt hơn cho người tiêu dùng trong thời điểm này," ông Quyền kiến nghị.

Đồng tình với việc giá gas theo diễn biến thị trường, nhưng theo phân tích của thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, việc kiểm soát giá gas trong nước phải xuất phát từ chính khâu phân phối chứ không thể chỉ quản lý với giá đầu vào.

Thứ trưởng cho rằng, hệ thống phân phối gas hiện qua rất nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên rất nhiều, chính vì vậy ngoài yếu tố bất khả kháng là đầu vào tăng, Thứ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước làm việc với Bộ Tài chính và Cục Quản lý thị trường kiểm soát chặt giá phân phối đảm bảo mức giá hợp lý đến tay người tiêu dùng.

"Cần kiểm soát giá gas trong nước ngay từ khâu phân phối, giảm khâu trung gian, giảm đầu cơ, không để lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng", thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.
Theo TTXVN