Bộ Tài chính chỉ rõ Bamboo Airways lỗ trên 329 tỷ đồng

14/08/2019 15:48
Vũ Phương
(GDVN) - Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt vấn đề tài chính của Hàng không Tre Việt, bởi vậy đề nghị tăng số tàu bay gấp 3 lần cần phải rà soát lại.

Trong văn bản trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc góp ý hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án của hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Bộ Tài chính đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần rà soát, thẩm định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải hàng không theo quy mô tăng thêm của Bamboo Airways để phù hợp với quy định Việt Nam và quốc tế.

Văn bản trả lời của Bộ Tài chính cũng cho thấy, dự án vận tải Hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 9/7/2018 với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, quy mô khai thác đến năm 2023 là 10 máy bay.

Nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt hoạt động theo Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 01/2018/GPKDVCHK được Bộ Giao thông vận tải cấp ngày 12/11/2018.

Bãi bỏ, thu hồi hai giấy phép đầu tư của Tập đoàn FLC
Bãi bỏ, thu hồi hai giấy phép đầu tư của Tập đoàn FLC

Chính thức cất cánh từ ngày 16/1/2019, Hàng không Tre Việt là công ty con thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất tăng quy mô số lượng máy bay cũng như tăng mức đầu tư.

Tính đến giữa năm 2019, hãng bay này đã thực hiện 6.700 chuyến bay tuyệt đối an toàn, vận chuyển gần 0,8 triệu hành khách và nắm giữ 4,2% thị phần.

Không phải chờ đến năm 2023, Bamboo Airways đã gần như đạt mức quy mô 10 tàu bay. Do vậy lần trình hồ sơ điều chỉnh dự án này không có gì bất ngờ.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh quy mô đầu tư đến năm 2019 là 22 máy bay và đến năm 2023 đến trên 30 máy bay và tổng mức đầu tư dự án lên 8.300 tỷ đồng (tăng 7.600 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 11,8 lần) do điều chỉnh phương án kinh doanh của doanh nghiệp theo nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không.

Trong khi đó, theo số liệu tại bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/4/2019, Bamboo Airways có vốn chủ sở hữu là 981,47 tỷ đồng (trong đó: vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là -318,5 tỷ đồng); tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỷ đồng (trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 700,6 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ dài hạn); Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 55,4%; Lợi nhuận sau thuế là -329,4 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến 30/4, tức sau khoảng 3,5 tháng cất cánh, Hãng hàng không Tre Việt lỗ trên 329 tỷ đồng.

Sau hơn 3 tháng cất cánh, Hàng không Tre Việt lỗ trên 329 tỷ đồng vẫn đề xuất điều chỉnh tăng số lượng tàu bay, tổng mức đầu tư. Ảnh: Vũ Phương.
Sau hơn 3 tháng cất cánh, Hàng không Tre Việt lỗ trên 329 tỷ đồng vẫn đề xuất điều chỉnh tăng số lượng tàu bay, tổng mức đầu tư. Ảnh: Vũ Phương. 

Bộ Tài chính chỉ rõ: “Do doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh từ đầu năm 2019, do đó tại thời điểm này chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm như trong thuyết minh điều chỉnh dự án (huy động 7.000 tỷ đồng, chiếm 84,34% tổng mức đầu tư)”.

Về mặt hiệu quả kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng: “Dự án đề xuất điều chỉnh quy mô khai thác (tăng gấp 3 lần số tàu bay) do thay đổi phương án đầu tư kinh doanh chưa có thuyết minh cụ thể tính hiệu quả của dự án, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền trong thời gian doanh thu chưa bù đắp chi phí…”.

Văn bản trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định của Bộ Tài Chính về đề nghị điều chỉnh dự án của Hàng không tre Việt tăng số lượng tàu bay. Ảnh: Chụp văn bản.
Văn bản trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định của Bộ Tài Chính về đề nghị điều chỉnh dự án của Hàng không tre Việt tăng số lượng tàu bay. Ảnh: Chụp văn bản. 

Cũng theo bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/4/2019, Bamboo Airways có vốn góp là 1.300 tỷ; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn lại đạt tới 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản).

Bộ Tài chính đặt vấn đề: “Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai dự án”.

Bộ Tài chính nhận xét: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty FLC phụ thuộc nhiều vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ”.

Văn bản góp ý của Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Do vậy trong trường hợp Công ty FLC (chủ sở hữu của Công ty Tre Việt) cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Công ty Tre Việt phát sinh từ các hợp đồng thuê, mua máy bay (như Nghị quyết của Hội đồng quản trị Công ty FLC đã thực hiện trong năm 2018 để Công ty Tre Việt thuê máy bay) hoặc bất kỳ một nghiệp vụ kinh tế nào làm thay đổi sở hữu của Công ty Tre Việt thì Công ty FLC và Công ty Tre Việt cần thiết phải có báo cáo làm rõ, giải trình về năng lực, khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ có liên quan, cũng như khả năng huy động vốn đầu tư được thuyết minh trong hồ sơ điều chỉnh dự án”. 

Vũ Phương