Bộ Y tế tổ chức họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh

19/09/2019 06:09
Tùng Dương
(GDVN) - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói: Các vấn đề về sức khỏe toàn cầu đang có những thay đổi nhanh chóng. Ngành Y tế đã đặt ra các ưu tiên và chiến lược mới.

Ngày 18/9/2019, tại Quảng Ninh, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh với chủ đề: Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế cơ sở nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế. 

Tham dự cuộc họp nhóm có Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Tiến sĩ Ki Dong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Y tế)

Cùng đại diện các Viện nghiên cứu, Bệnh viện, Trường đại học trực thuộc Bộ Y tế; Đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Đại diện Đại sứ quán Anh , Hoa Kỳ, Cu Ba…; các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF, Ngân hàng thế giới, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế…

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu Khai mạc cuộc họp.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu Khai mạc cuộc họp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Các vấn đề về sức khỏe toàn cầu đang có những thay đổi nhanh chóng.

Ngành Y tế đã đặt ra các ưu tiên và chiến lược mới nhằm ứng phó và tăng cường hệ thống y tế vì sức khỏe con người.

Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã đưa ra 4 ưu tiên quan trọng trong thời gian tới: Thứ nhất là Các bệnh không lây nhiễm,già hóa dân số; Thứ hai là Môi trường, biến đổi khí hậu; Thứ ba là An ninh y tế, Kháng kháng sinh; Thứ tư là Các vấn đề còn tồn tại ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Chính quyền địa phương giữ vai trò trung tâm trong việc tạo dựng môi trường, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân.

Chính quyền địa phương là nơi gần dân và hiểu dân nhất, hiểu các đặc thù mang tính vùng miền của địa phương.

Vì vậy không ai có thể tốt hơn chính quyền địa phương trong việc lập chiến lược và kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Các can thiệp từ cộng đồng dân cư sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt đối với công tác y tế công cộng…”

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào làm rõ vai trò của chính quyền các cấp trong y tế cơ sở, đưa ra các thảo luận cởi mở về thách thức, rào cản từ phía Trung ương, chính quyền địa phương.

Đồng thời đưa ra các giải pháp để chính quyền địa phương có thể quản lý và điều phối tốt công tác y tế cơ sở nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

Tiến sĩ Ki Dong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
Tiến sĩ Ki Dong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. 
Cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh.
Cuộc họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh.

Tại cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trình bày về đổi mới chính sách y tế Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết 20, 21-NQ/TW.

Các đổi mới chính sách y tế được xây dựng dựa trên nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân và hội nhập y tế toàn cầu, nhằm thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tăng cường hệ thống y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu là điều kiện then chốt.

Chính vì vậy, công tác y tế cơ sở là một trong những trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của Ngành Y tế và của toàn xã hội, đúng như tinh thần của Nghị quyết 20 NQ/TW về sự cần thiết xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Bộ Y tế tổ chức họp nhóm đối tác y tế tuyến tỉnh ảnh 4

Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Để phát triển mạng lưới y tế cơ sở bền vững, sự lãnh đạo và tham gia chủ động của chính quyền các cấp, cũng như việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương là điều kiện tiên quyết.

Mục tiêu phát triển bền vững về y tế bao gồm các mục tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em, các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các yêú tố nguy cơ, sức khỏe sinh sản, ô nhiễm và môi trường, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Sự tham gia của chính quyền địa phương từ cơ sở vì vậy là nhân tố quyết định tác động đến việc thực hiện các mục tiêu trên.

Tại cuộc họp nhóm, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đã trình bày Tổng quan thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế của Việt Nam.

Vai trò của Trung ương, chính quyền địa phương và các đối tác trong công tác y tế cơ sở nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế. Đại diện WHO cũng có bài trình bày về Đổi mới Chăm sóc sức khỏe ban đầu và vai trò của chính quyền địa phương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ thực tiễn quản lý và thực hiện y tế cơ sở nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về y tế và thảo luận về các vấn đề như: Làm thế nào và làm gì để chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác y tế cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về y tế.

Khó khăn và rào cản trong việc triển khai công tác y tế cơ sở nhằm thực hiện (SDGs) về y tế tại địa phương (từ góc độ chính sách, các điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực, nguồn lực, phối hợp liên ngành).

Vai trò của địa phương trong việc: lập kế hoạch, phân bổ và huy động nguồn lực, cung ứng các gói dịch vụ, phối hợp liên ngành nhằm tăng cường y tế cơ sở và thực hiện (SDGs) về y tế.

Các ưu tiên và chiến lược của địa phương đối với công tác y tế cơ sở và các (SDGs) về y tế. Làm thế nào để thực hiện hiệu quả các ưu tiên và chiến lược?

Tùng Dương