Tại chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Nhân viên ngành y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Theo đó Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế, đồng thời phát động thực hiện chỉ thị sâu rộng trong toàn ngành.
Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.
Tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng, phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong bệnh viện.
Nhân viên ngành y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị, thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. |
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và trên 300 triệu lượt người khám ngoại trú. Mỗi bệnh nhân thường đi kèm 1-2 người nhà nên lượng rác thải ra rất lớn.
Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tương đương 22 tấn/ngày, trong khi đó, ở một số bệnh viện tuyến trung ương, tỉ lệ nhựa trong chất thải y tế dao động trong khoảng 10% - 45% và tỉ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt là 12% -17%.
Đa số chất thải nhựa là túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thuốc, hóa chất… và bao, túi, chai nhựa sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày thu gom gần 15 tấn rác sinh hoạt, trong đó 5% (tương đương 750 kg) là túi ni-lông, ống hút nhựa, hộp xốp...
Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ở hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc, chất thải nhựa chiếm một số lượng cực lớn mà chỉ cần nhìn vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà là có thể hình dung được.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K kêu gọi các đơn vị thuộc Bệnh viện giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân huỷ để hạn chế rác thải nhựa trong ngành Y tế.
Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế.
Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh.
Các nhân viên y tế tại bệnh viện K với sản phẩm thân thiện môi trường. |
Thay đổi thói quen
Ngành Y tế tăng cường sử sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của bệnh viện.
Ngoài các bệnh viện lớn mà Bộ Y tế đã chỉ đạo trực tiếp phải có kế hoạch rõ ràng để giảm ngay rác thải nhựa (tiến tới không còn rác thải nhựa) thì các bệnh viện lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bệnh viện tại địa phương cũng bắt đầu có kế hoạch triển khai công tác này.
Các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hải Phòng tổ chức treo băng rôn, panô, biểu ngữ, áp phích, khẩu hiệu về phong trào “Chống chất thải nhựa” trong khuôn viên và làm vệ sinh thu gom rác thải trên tuyến đường xung quanh bệnh viện, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
Các trung tâm y tế thành phố, quận, huyện cùng với việc tuyên truyền về lợi ích của phong trào “Chống rác thải nhựa”, còn phối hợp với chính quyền địa phương, chỉ đạo các trạm y tế xã, phường triển khai vận động nhân dân, học sinh tại các trường học tham gia vệ sinh đường phố, ngõ xóm, bảo vệ môi trường và nguồn nước.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 7 bệnh viện đã sử dụng túi giấy phát thuốc cho người bệnh thay túi nhựa, đẩy mạnh nhiều hoạt động ý nghĩa chung tay bảo vệ môi trường như tổ chức chương trình “Giảm rác thải nhựa - Tăng màu sống xanh năm 2019”.
Thạc sĩ Đặng Anh Long - Phó Bí thư Đảng bộ bộ phận bệnh viện cho biết: Ban đầu, người bệnh rất ngạc nhiên khi nhận túi giấy, nhưng từ khi chương trình diễn ra đều đặn, đồng thời nhân viên y tế tích cực tuyên truyền về ý nghĩa bảo vệ môi trường thì mọi người đều hào hứng, ủng hộ bệnh viện thực hiện thay đổi này.
Đây là sân chơi ý nghĩa, bổ ích dành cho nhân viên bệnh viện, cùng chung tay hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức việc tái sử dụng các rác thải nhựa tại chính đơn vị công tác, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mỗi ngày.
Tại Bệnh viện Bình Dân, gần hai tháng nay các nhà thuốc của bệnh viện cũng đã thay thế túi đựng thuốc bằng giấy thay vì túi ni lông như trước đây.
Chị Trần Thị Nhung - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bình Dân, cho biết dùng túi giấy thay cho túi ni lông đựng thuốc được thực hiện tại tất cả 4 quầy thuốc của bệnh viện.
Bên cạnh đó, những chai nước nhỏ tiện lợi phục vụ trong các cuộc họp cũng đều được thay bằng các loại bình nước lớn 20 lít dùng ly thủy tinh, ly giấy…
Các bệnh viện còn tuyên truyền cho bệnh nhân và nhân viên y tế, căn tin trong bệnh viện hạn chế rác thải nhựa.
Nhiều bệnh viện sử dụng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân. |
Bà Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Công đoàn bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “nói không với rác thải nhựa”, bệnh viện đã tuyên truyền, hướng dẫn từ nhân viên đến người bệnh không sử dụng các sản phẩm ly nhựa, hộp nhựa sử dụng một lần, thay vào đó là sử dụng ly sành sứ, ca men, bình đựng nước sử dụng nhiều lần.
Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng tại khoa dược nhiều tháng qua với túi giấy, túi vải là hai hình thức thay đổi mới được ban giám đốc bệnh viện vừa thông qua.
Điều này mang lại sự đổi thay đặc biệt trong bối cảnh thói quen sử dụng túi nilông của người bệnh ngày càng phổ biến.
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một ngày toàn đơn vị thải ra môi trường khoảng 8 tấn rác thải sinh hoạt, trong số này có một phần rất lớn bao nilông, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy.
Và để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa, bệnh viện quyết định không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì, túi nilông (ngoại trừ bao nilông đựng rác theo quy định của Bộ Y tế).
Ngành y tế quyết không đánh trống bỏ dùi, phát động xong rồi để đấy |
Người đứng đầu bệnh viện yêu cầu các lãnh đạo khoa, phòng hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai một lần, các loại ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tổ chức tại đơn vị.
Tại nhà ăn, cửa hàng bách hóa, tiện lợi... trong bệnh viện được khuyến cáo hạn chế cấp phát bao bì, túi nilông cho nhân viên y tế và thân nhân người bệnh.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương, cho biết từ đầu năm nay, từ trước khi Bộ Y tế ra chỉ thị cam kết "nói không với rác thải nhựa", đơn vị đã chủ động tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa.
Cụ thể trong các cuộc họp của ban giám đốc, Đảng ủy từ lâu "không còn bóng dáng" chai nhựa.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, tại một số cơ sở y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa.
Cụ thể, bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động giảm đồ dùng bằng nhựa theo nguyên tắc: Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.
Các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định 4 tháng đầu năm 2019 đã thu gom xử lý hơn 73 tấn chất thải nguy hại, 6,5 tấn chất thải nhựa có thể tái chế. Nhờ tái chế, tái sử dụng túi ni-lông, các bệnh viện ở Bình Định đã giảm được 10.000 túi ni-lông thải ra môi trường.
Trong khi đó, ở các Bệnh viện như Bạch Mai, Nhân dân Gia Định, Hùng Vương không dùng túi ni-lông phát thuốc cho bệnh nhân, sử dụng máy truyền dịch thay thế bơm tiêm tự động dùng một lần.
Nhiều bệnh viện trang bị bình nước uống 20 lít kèm ly giấy phục vụ bệnh nhân; sử dụng khay gỗ, inox cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân và người nhà đi cùng.