Ngày 20/06/2017 tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng BNP Paribas và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) để thu xếp vốn cho dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Tham dự cuộc họp, về phía EVNNPT có lãnh đạo và chuyên viên các ban: Tài chính kế toán, Quan hệ quốc tế, Tổng hợp Hội đồng thành viên, Kế hoạch và Quản lý Đầu tư;
Phía BNP Paribas có ông Charles Lataillade - Giám đốc Tín dụng xuất khẩu khu vực Châu Á Thái Bình và ông Noboru Wantanabe – Giám đốc tín dụng xuất khẩu và tài trợ dự án tại Nhật Bản cùng lãnh đạo và cán bộ chuyên trách thuộc BNP Paribas chi nhánh Hà Nội.
Ngân hàng BNP Paribas là một trong những ngân hàng hàng đầu Châu Á về hoạt động tín dụng xuất khẩu, đã hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1990, tài trợ nhiều dự án phát triển của Việt Nam với tổng vốn tài trợ lên đến hàng tỷ đô la Mỹ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như: điện, dầu khí, xăng dầu, vận tải.
Đối với ngành điện, BNP Paribas đã thu xếp vốn cho một số dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như: Nhà máy thủy điện Sông Tranh, Sông Bung, Lai Châu, Nhiệt điện Duyên Hải...
Trong hợp tác với EVNNPT, BNP Paribas đã thu xếp khoản tín dụng 170 triệu USD theo chương trình bảo hiểm vay vốn nước ngoài không ràng buộc của NEXI, có bảo lãnh của Bộ Tài chính cho dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây - rẽ Tân Uyên.
Hiện tại, các thủ tục thu xếp khoản vay đã được hoàn tất, khoản vay hiện đã giải ngân khoảng 20 triệu USD với thời hạn giải ngân trước ngày 30/11/2018.
BNP Paribas mong muốn tiếp tục hợp tác với EVNNPT. |
Trong cuộc họp lần này, BNP Paribas mong muốn tiếp tục hợp tác với EVNNPT, đặc biệt trong việc thu xếp vốn cho dự án đường dây 500 kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh tân. Dự án này thuộc loại công trình năng lượng đặc biệt nhóm A, dự kiến được khởi công vào Quý 3 năm 2018 với tổng mức đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó 80% chi phí là vốn vay.
Dự án có quy mô lớn với tổng chiều dài đường dây là 172,5 km đi qua 03 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Công trình đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ đảm bảo việc chuyển tải công suất từ Trung tâm Điện lực Vân Phong, TĐ tích năng Bác Ái về trung tâm phụ tải miền Nam (tổng công suất khoảng 1.920 MW) và tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, là cơ sở quan trọng để vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống điện.
Theo đề xuất của BNP Paribas, khoản vay cho dự án này cũng thuộc chương trình bảo hiểm vay vốn nước ngoài không ràng buộc của NEXI, tuy nhiên sẽ không có bảo lãnh của Bộ Tài chính.
Thay vào đó, Vietinbank sẽ đóng vai trò là Ngân hàng vay từ BNP Paribas, cung cấp khoản vay tới bên vay cuối cùng là EVNNPT.
Do có sự khác biệt trong cấu trúc vay và các bên liên quan tới quá trình thu xếp vốn, các điều kiện và điều khoản vay của BNP Paribas cho dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân có phần chặt chẽ hơn so với khoản vay trước đó cho dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây - rẽ Tân Uyên.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nỗ lực vươn lên top đầu Đông Nam Á |
Lý giải cho sự chênh lệch lãi suất và chi phí giữa hai khoản vay, ông Wantanabe nhấn mạnh rằng BNP Paribas sẽ phải phối hợp với nhiều ngân hàng khác tại Nhật Bản để cung cấp khoản vay do rủi ro tăng cao khi thiếu bảo lãnh của Bộ Tài chính.
Sau phần trình bày đề xuất của BNP Paribas, Chủ tịch Đặng Phan Tường đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong quá trình thu xếp khoản vốn 170 triệu USD cho dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây - rẽ Tân Uyên.
Ông cũng hy vọng rằng BNP Paribas và Vietinbank có thể thảo luận thêm để đưa ra các mức chi phí và lãi suất vay cạnh tranh hơn cho EVNNPT, thúc đẩy quá trình thu xếp vốn để đảm bảo dự án 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân có thể khởi công đúng thời hạn dự kiến vào Quý 3 năm 2018.
Chủ tịch EVNNPT – ông Đặng Phan Tường nhấn mạnh, nếu thành công thì khoản vay này sẽ là khoản vay đầu tiên không cần bảo lãnh của Chính phủ trong lịch sử hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đánh dấu hướng đi đúng theo chủ trương giảm nợ công thông qua việc cắt giảm các khoàn vay cần bảo lãnh của Chính Phủ.
Kết thúc buổi làm việc, ông Charles Lataillade khẳng định mong muốn hợp tác với EVNNPT và cam kết sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để giao dịch thành công đối với khoản vay cho dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Khắc phục khó khăn của hệ thống truyển tải điện quốc gia
Trước đó vào ngày 15/6/2017, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT – ông Đặng Phan Tường đã có buổi làm việc với Công ty Lưới điện Quốc tế ELIA của Bỉ (EGI) về tình hình triển khai đề án đang thực hiện tại EVNNPT “Đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện Quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại”.
Đề án “Đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện Quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại” sẽ do nhà thầu EGI thực hiện và hoàn thành trong 8 tháng (từ tháng 4/2017 – 11/2017). Đây là cuộc họp khởi động thực hiện đề án nêu trên.
Đại diện EGI trình bày về kế hoạch triển khai đề án, sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Rà soát các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm liên quan đến truyền tải điện; Việc thực hiện công tác quản lý, vận hành và lập kế hoạch, quy hoạch lưới truyền tải điện, Đánh giá về tài sản và trình độ chuyên môn kỹ thuật hiện có của EVNNPT; Mô hình quản lý và kinh doanh.
EVNNPT hợp tác với Công ty Lưới điện Quốc tế ELIA của Bỉ (EGI) “Đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại”. |
Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận, trao đổi thông tin nhằm giúp nhà thầu EGI hiểu được thực trạng hệ thống truyền tải điện của Việt Nam.
Ông Đặng Phan Tường chia sẻ thẳng thắn những khó khăn, thách thức mà EVNNPT phải đối mặt trong quản lý vận hành lưới truyền tải điện như hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng tiêu chí n-1, đường dây và trạm biến áp luôn trong tình trạng đầy tải và quá tải trong khi tăng trưởng phụ tải cao, luôn ở mức trên 10% , thiết bị trên lưới có tuổi thọ cao và thuộc nhiều chủng loại dẫn đến khó khăn trong bảo dưỡng, cần chi phí lớn để thay thế.
Ngoài việc phải thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư theo Quy hoạch điện 7 sửa đổi, EVNNPT cần thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh, đạt mục tiêu có 60% trạm biến áp không người trực vào năm 2020, áp dụng công nghệ sửa chữa nóng, tính toán lắp đặt thiết bị bù tĩnh công (SVC), hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt (FACTS) hoặc xây dựng các đường dây điện 1 chiều điện áp cao (HVDC)...
Đây là khó khăn, thách thức lớn đối với EVNNPT trong khi đội ngũ cán bộ kỹ thuật cần được đào tạo thêm do ít có cơ hội tiếp cận công nghệ mới và học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các nước tiên tiến.
Với những thông tin EVNNPT đưa ra cùng với kết quả tham vấn các bên liên quan như Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực (ERAV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện (A0), ông Didier Wiot khẳng định EGI sẽ nghiên cứu kỹ để đưa ra đánh giá đúng về thực trạng hệ thống truyền tải điện Việt Nam và đề xuất các giải pháp về trước mắt và lâu dài.
Các vấn đề thuộc phạm vi đề án sẽ được khuyến cáo giải pháp khắc phục, với phân tích cụ thể, một số khác sẽ có đề xuất chung để EVNNPT xem xét hướng giải quyết trong tương lai.
Ông cũng cam kết sẽ chỉ đạo sát sao để chuyên gia EGI nghiêm túc thực hiện đề án, hoàn thành báo cáo cuối cùng vào tháng 11/2017 theo đúng kế hoạch và đạt kết quả tốt nhất.