Theo số liệu thống kê tính đến ngày 6/8, tổng thiệt hại do 2 cơn bão số 1 và số 2 vừa qua gây ra ước tính là trên 6.708 tỷ đồng. Riêng cơn bão số 1 đã làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương, 2.989 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 1.316 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng tại các khu vực cửa sông.
Theo thống kê, đã có 216.194 ha lúa bị ngập; trong đó, có 54.802 ha bị thiệt hại và 17.575 ha mất trắng; rau màu bị hư hại 28.372 ha; 587.402 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 22.744 ha và 302 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 31.594 cột điện bị gãy, nghiêng đổ… ước tổng thiệt hại khoảng 6.442 tỷ đồng.
Lũ trên sông Hồng, đoạn qua TP Lào Cai đang lên cao. Nguồn: Báo Lào Cai. |
Cơn bão số 2 cũng làm 13 người chết, 19 người mất tích gây thiệt hại khoảng 10.226 ha lúa và 1.114 ha hoa màu; 463 con gia súc; 1.733 con gia cầm; 1.027 ha nuôi trồng thủy sản… ước tổng thiệt hại trên 266 tỷ đồng.
Nam Định là 1 trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề sau 2 cơn bão đi qua, ước tổng thiệt hại trên 3.100 tỷ đồng. Hàng nghìn héc ta nuôi trồng thủy sản mất trắng.
Nhiều công trình hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Thái Bình cũng thiệt hại ước tính hơn 2.000 tỷ đồng…
Dù cơn bão đi qua nhưng hậu quả về môi trường và đặc biệt nguy cơ bùng phát bệnh dịch nếu như thiếu biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về đảm bảo an toàn thực phẩm phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, trước thời điểm cơn bão Cục An toàn thực phẩm cũng có công văn 4917 gửi Sở Y tế các tỉnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm động viên gia đình có người bị chết và mất tích trong cơn bão số 2 vừa qua tại tỉnh Lào Cai - ảnh Báo Lào Cai |
Trong công văn Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm sức khỏe cộng đồng Cục An toàn thực phẩm đề nghị sở y tế các tỉnh:
Thứ nhất, trước khi có bão, lũ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.
Đề nghị các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Thứ hai khi bão, lũ xảy ra sở y tế phải yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín.
Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Thứ ba sau khi bão, lũ rút, sở y tế cần chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng. Kết thúc mùa bão, lũ đề nghị đơn vị báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.