Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thay mặt Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về phương án sắp xếp trưởng phòng, phó trưởng phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo đó, nội dung báo cáo cho biết, có 17 trường hợp là Trưởng phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thuộc diện đề xuất luân chuyển, điều động. Trong đó, có 10 cán bộ có thời gian giữ chức vụ từ 10 - 19 năm và 7 cán bộ có thời gian giữ chức vụ từ 5 - 8 năm.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, đây là một phương án kịp thời của thành phố Hà Nội trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là với lĩnh vực y tế.
Vị này cho biết thêm: "Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, nếu một cán bộ quản lý được kinh qua nhiều vị trí khác nhau, tại nhiều đơn vị khác nhau thì chắc chắn họ cũng sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý hơn. Đồng thời, khi trải qua nhiều môi trường họ cũng sẽ phát huy được sở trường, thế mạnh để vận dụng, ứng biến với các tình huống.
Với cơ quan quản lý cấp trên, thông qua những đợt luân chuyển như vậy mới có thể nhìn thấy được thế mạnh của từng người và lựa chọn để gửi gắm họ vào những vị trí, khu vực làm việc khác phù hợp hơn".
Qua đó, nêu lên một số lưu ý với phương thức thực hiện chủ trương này của thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho hay, sau khi thực hiện việc luân chuyển thì cơ quan quản lý, phân công, điều động cần có sự theo dõi chặt chẽ với cán bộ đó.
"Quá trình theo dõi đó phải thấy được, sau khi điều động, luân chuyển thì cán bộ đó làm việc như thế nào, phát huy năng lực ra sao và còn tồn tại những yếu kém gì cần phải khắc phục, hoàn thiện.
Đặc biệt là với những người có năng lực và tư duy nhạy bén, tư tưởng làm việc mang tính cải cách thì cần tạo điều kiện giúp đỡ, rèn luyện để có thể bố trí, cơ cấu người đó vào các vị trí cao hơn", vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ.
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, thời gian làm việc của một số lãnh đạo cấp phòng tại các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội lên đến 19 năm là quá dài, quá lâu. Đó có thể coi là bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và thể hiện sự thiếu linh hoạt trong sắp xếp, điều động cán bộ của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội ở nhiệm kỳ trước.
"Một cán bộ làm lãnh đạo cấp phòng ở một địa phương gần 20 là điều gây nhiều băn khoăn. Đồng thời nó làm mất đi vai trò và mục đích tốt đẹp của chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra những thế hệ lãnh đạo xông pha, dám nghĩ, dám làm", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII đánh giá cao việc rà soát, luân chuyển cán bộ của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Qua đó, ông Lê Như Tiến nhận định, khi một cán bộ làm ở vị trí lãnh đạo tại một cơ quan cấp phòng quá lâu thì có thể họ quá hiểu về địa phương họ quản lý và khi đó chính cán bộ đó cũng không có sự sáng tạo, đổi mới trong công việc, lề lối làm việc.
Đồng thời vị này cho rằng: "Khi cán bộ làm việc trong môi trường như vậy thì khó có thể xuất hiện những tình huống mới, bất ngờ cần đến sự ứng biến, xử trí của chính lãnh đạo đó. Vì thế chính trong tư tưởng những người này cũng xảy ra sự trì trệ, thiếu sự đổi mới, sáng tạo.
Chính vì điều này mà từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã coi việc luân chuyển cán bộ là chủ trương rất quan trọng. Trong đó chúng ta đã nhiều lần thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ từ địa phương ra trung ương và từ trung ương về các địa phương và đã cho thấy tính hiệu quả".
Theo ông Lê Như Tiến, việc luân chuyển, điều động cán bộ là một chủ trương đúng đắn và hợp lý mà không chỉ thành phố Hà Nội mà bất cứ địa phương nào trong cả nước cũng nên nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này cần sự khéo léo, cẩn trọng của đội ngũ làm công tác cán bộ.
"Về thời gian để thực hiện luân chuyển cán bộ không nên để quá lâu nhưng cũng không nên quá ngắn. Bởi lẽ nếu quá ngắn, thường là chưa hết một nhiệm kỳ (5 năm) thì sẽ không nhìn thấy được sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, đồng thời cũng đủ thời gian để chính cán bộ đó thể hiện được hết năng lực, sở trường của mình. Theo tôi, với mức thời gian luân chuyển sau khi cán bộ đã làm việc đủ 1 nhiệm kỳ, nhưng không kéo dài quá 10 năm là thích hợp.
Còn nếu để cán bộ đó làm tại một vị trí quá lâu, với thời gian đến gần 20 năm như vậy thì sẽ dễ tạo ra tình trạng trì trệ, thiếu tính sáng tạo của cán bộ", vị Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII nhấn mạnh.
Nêu lên một số quan điểm để việc luân chuyển cán bộ đi vào thực chất và có thể phát huy được sở trường, thế mạnh của cán bộ, ông Lê Như Tiến cho rằng, nên hạn chế việc đưa cán bộ là người của địa phương về làm lãnh đạo cấp phòng tại chính địa phương đó. Bởi điều này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng "địa phương chủ nghĩa".
Ngoài ra, vị này cũng có một số lưu ý trong việc thực hiện luân chuyển cán bộ. Trong đó, đối với vị trí lãnh đạo thì nên thực hiện thường xuyên, theo định kỳ, còn với các vị trí cán bộ chuyên môn sâu thì nên giữ ổn định.
Bên cạnh đó, với những cán bộ lãnh đạo cấp phòng sau khi thực hiện luân chuyển thì nên có sự theo dõi thường xuyên từ cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời, có sự dìu dắt, hỗ trợ trong suốt thời gian cán bộ đó đảm nhận công việc.
Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Trong quá trình theo dõi, nếu thấy cán bộ đó có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì sau khi đánh giá có thể cân nhắc để đưa họ vào vị trí cao hơn. Như vậy thì sẽ thúc đẩy được mỗi cán bộ sau khi luân chuyển luôn có động lực phấn đấu và phát huy hết các thế mạnh của mình. Làm hình mẫu cho những cán bộ được luân chuyển khác noi theo.
Đó mới là hiệu quả của luân chuyển cán bộ và khi ấy công tác luân chuyển trở thành một nơi để đào tạo, sát hạch và phát hiện cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để cống hiến cho sự phát triển của bộ máy nhà nước".