Cần có đánh giá về Luật thuế 71, tránh thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp

02/11/2020 13:39
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đưa phân bón vào nhóm hàng không chịu thuế giá trị gia tăng đã nảy sinh bất cập khiến nhà nước thất thu, còn doanh nghiệp và nông dân đều chịu thiệt.

Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015). Theo đó, để góp phần hỗ trợ cho nông dân và giảm giá bán phân bón, mặt hàng phân bón được điều chỉnh từ diện thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT áp dụng với cả sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

Đạm Cà Mau là một thương hiệu được hàng triệu người dân tin tưởng lựa chọn.

Đạm Cà Mau là một thương hiệu được hàng triệu người dân tin tưởng lựa chọn.

Theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6,1%... Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so với kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên do buộc phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao.

Hệ quả là không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông… trị giá khoảng 1,33 tỉ USD.

Doanh nghiệp sản xuất đứng trước bất lợi khi cạnh tranh hàng nhập khẩu do không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Nhiều nước khuyến khích xuất khẩu nên thuế là 0%, cộng thêm chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Trong khi hàng nhập khẩu ngày càng tăng thì sản xuất trong nước lại thu hẹp quy mô sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2018 cả nước nhập khẩu hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2019, lượng đạm nhập khẩu về tiếp tục tăng 2 con số.

Trong khi đó, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, 2 doanh nghiệp lớn nắm 70% thị phần phân đạm trong nước, lại phải đối mặt với thách thức thiếu khí và giá khí tăng cao. Sản phẩm phân bón chất lượng bị thu hẹp càng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường.

Bộ Công thương cho hay trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Hàng lậu có giá thấp hơn hàng chính ngạch từ 1-2 triệu đồng/tấn, khi đến tay người dân thấp hơn thị trường khoảng 500 - 1.000 đồng/kg nên dễ thu hút bà con nông dân.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), để sản xuất 800 nghìn tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất.

Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71 thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, hiện nay, trong cơ cấu giá thành của Đạm Cà Mau, thuế GTGT không được khấu trừ ước tính 300 - 400 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng thuế suất GTGT đầu ra 0% thì Đạm Cà Mau sẽ giảm được chi phí đầu vào từ 300 - 400 tỷ đồng/năm. Nếu áp lại mức thuế GTGT đầu ra là 5%, Đạm Cà Mau sẽ tiết giảm chi phí được khoảng 160 tỷ đồng/năm.

Như vậy, trong cả 2 trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0% và 5%, phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý, trở nên bình đẳng hơn trong mối quan hệ kinh doanh với phân bón nhập khẩu.

Thực tế, trong những năm qua, việc đưa phân bón ra khỏi diện chịu thuế GTGT đã tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu xâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa nhờ nhiều lợi thế.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Theo số liệu thống kê, ngay sau khi Luật thuế 71 có hiệu lực (tháng 1/2015) thì sản lượng phân bón nhập khẩu tăng lên đột biến, urea nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với tháng 1/2014. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phân bón, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD.

Tham khảo ở một số quốc gia cho thấy, đối với mặt hàng phân bón đang được hỗ trợ rất tốt bằng các chính sách khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển. Một số quốc gia không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ… Một số quốc gia có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ…

Sau nhiều lần doanh nghiệp phân bón kiến nghị sửa Luật thuế 71, trong tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB- VPCP ngày 18/6/2020, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa rõ thời gian nào sẽ hoàn tất và trình Chính phủ?

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, cần sớm có sự thay đổi về chính sách thuế với mặt hàng này để tạo sự thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người nông dân cũng được hưởng lợi.

Ngọc Quang