Cần hủy vĩnh viễn hồ sơ ứng viên GS, PGS đăng bài ở tạp chí mạo danh

22/02/2022 06:17
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tôi, phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận, chứ không cho rút hồ sơ rồi lại đăng ký năm sau.

Ngày 8/2/2022, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng) công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021. [1]

Ngay sau đó, những lùm xùm xung quanh việc xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải, khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Chẳng hạn, bài viết “Rộ thông tin ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo” ngày 18/2/2022 trên Báo Thanh Niên đưa tin, Giáo sư Ngô Việt Trung đề nghị Hội đồng cho rà soát lại việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở các Hội đồng ngành vì chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” và còn có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học. [2]

Cùng với đó, ông Phạm Văn Thịnh, cán bộ Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 tăng phi mã so với hồ sơ ứng viên năm 2020, “lan tỏa” nhiều ngành như Tâm lý học, Luật học, Y dược, Kinh tế…, theo Báo Thanh Niên.

Hay bài báo “Một ứng viên phó giáo sư bị tố cáo vi phạm liêm chính khoa học” ngày 18/2/2022 được đăng tải trên Báo Tiền phong phản ánh, ứng viên phó giáo sư N.L.M (thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc) khai có 8 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín thế giới nhưng một số bài vi phạm đạo văn. [3]

Như thế để thấy rằng, hàng loạt ứng viên là giáo sư, phó giáo sư đã vi phạm liêm chính học thuật – làm hoen ố những phẩm chất tốt đẹp của con người như trung thực, ngay thẳng, trong sáng và có trách nhiệm với hành động của mình.

Phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Vi phạm liêm chính học thuật là điều không thể chấp nhận

Theo Phó Giáo sư Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật), các biểu hiện phổ biến vi phạm liêm chính học thuật bao gồm: đạo văn (plagiarism), gian lận (cheating) và bịa đặt (fabrication). [4]

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn đến hai hành vi liên quan đến liêm chính học thuật của những ứng viên giáo sư, phó giáo sư, đó là đạo văn và gian lận.

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng giải thích thuật ngữ liêm chính học thuật là “sự ứng xử ngay thẳng và trong sạch trong các hoạt động học thuật”. [5]

Còn Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh định nghĩa đạo văn là “việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận tác giả của những nội dung đã sử dụng”. [6]

Đạo văn là một lỗi nghiêm trọng về tiêu chuẩn đạo đức khoa học, mà luật pháp (sở hữu trí tuệ) và các cơ sở đào tạo không thể bỏ qua. Vậy mà, ứng viên phó giáo sư N.L.M (thuộc liên ngành Xây dựng – Kiến trúc) vẫn vi phạm đạo văn, được thể hiện trong một số bài báo, nghĩa là mang tính hệ thống, theo Báo Tiền Phong.

Khó ai có thể tin rằng, bài báo mà ông M. đăng trên tạp chí quốc tế (số thứ tự số 40) có nội dung, hình ảnh hoàn toàn trùng lặp (100%) với bài báo tiếng Việt (thứ tự 7) được đăng trên Tạp chí Quy hoạch - Xây dựng số 101+102 (Bộ Xây Dựng).

Theo tôi, việc làm của ông M. đã vi phạm hành vi liêm chính học thuật, đó là tự đạo văn – sử dụng lại thông tin nghiên cứu của chính mình mà không có trích dẫn.

Trong khi đó, nhiều trường đại học quy định, các sản phẩm học thuật được xem là phạm lỗi đạo văn nếu vi phạm các lỗi như có từ 20% văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu nhưng giữ nguyên cấu trúc và nội dung tương tự các công trình khác.

Trên thế giới, nếu bị phát hiện đạo văn, nhà khoa học sẽ không được công bố công trình nữa. Đạo văn không chỉ ảnh hưởng đến danh dự một con người mà còn gây nguy hại đến uy tín của giới nghiên cứu khoa học.

Hơn nữa, các giáo sư, phó giáo sư thường giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, nếu thầy vi phạm đạo văn thì lấy tư cách gì để dạy trò? Ngoài ra, người có hành vi đạo văn còn làm xấu đi bộ mặt của cơ sở đào tạo trong mắt giới học thuật quốc tế.

Ngày 19/2/2022, Phó Giáo sư Hoàng Dũng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với người viết rằng, tờ Asia Sentinel ngày 24/1/2022 đã đăng bài nói về nghề viết thuê và đạo văn ở Việt Nam, trong đó nêu tên Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (Hà Nội). [7]

Bài báo có đoạn viết: "In 2018, hundreds of students accused the head of the Academy of Linguistics, Nguyễn Đức Tồn, of committing plagiarism. They said he'd published a book made up of students' work as his own and had accused those same students of citing his work without giving him proper credit.

Even so, Tồn was promoted to the rank of full professor, not for his scholarship but for “humanitarian cause and altruism.” Although his peers urged a thorough investigation in a public letter to the Prime Minister, Tồn's only punishment was discontinuation of his contract with the Academy.”

Thầy Dũng dịch sang tiếng Việt: “Năm 2018, hàng trăm sinh viên tố cáo Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Nguyễn Đức Tồn đạo văn. Họ nói rằng ông lấy công trình của sinh viên làm của riêng, xuất bản thành một cuốn sách, lại còn buộc tội chính những sinh viên đó đã trích dẫn công trình của ông mà không ghi công xứng đáng cho ông.

Mặc dù vậy, ông Tồn vẫn được phong hàm giáo sư không phải vì thành tựu khoa học mà vì “nhân đạo và khoan dung”. Tuy các đồng nghiệp của ông đã viết thư ngỏ gửi Thủ tướng, yêu cầu mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng, hình phạt duy nhất đối với ông Tồn chỉ là ngừng hợp đồng với Viện”.

Tờ Asia Sentinel đăng bài nói về nghề viết thuê và đạo văn ở Việt Nam, dẫn chứng trường hợp Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. (Ảnh: Phan Thế Hoài)Tờ Asia Sentinel đăng bài nói về nghề viết thuê và đạo văn ở Việt Nam, dẫn chứng trường hợp Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Tiếp đến là hành vi gian lận của những ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài trên tạp chí giả mạo cũng không thể nào chấp nhận được.

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học “được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”.

Theo tìm hiểu của tôi, Hội đồng đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới với những tên tuổi như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell… và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE) do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn hàng năm.

Ngoài ra, nhiều trường đại học đã ra các cảnh báo về các tạp chí kém chất lượng và tạp chí săn mồi (predator).

Tuy nhiên, trong đợt xét duyệt lần này, Hội đồng vẫn nhận được đơn kiến nghị về một số trường hợp ứng viên giáo sư, phó giáo sư được cho là vẫn tiếp tục đăng bài báo khoa học trên những tạp chí không uy tín nhằm đảm bảo đủ số bài theo quy định.

Bài viết “Xác minh tố cáo với hàng loạt ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành kinh tế” ngày 17/2/2022 trên VietNamNet dẫn chứng, một ứng viên phó giáo sư là tác giả chính của 5 bài báo khoa học quốc tế. [8]

Trong số 5 bài này có 1 bài đăng trên tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal là tạp chí của nhà xuất bản “săn mồi” Allied Academies (còn có tên khác là Allied Business Academies); 1 bài báo đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education là một tạp chí chất lượng rất thấp; 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.

Ngày 20/2/2022, một Tiến sĩ (xin không nêu tên) ở Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, tạp chí (uy tín) bao gồm nhiều tiêu chí như: chất lượng, nội dung, số lượt tải, chỉ số ảnh hưởng, số lượt trích dẫn… nhưng qua sàng lọc nếu không đạt thì tạp chí sẽ bị loại ra khỏi danh sách.

“Những ứng viên giáo sư, phó giáo sư có thể không biết nên gửi đăng bài trên các tạp chí mạo danh. Hoặc họ giới hạn về khả năng công bố bài báo khoa học nên mới tìm đến các tạp chí mở (đóng tiền để được đăng), thường gọi là những tạp chí “săn mồi”.

Cần hiểu thêm, tạp chí mở vẫn có một số tạp chí rất tốt, thường rơi vào các ngành khoa học tự nhiên như y, dược, kỹ thuật… còn các ngành xã hội thì có vẻ không ổn”, vị Tiến sĩ cho biết thêm.

Điều 4 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư như sau (trích):

“Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác”.

Vậy nên, theo tôi Hội đồng phải hủy vĩnh viễn hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư gian lận (đã được xác minh), chứ không cho rút hồ sơ rồi lại đăng ký năm sau thì mới đủ sức răn đe về liêm chính học thuật.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-duoc-hdgs-nganh-lien-nganh-de-nghi-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-gs-pgs-nam-2021_663

[2] //thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-post1430453.html

[3] //tienphong.vn/mot-ung-vien-pho-giao-su-bi-to-cao-vi-pham-liem-chinh-khoa-hoc-post1417101.tpo

[4] //lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207018

[5] //cokhi.dut.udn.vn/wp-content/uploads/Van_ban_Bieu_mau/Khoa_hoc/2017_QD-DHBK_029_Liem_chinh_hoc_thuat.pdf?fbclid=IwAR2Y_k7wkU-72Ogz_ciNs65-3uoZKO8JwSR5dfWbvI_ihmGMO6MWkQgEw_A

[6] //sdh.ueh.edu.vn/dao-tao-tien-si-69137/quy-dinh-kiem-soat-va-xu-ly-dao-van-cac-san-pham-hoc-thuat.html

[7] //www.asiasentinel.com/p/surrogate-scholars-big-business-vietnam?utm_source=url (https://drive.google.com/file/d/16Far1uzUv4E0if5QngU3kW7K_pT1Xeff/view?fbclid=IwAR18gxgIkMEf95TCltF7eYPEkLL5SomjrKc5oVvtOXrIs2q3UE67WA2Ykwg)

[8] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nhung-dieu-la-lung-ve-bai-bao-khoa-hoc-cua-ung-vien-gs-pgs-nam-nay-815869.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài