Phải có biện pháp chống ăn cắp, đạo văn, loại bỏ tiến sĩ “rởm”

11/06/2020 08:18
Đỗ Thơm (lược ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đạo đức, liêm chính của người làm khoa học phải được đề cao hơn nữa. Phải có biện pháp chống ăn cắp, đạo văn bằng các phần mềm phân biệt sao chép.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Giáo dục Việt nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta đào tạo tiến sĩ mới chỉ quan tâm yếu tố kiến thức, nghiệp vụ khoa học, còn yếu tố đạo đức để làm khoa học hiện nay lại chưa được quan tâm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương. Ảnh: VTV

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương. Ảnh: VTV

Một trong vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là việc phát hiện sao chép, đạo văn trong các luận án tiến sĩ.

“Đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học nghĩ đến và làm nhưng chưa quyết liệt, không rõ ràng.

Muốn đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng hay xây dựng lực lượng khoa học công nghệ, giáo dục nói chung thì phải đề cao đào tạo, đánh giá về đạo đức người làm khoa học.

Trong đó, sự trung thực, liêm chính, bản lĩnh người làm khoa học phải có.

Người làm khoa học phải có năng lực phản biện, nêu ý kiến cá nhân không vào hùa hay cái gì cũng khen nhiều chê ít.

Cùng với đó, trong quá trình đào tạo, nếu người đó có biểu hiện vi phạm đạo đức của người làm khoa hoc như sao chép, có hành vi gian dối trong thi cử đầu vào thì cương quyết không cho đào tạo tiến sĩ.

Các lỗi đạo đức như vậy cần phải quyết tâm đánh mạnh”, Tiến sĩ Cương nêu quan điểm.

Ông phân tích, hiện nay, công nghệ, nghiệp vụ hoàn toàn có thể giúp chúng ta khắc phục được các vấn đề này và không mất quá nhiều thời gian.

Tuy nhiên, để thay đổi lề lối, văn hóa của người làm khoa học, đào tạo chất lượng cao thì mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.

Những sự thay đổi đó là thay đổi lối sống, ứng xử, quan điểm, thái độ, đề cao trách nhiệm cá nhân, sự liêm chính trong khoa học.

Muốn thay đổi những điều này cần chế tài, sự giám sát, đánh giá quyết liệt hơn nữa nếu không muốn trắng đen lẫn lộn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương chia sẻ thêm, để loại bỏ tiến sĩ rởm thì ngành giáo dục cần nêu gương nhưng cũng cần sự chung tay của các cơ quan liên quan.

Thực tế xã hội hiện nay, hiện tượng thuê, nhận làm luận án tiến sĩ đang diễn ra một cách công khai.

Điều này cần sự vào cuộc của công an, tòa án… Một mình ngành giáo dục làm không nổi. Các hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.

Những vụ sản xuất bằng giả thời gian qua có xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe, chưa tạo được dư luận lên án mạnh mẽ các hành vi này.

Hiện nay, cứ nói đến giáo sư, tiến sĩ Việt Nam thì không ít người quan niệm đó là tiến sĩ giấy.

Nhưng thực tế, chúng ta có rất nhiều người làm việc, nghiên cứu khoa học nghiêm túc, chất lượng không kém gì ở các nước tiên tiến cả.

"Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học chất lượng nhưng đều bị đánh lận con đen giữa tốt và xấu, giả thật lẫn lộn.

Có thể, các cơ quan thực thi pháp luật coi việc bắt ma túy, buôn lậu mới là nghiêm trọng nhưng việc làm bằng giả, công khai nhận làm thuê luận án…còn nguy hiểm hơn.

Có người có danh nhưng không có đạo đức, không đủ năng lực.

Nó dẫn đến lòng tin của xã hội, của quốc tế là chưa tôn trọng giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam", Tiến sĩ Cương chia sẻ quan điểm.

Vì thế theo ông, trong đổi mới về quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đặt ra các yêu cầu về đạo đức, thượng tôn pháp luật của người làm khoa học.

Quan trọng nhất là phải kết hợp với toàn xã hội để tạo môi trường học thuật trong sạch, liêm chính, có chất lượng, hiệu quả.

Ông lo ngại, bằng giả, danh giả làm mất lòng tin của xã hội. Đặc biệt, nó làm người trẻ mất lòng tin, khiến các em không còn khát khao làm khoa học, khám phá để trưởng thành.

"Giới trẻ nhìn nhà khoa học có đạo đức, đời sống nghèo nàn thì làm sao còn muốn phấn đấu, theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Văn hóa giáo dục cuối cùng là phải tạo ra con người chân thiện mỹ. Đáng tiếc là người làm khoa học, giáo dục hiện nay tính nêu gương, khả năng truyền cảm hứng thực tế chưa mạnh mẽ.

Vì thế, giới trẻ xem lựa chọn tốt nhất bây giờ, một là thành doanh nhân, hai là chọn nghề có quyền. Làm khoa học nghèo, không có địa vị xã hội nên các bạn trẻ không thích.

Mà một đất nước muốn phát triển phải có lãnh đạo ưu tú, doanh nhân, nhà khoa học giỏi', Tiến sĩ Cương chia sẻ.

Đỗ Thơm (lược ghi)