Ngày 20/1/2017 tại cuộc họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đơn vị tư vấn đã trình bày 3 phương án điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Sau khi lắng nghe các phương án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thống nhất phương án thứ 3 gồm xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; xây dựng thêm điểm đỗ máy bay và 2 nhà ga, mỗi nhà ga có năng lực đáp ứng công suất 10 triệu hành khách/năm.
Quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất cần được giải quyết một cách khoa học, hiệu quả. ảnh: Thời báo Kinh tế. |
Như vậy, sau 5 cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vấn đề nâng cấp, cải tạo nâng công suất phục vụ vận tải của sân bay Tân Sơn Nhất đã có lời giải.
Theo TS. Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM Hascon, việc Chính phủ quyết định nhanh phương án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy sự quyết tâm dứt khoát của Chính phủ trước những trì trệ lâu nay của ngành hàng không trong việc giải quyết un tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Tôi còn nhớ cách đây gần 2 năm khi đưa ra bàn việc xây dựng sân bay Long Thành từng có ý kiến khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng cấp, cải tạo lên được. Tuy nhiên trước góp ý của chuyên gia, sự vào cuộc của Chính phủ đã thay đổi cách nhìn đó”, ông Phúc cho biết.
TS. Nguyễn Bách Phúc cho biết: “Như nhiều bài viết tôi khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể nâng cấp đảm bảo phục vụ 56 triệu hành khách/năm trong giai đoạn trước mắt và nâng công suất lên 80 triệu hành khách/năm”.
Cơ sở để TS. Phúc cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất có thể nâng năng suất phục vụ hành khách do quỹ đất trong sân bay còn nhiều chưa được sử dụng đúng.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. (Ảnh: Tamnhin.net). |
TS. Phúc phân tích, quỹ đất trong sân bay Tân Sơn Nhất đang còn dư và do không làm gì nên xây dựng sân golf. Mặt khác trong sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều đơn vị quân đội đóng quân trong đó.
“Có hai phương án một là trả diện tích sân golf hoặc để sân golf phải di dời đơn vị quân đội không cần thiết để lấy quỹ đất xây dựng thêm đường lăn, xây thêm điểm đỗ máy bay. Nhưng trong tương lai phải trả lại tất cả diện tích để phục vụ cho hàng không”, ông Phúc nêu quan điểm.
Cần tầm nhìn chiến lược để giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất |
Theo TS. Nguyễn Bách Phúc trên thế giới các nước không để tồn tại song song sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự như Việt Nam.
Để đảm bảo an ninh quốc phòng người ta có thể xây dựng sân bay quân sự song song với sân bay dân sự nhưng tách riêng.
Trở lại phương án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ lựa chọn, TS. Phúc cho rằng những vấn đề tồn tại gây nên ùn tắc tại Tân Sơn Nhất đã được giải quyết.
“Cái thiếu của Tân Sơn Nhất là điểm đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga đều đã được đưa ra trong phương án. Như vậy nhìn tổng thể đây là phương án phù hợp nhất”, TS. Phúc đánh giá.
Tuy nhiên, theo TS. Phúc phương án trên mới là những phác thảo ban đầu cần phải xem kế hoạch chi tiết về chi phí thực hiện dự án, lộ trình thực hiện.
Theo đơn vị tư vấn để thực hiện xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; xây dựng thêm 2 nhà ga và nâng công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm phải mất khoảng 19.700 tỷ đồng.
Theo TS. Phúc số tiền 19.700 tỷ đồng tức gần 1 tỷ USD không phải số tiền nhỏ vì thế dù vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất cấp bách nhưng cần thận trọng để đảm bảo đầu tư hiệu quả.
“Để đảm bảo đầu tư hiệu quả Chính phủ cần quy trách nhiệm cá nhân đơn vị tư vấn, đơn vị triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sân Nhất”, TS Phúc đề nghị.