Mỗi ngày cơ thể chúng ta sản xuất trên 1 lít nước bọt. Và ngoài tác dụng giữ răng miệng được sạch sẽ, nước bọt cũng có thể cung cấp những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe.
Sản xuất quá ít
Tình trạng khô miệng có thể do sử dụng thuốc. Có hơn 300 loại thuốc như thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine có thể gây ra tác dụng phụ là khô miệng.
Chứng khô miệng có chiều hướng gia tăng theo tuổi và các vấn đề sức khoẻ cũng buộc chúng ta phải sử dụng thuốc. Do vậy, nếu đang uống thuốc và nhận thấy nước bọt tiết ra ít hơn bình thường thì chúng ta nên chú ý vệ sinh răng miệng để tránh sâu răng.
Tưa miệng
Việc nhiễm trùng răng miệng có thể gây ra tình trạng nấm candida albicans phát triển trong miệng khiến nước bọt có màu trắng đục cùng với sự phát triển những mảng nấm trên lưỡi.
Mặc dù người lớn ít khi bị tưa miệng nhưng đối với những người bị tiểu đường, sự gia tăng đường trong nước bọt có thể dẫn đến sự tăng trưởng của nấm.
Chẩn đoán bệnh
Trong nước bọt cũng có chứa phân tử di truyền RNA nhất định. RNA có thể cung cấp thông tin về kích thích tố di truyền.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lâm sàng, nước bọt có thể chẩn đoán các bệnh như tiểu đường, ung thư tương đương như máu. Ngoài ra, xét nghiệm nước bọt cũng có thể cho thấy nhịp sinh học của cơ thể, từ đó giúp đưa ra khuyến nghị ngủ, ăn uống, và giảm cân tốt hơn.
Xác định tính axit
Độ pH trong khoang miệng thường ở mức 7 hoặc gần 7. Nhờ nước bọt, nha sĩ có thể đánh giá được mức độ pH trong miệng. Nếu độ pH quá thấp, vi khuẩn có thể sinh sôi trong những ngóc ngách và khe hở của răng. Các loại thực phẩm ăn giàu arginine, như thịt đỏ, thịt gia cầm cũng có thể làm giảm nồng độ axit của nước bọt.
Sản xuất quá nhiều
Nếu nước bọt có nhiều hơn bình thường, rất có thể bạn đã mang thai.
Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai có xu hướng tiết ra nhiều nước bọt hơn. Điều này có thể là do nội tiết tố thay đổi, hoặc chỉ là một tác dụng phụ của cảm giác buồn nôn. Không có gì đáng lo ngại nhiều nhưng cần cẩn thận không văng nước bọt vào người đối diện. Nhai kẹo có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Có vị đắng hoặc chua
Có thể đó là dấu hiệu của chứng trào ngược dạ dày. Tình trạng này khiến axit trong dạ dày trào vào cổ họng, ảnh hưởng đến nước bọt và khiến ta nếm được vị đắng hoặc chua.
Ngoài cảm giác đắng và chua trong cổ họng và miệng, còn có thể gặp chứng ợ nóng phổ biến nhất hoặc các vấn đề như hơi thở hôi hoặc buồn nôn. Nếu bác sĩ chẩn đoán chứng trào ngược của bạn, họ có thể đề nghị thay đổi lối sống như giảm cân, hoặc bỏ qua các loại thực phẩm có dầu mỡ và gia vị.
Hao hụt do thở bằng miệng
Nhiều người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ. Hít vào và thở ra bằng mũi là cách tốt nhất để giữ cho miệng ẩm ướt và sạch sẽ. Khi thở bằng miệng sẽ khiến nước bọt bị hao hụt đi và làm vi khuẩn phát triển mạnh hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thở bằng miệng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như ngưng thở khi ngủ.