Một số người ở Việt Nam nhận được e-mail giới thiệu dự án nuôi tê giác lấy sừng tại Nam Phi... Khuyến nghị từ Bộ Công Thương với doanh nghiệp khi giao dịch thông qua Internet với đối tượng nước ngoài. Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), gần đây, một số người ở Việt Nam nhận được e-mail từ một cá nhân giới thiệu là Flip Pretorius đến từ châu Phi và đang tìm kiếm đối tác đầu tư cổ phần trị giá 1 triệu USD vào dự án nuôi tê giác lấy sừng tại Nam Phi. Cùng với đó, e-mail kèm theo file giới thiệu dự án nuôi, khai thác sừng tê giác hợp pháp ở Nam Phi và các cổ đông tham gia có quyền mua bán và vận chuyển sừng tê giác ra nước ngoài.
Đối tượng nước ngoài đánh vào đúng nhu cầu về sừng tê giác của người châu Á trong thời gian qua. |
Thư giới thiệu còn đưa ra những đảm bảo khá hấp dẫn cho người đầu tư, như khả năng thu hồi vốn trong vòng một năm và kèm một số hình ảnh minh hoạ được tải từ Internet nhằm tăng tính thuyết phục. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, đây là hình thức lừa đảo mới xuất hiện dù hình thức không quá tinh vi, song đối tượng nhằm vào đúng nhu cầu về sừng tê giác của người châu Á tại Nam Phi thời gian qua. Cơ quan quản lý cũng thông tin thêm, một trường hợp khác, đối tượng tự giới thiệu tên là Jimmy Henchman từ tổ chức có tên Apex Group of Company, doanh nghiệp thương mại từ Anh gửi thư điện tử đề nghị mua hàng để nhập khẩu vào Anh. Sau khi nhận được phản hồi, đối tượng sẽ gửi một email khác đề nghị phía người nhận truy cập vào một địa chỉ website nhằm lấy cắp thông tin (tài khoản thư điện tử, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng,…), nếu người nhận đăng nhập với địa chỉ e-mail và mật khẩu của mình. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cảnh báo các cá nhân và doanh nghiệp trong nước cần nâng cao cảnh giác và thận trọng trong các giao dịch thông qua Internet với các đối tượng nước ngoài, đặc biệt từ châu Phi. Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa qua cũng cho hay, thời gian gần đây, nhiều đối tượng tại Cameroon (châu Phi) đã thực hiện một số vụ lừa đảo thương mại đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp dệt may. Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như đối tượng chào hàng, ký hợp đồng bán hàng với điều kiện hấp dẫn và yêu cầu đặt cọc tối thiểu 10% qua hình thức điện chuyển tiền (T/T). Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền thực hiện hợp đồng, đối tượng chấm dứt mọi giao dịch, thông tin liên hệ, không thực hiện việc giao hàng như hợp đồng đã ký.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VnEconomy