Ngày 28/2, tại Vĩnh Phúc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Phúc tổ chức buổi hội phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các Viện, các cơ quan kiểm tra nhà nước, lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Cục An toàn thực phẩm, chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh phía Bắc.
Trước đó, ngày 02/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm chủ trì buổi hội thảo (Ảnh: Lại Cường) |
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý an toàn thực phẩm
Chính vì vậy, hội thảo lần này được tổ chức nhằm mục đích phổ biến và thống nhất phương thức thực hiện, nhanh chóng đưa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đi vào thực tiễn.
Nghị định mới đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, công bố sản phẩm; kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm.
Trong đó có việc mở rộng diện không cần kiểm tra đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở.
Phương thức kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu giảm nhiều so với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cũng giao cho các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm do mình sản xuất. Việc hậu kiểm thay cho việc tiền kiểm như trước đây.
Các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm.
Các doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình và nộp 1 bản đến cơ quan quản lý nhà nước. Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm.
So với quy định cũ, sẽ có tới 75% sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường sẽ được tự công bố sản phẩm.
Tại hội thảo, nhiều câu hỏi liên quan đến việc áp dụng cấp phép cho doanh nghiệp thực phẩm của đại diện các Chi cục An toàn thực phẩm của địa phương cũng được giải đáp tại hội nghị.
Để tránh việc chi cục hiểu chưa đầy đủ và thực hiện không đúng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đại diện chi cục thực hiện nghiêm túc theo các quy định của nghị định, không được phép thích hiểu thế nào thì hiểu.
Các doanh nghiệp không thuộc diện cấp phép các chi cục kiên quyết không được cấp phép, nhằm tránh tình trạng cấp phép tràn lan tạo thành “bùa hộ mệnh” cho một số doanh nghiệp.