Cậu học trò giành Huy chương Đồng Olympic quốc tế, ước mơ diệt tế bào ung thư

25/03/2021 12:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến Đạt và nhóm bạn đã giành Huy chương Đồng trong cuộc thi Olympic Khoa học quốc tế tại Hàn Quốc với đề tài nghiên cứu ứng dụng diệt tế bào ung thư.

Không theo truyền thống kinh doanh gia đình

Không khô khan như những gì nhiều người hay nghĩ về những chàng trai theo ban Tự nhiên, suốt ngày làm bạn với thí nghiệm và những con số, Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 2003 tại Bắc Ninh) tỏ ra chững chạc hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Đạt kể, em là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Bố em làm kinh doanh và anh trai cũng đang theo nghề của bố. Nền tảng kinh doanh của gia đình là chỗ dựa khá vững chắc nếu em theo một ngành học nào đó về kinh doanh. Thế nhưng chàng trai trẻ đã lựa chọn một hướng đi khác, với đam mê nghiên cứu Vật lý, những buổi học về lực hút, về đòn bẩy, về những nghiên cứu ứng dụng vào đời sống.

Đam mê ấy đưa Tiến Đạt đến với lớp chuyên Lý, Trường Trung học Phổ thông chuyên Sư phạm Hà Nội.

Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường Trung học Phổ thông chuyên Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Cao Kim Anh

Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường Trung học Phổ thông chuyên Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Cao Kim Anh

Khi nói về đam mê của mình, về những kiến thức đã học được và những nghiên cứu, Đạt giống như một người truyền cảm hứng, luôn cuốn hút với người đối diện.

Đạt chia sẻ: “Trước đây môn học em dành nhiều thời gian và đạt kết quả cao không phải Vật lý mà là Toán. Nhưng tới khi lên lớp 8 thì em lại thấy yêu thích môn Vật lý vô cùng, cứ thế rồi bị hút theo như chính những bài học về lực của môn học này.

Em thi vào Trường Trung học Phổ thông chuyên Sư phạm Hà Nội. Tại đây, em gặp thầy Nguyễn Đức Lâm, là thầy giáo chủ nhiệm của em hiện nay - người truyền lửa, dẫn dắt và tiếp thêm đam mê môn Vật lý cho em”.

Học tập xa nhà, không có bố, mẹ ở bên, những lúc học hành, thi cử áp lực, Đạt sẽ phải tự lập, phải nỗ lực nhiều hơn.

Đạt chia sẻ: “Có những hôm học thi, ôn bài khuya, nhất là những cuộc thi quốc tế em cũng có áp lực nhưng lấy lại tinh thần rất nhanh và em nghĩ đã đam mê thì phải cố gắng hết mình với nó để đạt được kết quả tốt nhất.

Em có những buổi đi thi và làm việc ở các nước khác như Trung Quốc, Mỹ… ở đó điều đầu tiên em lo lắng là bất đồng ngôn ngữ, rồi những món ăn và tất nhiên là những khoản chi phí khiến chúng em cũng phải suy nghĩ ít nhiều.

Nhưng khi sang đến nơi, mọi thứ hoàn toàn khác biệt, những con người xa lạ, chẳng cùng tiếng nói, không cùng màu da, thậm chí là tư duy khác nhau, chỉ có thứ duy nhất tồn tại làm công cụ kết nối là niềm đam mê với Vật lý.

Chúng em trao đổi, lắng nghe đề tài của nhau. Em kết nối được với rất nhiều bạn trong nước và trên thế giới nhờ cùng chung đam mê về nghiên cứu Vật lý”.

Chắc có lẽ, đam mê của cậu học trò lớp 12 đơn thuần, trong sáng, chỉ có sự thi đua cống hiến, nghiên cứu và trải nghiệm bản thân, nên những câu chuyện em kể, thật sự không mấy khi tôi thấy thấm đượm sự vất vả, cực nhọc trong quá trình học tập. Với em, đam mê nghiên cứu chính là hơi thở, là sức sống và cũng là tương lai sau này.

Đạt là con út trong gia đình, nên mọi sự quan tâm của bố, mẹ, của các anh chị dành cho em nhiều hơn. Mỗi lần em rời nhà đi học hay đi nghiên cứu, thi cử nước ngoài đó cũng là những lần gia đình lo lắng.

“Việc kinh doanh của bố mẹ hiện tại đủ để lo cho cả gia đình, không phải suy nghĩ quá nhiều về kinh tế. Có lẽ là sẽ đỡ vất vả hơn nếu em chọn học một trường đại học nào đó rồi về tiếp nối kinh doanh với gia đình. Nhưng bây giờ, Vật lý là đam mê không thể từ bỏ, đó là con đường cũng là ước mơ của bản thân em.

Mỗi lần em về quê rồi trở lại trường học, mẹ lo lắng lắm, mặc dù ở Hà Nội em được ở cùng với anh chị, nhưng chắc với mẹ em luôn là đứa con út bé bỏng nên những điều lo lắng là dễ hiểu. Là con trai nên em khó nói được những lời yêu thương, nhưng trong thâm tâm em rất thương bố mẹ.

Cả cuộc đời bố mẹ làm lụng vất vả cũng là mong muốn các con ổn định, có cuộc sống tốt. Đó cũng chính là động lực cho em học tập, để bố mẹ yên tâm và tin tưởng vào lựa chọn em”, Đạt tâm sự.

Nguyễn Tiến Đạt cùng nhóm nghiên cứu vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi đạt Huy chương Đồng cuộc thi Olympic Khoa học quốc tế tại Hàn Quốc. Ảnh: Cao Kim Anh.

Nguyễn Tiến Đạt cùng nhóm nghiên cứu vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi đạt Huy chương Đồng cuộc thi Olympic Khoa học quốc tế tại Hàn Quốc. Ảnh: Cao Kim Anh.

Phát triển đề tài "diệt tế bào ung thư"

Năm 2020, Nguyễn Tiến Đạt và nhóm bạn đã giành Huy chương Đồng với đề tài nghiên cứu “Chế tạo hạt nano từ tính Fe3O4 ứng dụng để diệt tế bào ung thư bằng phương pháp đốt nóng cục bộ” trong cuộc thi Olympic Khoa học quốc tế tại Hàn Quốc.

Tháng 7/2020, Nguyễn Tiến Đạt cùng nhóm nghiên cứu vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về thành tích đạt được tại cuộc thi này.

Kể về thành tích ấy, Đạt khiêm tốn nói: “Đề tài này em nghiên cứu nhóm cùng hai bạn nữa là Nguyễn Mai Linh và Lê Đăng Minh Hiền. Em xem những cuộc thi trong nước và quốc tế đều là những lần trao đổi, học hỏi để bản thân mình trau dồi kiến thức chứ không đặt nặng thành tích, vì vậy mà khi đạt giải chúng em khá bất ngờ.

Đề tài này được triển khai bằng sự cố gắng hết mình không chỉ ba người chúng em mà còn là công sức của các thầy cô giáo, gia đình luôn tạo điều kiện và động viên chúng em khi bắt đầu bước đi đầu tiên trong chặng đường nghiên cứu lâu dài về môn Vật lý”.

Tôi hỏi Tiến Đạt vì sao em và nhóm bạn lựa chọn đề tài nghiên cứu này, bởi vì rất khó, không chỉ là tài năng mà còn phải có sự trải nghiệm và nhiều yếu tố khác nữa?

Đạt trầm ngâm một chút, rồi bảo: “Em đã đọc nhiều hoàn cảnh, tận mắt chứng kiến sự bất lực của những người bệnh, của những gia đình có người bị bênh ung thư. Bản thân em là một người có đam mê sống và thực hiện ước mơ là nghiên cứu môn học em ưa thích thì những người mắc bệnh họ cũng có ước mơ của chính họ.

Nếu một ngày nói em từ bỏ Vật lý chắc em cũng không làm được. Thế nên việc một người buôc phải rời bỏ cuộc sống của mình vì bệnh tật mà vô phương cứu chữa, đó là sự bất lực, sự sụp đổ hoàn toàn.

Em có Vật lý, có những người thầy, người bạn cùng đam mê, trao đổi, cùng nghiên cứu và cùng một mục đích rằng muốn đưa Vật lý vào ứng dụng càng nhiều trong cuộc sống càng tốt. Vậy tại sao ngăn chặn bệnh ung thư lại không thể? Đó cũng là một trong những câu hỏi em tự đặt ra rồi cùng thầy cô và các bạn tìm cách trả lời. Đó là cách em ứng dụng môn học với đời sống, mang đam mê của mình trở thành những việc có ích phần nào đó cho cộng đồng”.

Chia sẻ của Đạt khiến tôi chợt nhận ra tư tưởng rộng lớn, nhân văn ẩn trong một cậu học trò còn rất trẻ. Ý nghĩa của sự sống, sự sẻ chia với những số phận thiếu may mắn giúp cho chúng ta cảm nhận được sự tồn tại của mình trên thế giới này có ý nghĩa hơn.

Với kết quả học tập tốt và đề tài nghiên cứu này, Nguyễn Tiến Đạt là một trong những gương mặt trẻ hiếm hoi cùng lúc giành được học bổng 25-50% của 3 trường đại học trong top 100 trường có chất lượng dạy và học tốt nhất nước Mỹ.

Tiến Đạt dành học bổng 50% Học viện công nghệ New Jersey. Hai trường còn lại Đạt giành được học bổng 25%, trong đó Binghamton là trường đại học công lập. Những ngôi trường công lập ở Mỹ thường có bề dày lịch sử về các chuyên ngành nghiên cứu và học phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Chính vì thế, không có nhiều học sinh giành được học bổng này.

Những khoản học bổng này là minh chứng cho tài năng, nỗ lực cũng là niềm tự hào của Đạt, thầy cô, nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, hiện tại, Đạt vẫn tiếp tục tập trung vào các môn học tại trường phổ thông và dự định nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học khác, hy vọng sẽ có thêm những lựa chọn phát triển đam mê nghiên cứu khoa học.

Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, cậu học trò chuyên Lý ăn nhanh cái bánh mỳ, uống nhanh một cốc nước để kịp giờ lên phòng nghiên cứu.

Tạm biệt Đạt, tôi vẫn luôn nghĩ về những điều em chia sẻ về sự mong manh giữa sống - chết và luôn hy vọng sự nỗ lực nghiên cứu khoa học của chàng trai trẻ sẽ mang đến điều gì đó có ích cho mọi người.

Cao Kim Anh