Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut gây ra và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Bệnh này hay biến thành dịch vào mùa đông và thường lây qua đường hô hấp, nên khi tiếp xúc, nói chuyện với người mắc bệnh sởi trẻ dễ dàng bị lây nhiễm.
Bệnh sởi có thể ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày trong cơ thể trẻ sau đó sẽ phát ra bên ngoài.
Trẻ bị mắc bệnh sởi (Ảnh: theo LifeZette). |
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi thường là ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt cao và mắt đỏ. Trẻ em bị bệnh cũng có thể có các hạt Koplik (những đốm nhỏ màu đỏ, ở giữa màu xanh hoặc trắng) xuất hiện bên trong miệng.
Phát ban sởi xuất hiện trong 3 đến 5 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Đồng thời, trẻ có thể bị sốt cao lên tới 40°C.
Các ban sởi thường có màu đỏ hoặc đỏ nâu, ấn vào sẽ biến mất. Thường ban sẽ xuất hiện trên trán rồi lan tới phần còn lại của mặt, sau đó xuống cổ và thân mình, tới cánh tay, chân và bàn chân. Sau vài ngày trẻ sẽ hết sốt và phát ban.
Hiện nay, dịch sởi đang bùng phát trên toàn quốc, trẻ em, người lớn đồng loạt nhập viện, trong đó nhiều ca biến chứng rất nặng.
Mặc dù chưa có thuốc điều trị bệnh sởi ở trẻ em nhưng việc phát hiện và chữa trị đúng phương pháp, chăm sóc tốt sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.
Chăm sóc trẻ bị sởi
- Bổ sung vitamin A (liều lượng theo tuổi và chỉ định của bác sĩ).
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trẻ trên 38,5 độ C.
- Đặc biệt nên cho trẻ ăn chế độ bồi dưỡng (không nên kiêng cử), nên chia nhỏ khẩu phần ăn để dễ tiêu hóa và đủ lượng đủ chất. Nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu trẻ còn bú.
- Nên cho trẻ ở nơi thoáng mát, khô ráo. Tắm rửa, vệ sinh thân thể (răng, miệng, hậu môn, sinh dục) hàng ngày để phòng ngừa bội nhiễm.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: "Việc giữ gìn vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ trong giai đoạn mắc bệnh sởi là rất quan trọng vì nếu không đảm bảo vệ sinh da, trẻ rất dễ bị bội nhiễm.
Các cha mẹ không nên kiêng quá kỹ mà không tắm cho trẻ, cũng không nên chăm sóc trẻ ở nơi phòng quá kín".
- Hiện nay, trong tình trạng bệnh viện đang quá tải bệnh nhân sởi và trở thành nguyên nhân lây nhiễm chéo bệnh sởi cho những trẻ chưa mắc nên việc đưa con đến viện cần được cha mẹ cân nhắc cẩn thận.
Chỉ đưa con đến viện khi thực sự cần thiết. Còn khi trẻ mới chớm mắc sởi, cha mẹ có thể tiến hành chăm sóc trẻ tại nhà.
- Cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sởi cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Bạn nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi đủ 2 mũi.
Mũi thứ nhất được tiêm khi bé đủ 9 tháng tuổi. Mũi thứ hai khi bé 18 tháng tuổi. Tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh sởi, bạn nên hạn chế trẻ tới những khu vực đông người, những nơi đang có dịch. Cần chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm cho bé…
Sởi có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài bao gồm mù, bệnh phổi mãn tính, suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm trùng tái phát. Nếu nhiễm trùng sởi là cấp tính, nguy cơ lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng khác sau vài tháng là rất cao. Khoảng một nửa trường hợp cấp tính được thấy ở trẻ dưới 1 tuổi và nguy cơ tử vong cao. |