Thông báo nêu rõ: "Từ ngày 10/11 đến hết năm 2014, Khu du lịch sẽ tạm ngưng hoạt động. Riêng Khu Kim Điện sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan bình thường".
Bên cạnh đó, thông báo cũng cho biết từ hôm nay (4/11) đến ngày 9/11/2014, Khu du lịch sẽ miễn vé vào cổng, vé biển, vé vườn thú và các vé trò chơi. Riêng các trò chơi sẽ giảm giảm 50% giá vé, gồm: Ngũ long cung, Bí mật Kim tự tháp, Ngũ phụng cung, Ngũ lân Đại cung, Long thần đại mê cung…
Thông báo trên cho thấy, tuyên bố đóng cửa khu du lịch Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, chủ đầu tư Khu du lịch Đại Nam (Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến) không phải là lời "dọa" suông.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhân viên đang làm việc tại Khu du lịch Đại Nam xác nhận thông tin về chương trình mở cửa miễn phí và đóng cửa tạm thời khu du lịch. Theo nhân viên này, thông báo về thời gian đóng cửa và chương trình miễn phí vé tham quan là chỉ đạo của Ban giám đốc.
"Thời gian đóng cửa từ ngày 10/11 - 31/12/2014, thời gian mở cửa trở lại sẽ được thông báo sau", nhân viên này nói.
3.000 tỷ đồng "đắp chiếu", 2.000 lao động mất việc?
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên báo NTNN, ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định: “Nếu tỉnh Bình Dương không thay đổi cách cư xử như hiện nay, tôi sẽ quyết định đóng cửa khu du lịch Đại Nam và dần dần sẽ là các hoạt động khác của Công ty Đại Nam, để chờ đợi chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ”.
Tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của người đứng đầu Công ty cổ phần Đại Nam được đưa ra trong bối cảnh UBND tỉnh Bình Dương liên tục đưa ra những văn bản được cho là "làm khó" doanh nghiệp này chỉ trong một thời gian ngắn.
Quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam cũng đồng nghĩa với việc 3.000 tỷ đồng, số tiền được Công ty cổ phần Đại Nam đầu tư xây dựng khu du lịch, sẽ tạm thời “đắp chiếu”. Hơn 2.000 lao động đang làm việc tại khu du lịch Đại Nam sẽ tạm nghỉ việc. Theo lời ông Dũng, trước mắt những tháng đầu sau khi đóng cửa Khu du lịch Đại Nam người lao động vẫn được hưởng 100% lương, tuy nhiên về lâu dài chắc chắn người lao động sẽ phải tìm công việc khác.
Nhìn vào số tiền đầu tư và ảnh hưởng từ việc đóng cửa có thể khẳng định chắc chắn Công ty cổ phần Đại Nam sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. Trên khía cạnh kinh doanh, một dự án mới khánh thành đưa vào sử dụng tháng 9/2008, qua 6 năm sẽ chưa thể thu hồi được số vốn đầu tư. Hơn nữa nếu đóng cửa trong khoảng thời gian dài, Khu du lịch Đại Nam sẽ mất đi lượng khách lớn.
Ông Huỳnh Uy Dũng Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam dự định sẽ đóng cửa Khu du lịch Đại Nam (Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến) trong 10 ngày tới nếu tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục o ép doanh nghiệp. |
Theo đánh giá năm 2012, sau khi mở rộng đầu tư Khu du lịch Đại Nam sẽ thu hút khoảng hơn 10 triệu lượt khách.
Trong khi trả lời trên báo NTNN liên quan đến tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng, một lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng: Tỉnh này chỉ bị thất thu thuế nếu Khu du lịch Đại Nam đóng cửa, còn lại người chịu thiệt hại vẫn là doanh nghiệp. Dường như tỉnh Bình Dương không quá coi trọng tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của ông Dũng và coi việc đóng cửa này như mất đi chút tiền thuế.
Bình Dương mất nhiều hơn được
Nhìn khía cạnh quản lý nhà nước nếu việc doanh nghiệp dừng hoạt động rõ ràng chỉ ảnh hưởng đến việc tiền thuế sẽ giảm. Tuy nhiên với ngành dịch vụ du lịch, vấn đề không chỉ là thuế mà sẽ khiến ngành dịch vụ khác bị ảnh hưởng.
Một giám đốc công ty du lịch phân tích: Làm phép tính đơn giản, với 10 triệu lượt khách tham quan Khu du lịch Đại Nam, mỗi khách đến du lịch tại đây mang theo 5 triệu đồng chắc chắn số tiền đó không chỉ chảy vào túi Công ty cổ phần Đại Nam bởi ngành du lịch mang lại nguồn thu lớn cho địa phương nhờ dịch vụ đi kèm từ ăn uống, giải trí, vận tải, tiêu dùng…
Khu du lịch Đại Nam đóng cửa, các khu du lịch lân cận Bình Dương sẽ hưởng lợi... |
Một khi Khu du lịch Đại Nam đóng cửa, không chỉ Công ty cổ phần Đại Nam bị ảnh hưởng mà ngành dịch phụ trợ xung quanh khu vực Khu du lịch Đai Nam cũng bị ảnh hưởng, nói cách khác người dân là người bị ảnh hưởng. Ở tầm vĩ mô, khi hành khách không đến với Bình Dương không mang tiền đến tiêu tại đây thì sẽ các địa phương lân cận có khu du lịch sẽ được hưởng lợi. Dễ thấy nhất là TP.HCM.
Từ khi đi vào hoạt động, Khu du lịch Đại Nam trở thành đối thủ cạnh tranh của các khu du lịch tại TP.HCM như Đầm Sen – Suối Tiên, Suối Mơ, Khu du lịch sinh thái Vàm Sát… Nếu Khu du lịch Đại Nam đóng cửa người mừng nhất là các khu du lịch tại TP.HCM, tiền từ túi khách du lịch sẽ chảy về TP.HCM ngày một nhiều hơn.
Sau cùng năng lực cạnh tranh du lịch của Bình Dương sẽ đi xuống, du lịch Bình Dương sẽ không thể cạnh tranh với các tỉnh lân cận. Bình Dương được xem là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, năng lực cạnh tranh đầu tư của Bình Dương rất lớn. Với địa phương có hàng nghìn doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất trong đó rất nhiều doanh nghiệp FDI nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch giải trí rất lớn.
Bên cạnh đó, hình ảnh một công ty lớn, làm ăn lâu dài tại Bình Dương tuyên bố đóng cửa vì sự o ép của chính quyền sẽ là một tiền lệ xấu, có thể khiến chỉ số thu hút đầu tư của Bình Dương giảm sút trầm trọng.
"Nhìn sang nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa ngành dịch vụ du lịch đang đóng góp rất lớn cho nguồn thu chung của tỉnh. Nếu Bình Dương không muốn trở thành một thành phố công nghiệp bụi bặm để rồi người dân mang tiền đến TP.HCM cũng như các địa phương khác. Tỉnh Bình Dương cần bình tĩnh ngồi làm việc với doanh nghiệp tìm hướng khắc phục hơn là làm căng thẳng vấn đề.", vị chuyên gia nêu quan điểm.