Thương con hay hại con?
Anh N.T.T. (kinh doanh tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) ôm giấc mộng du học từ thời sinh viên mà không thực hiện được. Trong một lần đến dự hội thảo du học Úc, anh được nhân viên tư vấn giới thiệu những cái hay, cái tốt khi cho con đi du học ở độ tuổi măng non. Con sẽ được học tập trong môi trường tiên tiến, tiếp thu nền văn hóa hiện đại, nói tiếng Anh như gió... Như vậy con anh sẽ có công việc tốt hơn khi kết thúc khóa học. Không do dự nhiều anh chọn trường, chuẩn bị thủ tục chờ đến ngày con đi du học.
Việc cho con đi du học sớm sẽ là cơ hội tốt để tiếp cận với nền giáo dục văn minh ở các nước phát triển, giúp bé tự tin, có cách sống độc lập, không phụ thuộc. Tuy nhiên, ông Phùng Văn Minh, chuyên gia du học Công ty du học Thái Bình Dương (Q.10), cho rằng: Việc cho trẻ còn quá nhỏ đi du học rất dễ bị tổn thương về tâm lý. Vì ở độ tuổi này, bé chưa có khả năng phân tích để tiếp thu một cách có chọn lọc những thay đổi của xã hội. Ngoài ra, lứa tuổi này, trẻ rất dễ bị hư hỏng, chơi bời, bị tác động bởi những mặt xấu của văn hóa phương Tây.
Cho trẻ du học từ nhỏ hại nhiều hơn lợi (Ảnh minh họa) |
N.T.L., cựu nhân viên tư vấn của một công ty du học tại Q.1, TP.HCM, lật giở câu chuyện về chị H.T.B.P. (Q.10, TP.HCM), một người cho con du học ở độ tuổi măng non. L. cho biết: “Chị P. tìm đến công ty xin tư vấn cho cậu con trai 10 tuổi đi du học cùng chị gái tại Singapore. Tuy nhiên, cậu này chưa bao giờ tự làm việc gì. Tôi đã khuyên không nên đi nhưng gia đình vẫn nhất mực cho con du học.
Đúng như dự liệu của tôi, sau 2 tháng, chị P. phải bay gấp sang Singapore để đón con trai trở về do tâm lý của cháu bất thường. Trải qua nhiều đợt trị liệu tâm lý, chị P. mới nhận ra con trai qua đó không theo kịp bạn bè, không nói được tiếng Anh, dần dần trở nên lầm lỳ, ít nói. Từ một cậu bé lanh lợi, nay đã trở nên khó gần, ít nói, mặt luôn tỏ vẻ căng thẳng, nghe nói tới chuyện học là ôm đầu bỏ chạy”.
Bi đát hơn là trường hợp con trai của anh N.T.T. (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Sau 4 tháng du học tại Úc, con trai anh T. không giỏi lên theo ý muốn của bố mẹ. Nhận tin báo từ người thân, anh T. thảng thốt, bắt ngay chuyến bay sang Úc đón con về Việt Nam. Anh bần thần, bủn rủn chân tay khi thấy con ngồi thu mình trong góc nhà, miệng lảm nhảm, mắt ngờ nghệch. Anh T. cho hay, sau nhiều tháng cùng chuyên viên tâm lý điều trị, con anh cũng dần trở lại bình thường, nhưng mỗi khi nghe tới từ “du học” là cháu lại hoảng sợ, la hét.
Khắc phục hậu quả du học.
Bên cạnh việc mắc phải những chấn thương tâm lý, nhiều bé còn gặp tình trạng như: Tính tình trở nên khác thường, hay cáu giận, bực bội, thấy người lạ thì trốn mất.
Phụ huynh khi có con gặp phải các trường hợp rắc rối sau du học cần hết sức bình tĩnh. Tiến sĩ giáo dục Huỳnh Công Minh, cố vấn các chương trình đổi mới giáo dục, sở GD&ĐT TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh hãy gửi bé đi học trở lại, chủ động hướng dẫn con tự hòa nhập. Trong quá trình giúp con vượt qua chấn thương tâm lý, nếu thấy có khó khăn thì điều chỉnh cách dạy dỗ, thường xuyên theo dõi sự phát triển của con. Ngoài ra, phụ huynh cần phải phối hợp với giáo viên để giúp các bé hòa nhập nhanh hơn”.
Việc bé bị nhiễm văn hóa phương Tây, đánh mất các giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam là điều thường xuyên xảy ra ở những trẻ đi du học từ sớm. Để giúp bé hòa nhập lại với văn hóa gia đình Việt, TS. Nguyễn Minh Trung, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ rõ bố mẹ phải là cầu nối để giúp bé tìm lại các giá trị văn hóa mà bé đã tiếp thu trước khi đi du học. Phụ huynh cần thường xuyên tâm sự, chia sẻ, giúp bé hiểu văn hóa nào phù hợp với người Việt, văn hóa nào không phù hợp. Nếu có thể, phụ huynh đăng ký cho trẻ vào học các lớp kỹ năng sống.
Bác sĩ Hồ Văn Bình, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho hay: “Trong trường hợp nặng hơn, các gia đình cần nhanh chóng đưa bé tới các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để điều trị bằng y học. Ngoài ra, có thể đưa bé tới các trung tâm điều trị về tâm lý để các chuyên gia xác định nguyên nhân, đưa ra cách thức điều trị phù hợp”.
Nên cho con du học khi 18 tuổi.
Ông Nguyễn Thi, chuyên gia tư vấn du học Công ty Du học Vietin (Q.1), cho biết: “Nhiều gia đình có con đã 16, 17 tuổi nhưng khi cho đi du học vẫn gặp phải tình trạng không bắt nhịp được cuộc sống mới. Họ nghĩ đơn giản, cho con đi du học nghĩa là nhà trường sẽ lo mọi thứ. Tuy nhiên, trường học không thể quan tâm đến cuộc sống ngoài giảng đường. Vì thế, có nhiều trẻ khi du học, thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ đã “thả phanh” tìm hiểu những gì mà trước đây mình bị cấm. Vì vậy, để du học đạt hiệu quả cao nhất, các gia đình nên cho con đi du học khi con đã trưởng thành (trên 18 tuổi). Ở độ tuổi này, con đã có thể tự lo cho bản thân và biết hoạch định mục tiêu cho bản thân”.
nguoiduatin