Chủ tịch huyện không có số TGĐ Vinamilk, nông dân không bán được sữa?

21/02/2016 09:13
Việt Hoài
(GDVN) - Rõ ràng là chuyện nông dân không bán được sữa, không phải là do Chủ tịch huyện không có số điện thoại của Tổng giám đốc Vinamilk.

Cuộc điện thoại của tân Bí thư Thành ủy TP.HCM với Tổng Giám đốc Vinamilk, được cho là đã giúp dân Củ Chi gỡ khó chuyện bán sữa, gây tranh luận trên cộng đồng mạng.

Việc tân Bí thư trách vị Chủ tịch huyện Củ Chi rằng: “Không có số của Tổng giám đốc Vinamilk thì làm sao bán được sữa cho dân”, chẳng đúng mà cũng chẳng sai.

Thứ nhất là chính đại diện của Vinamilk tiết lộ, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc không dùng điện thoại di động.Thứ hai, như lời ông Chủ tịch Củ Chi giải thích, "tôi làm việc ở Vinamilk là các giám đốc phụ trách thu mua, còn chị Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk thì tôi chưa liên hệ, vì đã có sự phân công ở Vinamilk rồi”.

Nuôi bò sữa ở Củ Chi - Ảnh: Từ Facebook: Sữa bò trang trại Củ Chi
Nuôi bò sữa ở Củ Chi - Ảnh: Từ Facebook: Sữa bò trang trại Củ Chi

Hơn nữa, số sữa bò mà bà con nông dân không bán được là do không nằm trong hợp đồng đã ký kết với Vinamilk, thì hỏi làm sao mà Vinamilk có thể cứ chạy theo… người nông dân làm ăn theo kiểu tự phát, thấy lời là “nhà nhà nuôi bò, nhà nhà bán sữa”.

Tất nhiên, nhờ cuộc điện thoại của tân Bí thư Thành ủy TP.HCM, Vinamilk cũng sẵn lòng hỗ trợ. Tuy nhiên, Vinamilk cũng phải tuân thủ ngặt nghèo quy định về chất lượng sữa có đảm bảo hay không, nên họ vẫn là… sẽ xem xét, kiểm tra thực tế, cho dù tân Bí thư Thành ủy nhận định rằng “sản lượng sữa của đàn bò Củ Chi đâu thấm gì so với năng suất của Vinamilk”.

Vinamilk có lý của mình vì là một doanh nghiệp

Nguyên nhân sữa bò ở Củ Chi không bán được đã rõ, là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, có hộ đã kỳ hợp đồng bán sữa cho Vinamilk, sau thấy doanh nghiệp khác thu mua giá cao hơn đã phá hợp đồng… Rõ ràng là chuyện nông dân không bán được sữa, không phải là do Chủ tịch huyện không có số điện thoại của Tổng giám đốc Vinamilk.

Cách đây tròn một năm, người nông dân ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) khóc ròng về sữa bò không có nguồn tiêu thụ. Chỉ tính riêng xã Đạ Ròn, quy hoạch chăn nuôi bò sữa của xã đến năm 2015 là 1.500 con, đến năm 2020 là 2.000 con, nhưng cuối năm 2014 đàn bò sữa của xã đã lên đến 2.431 con.

Chính vì người dân chăn nuôi ồ ạt, nguồn cung không hề dư thừa so với nguồn cầu...

Nước mắt người nông dân còn khóc vì sản phẩm làm ra mà khó tiêu thụ, vấn đề mấu chốt không phải là những cuộc giải cứu mang tính tình thế mà phải là tầm chiến lược của người lãnh đạo, để sản xuất nông nghiệp bền vững không còn tình trạng nông dân nuôi trồng tự phát, chạy theo phong trào. 

Việt Hoài